(Xây dựng) - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh vừa có kiến nghị gửi Bộ Xây dựng về việc cho phép chủ đầu tư được chuyển giao quỹ đất hoặc quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% xây nhà ở xã hội (NOXH).
Nên có hình thức linh hoạt trong phát triển NOXH tại dự án nhà ở thương mại. |
Linh hoạt trong bố trí quỹ đất 20%
Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị sửa đổi, bổ sung Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP) để đảm bảo phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 16 Luật Nhà ở 2014 quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải giành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội, trên cơ sở gần như khôi phục lại một số nội dung của Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2015.
Theo điều 5, Nghị định 100/2015, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, tùy loại đô thị phải giành 20% tổng diện tích đất ở hoặc quỹ nhà ở của dự án để làm nhà ở xã hội. Chủ đầu tư trực tiếp làm nhà ở xã hội hoặc chuyển giao quỹ đất này cho UBND cấp tỉnh nơi có dự án. Tuy nhiên thực tế triển khai lại gặp nhiều bất cập.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, các dự án nhà ở thương mại thường rất đa dạng. Chẳng hạn, về phân khúc thị trường sẽ có từ cao cấp đến bình dân, về quy mô diện tích có từ dưới 1ha đến vài chục, hàng trăm, có khi lên đến hàng nghìn ha. Do vậy, có những dự án nhà ở thương mại phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án.
Tuy nhiên, ông Châu cũng cho rằng, Nghị định 49/2021/NĐ-CP chỉ quy định 01 phương thức chủ đầu tư phải xây dựng nhà ở xã hội trong dự án nhà ở thương mại có quy mô diện tích từ 2ha trở lên, nhưng đã bãi bỏ phương thức “chuyển giao quỹ nhà ở tương đương giá trị quỹ đất 20%” mà trước đây đã được quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP là không hợp lý, thiếu tính khả thi và không phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
“Bởi lẽ, các dự án nhà ở thương mại rất đa dạng về phân khúc thị trường từ cao cấp đến bình dân và quy mô dự án, nên cần có cơ chế phù hợp để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ dành một phần quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Do vậy, có những dự án nhà ở thương mại phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án, nhưng có nhiều dự án nhà ở thương mại không phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án. Nếu có cơ chế “chuyển giao quỹ nhà ở tương đương giá trị quỹ đất 20%” mà trước đây đã được quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP thì vừa sát với thực tiễn, vừa có được quỹ nhà ở xã hội nhiều hơn với giá thành hợp lý hơn, phù hợp hơn với khả năng tài chính của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội”, ông Lê Hoàng Châu nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc phát triển nhà ở xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh là rất cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên để có thể phát triển được loại hình nhà ở này cần linh hoạt trong bố trí quỹ đất 20% từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.
Đơn cử dự án khu đô thị rộng hàng trăm héc ta phát triển nhà ở cao cấp với giá trị hàng triệu USD (hơn 20 tỷ đồng) mỗi sản phẩm nhà ở, khi giành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội thì giá trị loại nhà ở này cũng rất cao nên đối tượngthụ hưởng khó tiếp cận. Thay vào đó, nếu chủ đầu tư được phép hoán đổi quỹ đất tương đương 20% ở vị trí phù hợp hơn với mức giá hợp lý thì đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội dễ tiếp cận và quỹ nhà ở xã hội của thành phố cũng không dừng lại ở con số khiêm tốn như hiện nay.
Một dự án NOXH ở huyện Bình Chánh Thành phố Hồ Chí Minh. |
Cần giao quyền cho cơ sở nhiều hơn
Trả lời kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng cho biết thời gian qua Bộ đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá một số tồn tại, bất cập trong việc thực hiện các chính sách phát triển nhà ở xã hội. Trong đó có quy định về việc dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội theo Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, nhằm khắc phục một số bất cập, tồn tại này.
Tuy nhiên, bên cạnh những tồn tại, vướng mắc trong quy định đã được sửa đổi, bổ sung trong Nghị định thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ thì còn có những nội dung tồn tại, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội và cần được sửa đổi trong Luật Nhà ở năm 2014.
Song song cùng đó, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất Bộ Xây dựng cho UBND Thành phố được quyết định hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội cho các dự án nhà ở thương mại từ 2ha đến 10ha. Theo đó, chủ đầu tư có thể thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng tiền tương đương giá trị 20% đất của dự án, có thể xây dựng nhà ở xã hội trên 20% đất dự án hoặc có thể bàn giao quỹ nhà tương đương giá trị quỹ đất 20%.
Là cơ quan tham mưu cho UBND Thành phố, thời gian qua Sở Xây dựng cũng tham mưu cho UBND Thành phố thống nhất về chủ trương cho phép các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất dưới 10ha, có cam kết thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức nộp bằng tiền. Việc nộp tiền này tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước được áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và các văn bản của Bộ Xây dựng để được xác nhận hoàn tất nghĩa vụ về nhà ở xã hội.
Đồng thời, Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND Thành phố giao nhiệm vụ cụ thể tùy theo chức năng nhiệm vụ của các sở, ngành liên quan. Cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận việc hoàn tất nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức bàn giao quỹ đất 20% tại dự án khi chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ về nhà ở xã hội; Sở Tài chính xác nhận hoàn tất nghĩa vụ về nhà ở xã hội bằng hình thức nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước; Sở Xây dựng xác nhận hoàn tất nghĩa vụ về nhà ở xã hội cho chủ đầu tư dự án khi thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng hình thức chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20%...
Tâm Đức
Theo