Các bài học về phát triển thủy điện không theo quy hoạch, tình hình ngập lụt đô thị, ô nhiễm các dòng sông… là những phản hồi mạnh mẽ từ thiên nhiên mà chúng ta cần phải lắng nghe.
Hiện tượng biến đổi khí hậu còn do tác động của con người.
TS. Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, ĐH Quốc gia TPHCM, cho biết những diễn biến quan sát được trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong năm 2013 về thời tiết và nước biển dâng không hẳn chỉ là hệ quả của hiện tượng biến đổi khí hậu mà còn do tác động của con người.
Biến đổi khí hậu có trách nhiệm của con người
“Mực nước sông dâng cao ở TPHCM gần đây có một phần quan trọng do san lấp, lấn chiếm các vùng trũng. Tình trạng ngập triều ở Cần Thơ được đánh giá là có phần đóng góp của hệ thống đê bao ở An Giang. Trong khi đó, tình trạng ngập ở Bình Dương có nguyên nhân chủ yếu từ việc mất đi các diện tích thấm nước trên lưu vực thượng lưu do đô thị hóa”, TS. Hồ Long Phi nhận định.
Theo TS. Hồ Long Phi, gần đây những cảnh báo từ thiên nhiên trước những hoạt động kém thích nghi, thậm chí đi ngược lại với quy luật tự nhiên của con người ngày càng trở nên rõ nét.
Nhiều địa phương trong quá trình phát triển đã không tính hết những tác động tiêu cực về môi trường. Các bài học về phát triển thủy điện không theo quy hoạch, tình hình ngập lụt đô thị, ô nhiễm các dòng sông… là những phản hồi mạnh mẽ từ thiên nhiên mà chúng ta cần phải lắng nghe.
Tương tự, GS.TSKH Lê Huy Bá, Trưởng khoa Môi trường, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng cho rằng, những biến đổi của thời tiết trong thời gian gần đây đã tạo ra nhiều “bất thường”. Những hiện tượng như ngập lụt ở huyện Bến Cát (Bình Dương), Cần Thơ, TPHCM vừa qua đều liên quan đến quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, đến tình trạng kênh rạch và những vùng bưng trũng bị lấp...
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những biến đổi của thời tiết trong giai đoạn đầu của biến đổi khí hậu. Biến đổi này chưa vượt ra ngoài quy luật của nó và cũng chưa nằm ngoài kịch bản biến đổi khí hậu mà Bộ TNMT dự báo.
Đây có thể mới chỉ là sự bắt đầu của những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, mà trước hết chính là những hiện tượng chúng ta đang gặp phải.
Sự tham gia của cộng đồng là quan trọng
Giải pháp cho vấn đề này, GS.TSKH Lê Huy Bá cho rằng, phải bắt đầu từ chính nhận thức và quan tâm của lãnh đạo các địa phương. Phải có những hành động cụ thể, tránh khẩu hiệu chung chung và cần phải có nghiên cứu, đánh giá khoa học cho từng khu vực cụ thể.
Bên cạnh đó, cần quy hoạch lại các bản đồ tác động của biến đổi khí hậu cho từng vùng trọng điểm. Phải tính đến các vấn đề như lũ quét ở các vùng đất dốc, vấn đề ngập lợ, ngập ngọt, ngập mặn... Có dự báo xu thế biến đổi cho từng vùng, từng tỉnh, từng huyện để có phương án thích ứng và dần tiến đến nguyên tắc “né tránh” tác hại của biến đổi khí hậu, lợi dụng tốt lợi thế của thời tiết, khí hậu mới để thích nghi. Đặc biệt là đối với bão, lụt, lũ quét đối với miền trung; vấn đề ngập ở Nam Bộ; khô hạn, xói mòn và thoái hóa rừng và đất đai ở khu vực Tây Nguyên.
TS. Hồ Long Phi thì cho rằng: “Không có một giải pháp toàn diện cho bài toán phát triển bền vững khi khí hậu biến đổi, mà sẽ là một nhóm các giải pháp và phải được triển khai đồng bộ trong từng giai đoạn thích hợp, với sự tham gia không thể thiếu từ nhiều phía chứ không riêng gì chính quyền”.
Một khảo sát gần đây đối với 1.200 đối tượng ở TPHCM về tác động đến kinh tế-xã hội của tình trạng ngập lụt trên địa bàn đã cho thấy, đa số người được hỏi vẫn còn cho rằng trách nhiệm chính là của chính quyền còn người dân chỉ là đối tượng thiệt hại, cần được hỗ trợ.
Trong khi đó, các cá nhân và doanh nghiệp liên tục có các hoạt động lấn chiếm kênh, rạch và đẩy mạnh phát triển trên các vùng đất dễ bị ngập lụt. Chính quyền trong đa số trường hợp phải chấp nhận sự việc đã rồi và phải chịu trách nhiệm đầu tư cho những công trình bảo vệ lên đến hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng chính tư duy không sát thực tế về quy hoạch không gian và việc buông lỏng kỷ cương ở cấp chính quyền địa phương thời gian qua đã khiến cho tác động tiêu cực đối với môi trường sống trở nên trầm trọng hơn.
“Đáng lẽ ra, biến đổi khí hậu còn nằm ở thì tương lai và chúng ta vẫn còn thời gian để cân nhắc giải pháp ứng phó thì chính sự phát triển quá mức, phá vỡ quy hoạch của một số tỉnh, thành phố đã vô tình khuếch đại nó lên và biến nó thành vấn đề của hôm nay”, TS. Hồ Long Phi chia sẻ.
Gần đây có nhiều dự án của Chính phủ và việc ưu tiên đầu tư của chính quyền một số địa phương nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, đã tạo ra những hiệu quả rõ rệt cho môi trường sống trên địa bàn.
“Mặc dù vậy, điều cần thiết trước mắt và lâu dài, không kém quan trọng là có những cơ chế phù hợp để có được sự tham gia từ cộng đồng chứ không chỉ là những nỗ lực từ phía chính quyền. Hãy bắt đầu từ thay đổi nhận thức của cả xã hội để tiến đến hành động vì chúng ta đang đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ”, TS. Hồ Long Phi nhấn mạnh.
Theo Chinhphu.vn
Theo