Thứ sáu 29/03/2024 15:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cần làm rõ việc khai thác khoáng sản bất hợp pháp ở Lâm Đồng

14:36 | 18/11/2021

Mỗi ngày, hàng trăm lượt phương tiện ra vào tấp nập chở đất, đá từ khu mỏ bất hợp pháp tại thôn 3, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đi khắp nơi tiêu thụ.

Việc này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân địa phương, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Sự việc kéo dài suốt hai năm qua nhưng không được cơ quan chức năng xử lý khiến dư luận bất bình.

“Hằng ngày chúng tôi bị ảnh hưởng trực tiếp từ hoạt động khai thác đất, đá của khu mỏ. Dù rất bức xúc nhưng không ai dám lên tiếng, để cho cuộc sống được lành!..”, người đàn ông ngoài 50 tuổi, có nhà cách khu mỏ vài trăm mét lắc đầu ngao ngán cho biết.

Cũng theo người này, khai thác ban ngày chưa đủ, có thời điểm, mỏ đất, đá bất hợp pháp trên còn được khai thác xuyên đêm. Tiếng động cơ của các loại máy múc, máy khoan, đập đá, xe benz... ra vào chở khoáng sản đi tiêu thụ khiến những gia đình sống gần khu mỏ và đường đi gần như thức trắng vì không thể nào ngủ được.

Chỉ trong 30 phút, PV Báo CAND chứng kiến hàng chục xe benz lớn nhỏ chở đất, đá ra khỏi khu mỏ trái pháp luật này, di chuyển ra hướng địa phận huyện Đức Trọng và phục vụ một số công trình xây dựng gần đó, gồm các xe BKS: 49C-22766, 49C-14134, 49C-15010, 49C-17478, 49C-18333, 49C-22008, 49C-22863...

Phía trước những xe này phần lớn dán chữ Quốc Khánh và một số xe dán chữ Công ty TNHH Tú Lộc Thọ. Xe lấy đá ra từ khu mỏ được chở tới một công trình xây dựng thuộc “dự án bất động sản” có tên Dalat Pearl đang được phân lô, rao bán cách đó hơn 1km. Xe chở đất phục vụ việc san lấp mặt bằng tại nhiều địa điểm, phần lớn thuộc huyện Đức Trọng.

can lam ro viec khai thac khoang san bat hop phap o lam dong
Xe ra vào khai thác đá tại mỏ khoáng sản bất hợp pháp.

Theo người dân địa phương, lượng xe benz chở đất, đá hằng ngày ra vào khu mỏ rất lớn, cao điểm có ngày lên tới khoảng 300 chuyến. Mặc dù đường giao thông nông thôn nhỏ, hẹp, nhiều khúc cua gấp nhưng các xe chở đất đá từ khu mỏ đi ra thường chạy với tốc độ rất cao.

Để an toàn cho bản thân, người đi đường thường phải ép sát vào lề để nhường đường cho đoàn xe chở đất, đá di chuyển. Đường sá khu vực này cũng bị cày nát nhiều vị trí khiến xe cộ đi lại rất khó khăn, thường sập xuống các ổ voi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Tiếp cận hiện trường khu mỏ, PV Báo CAND ghi nhận tổng quan khu vực này là một quả đồi rộng nhiều hecta, được chia làm hai khu vực. Đi vào phía trái là khu khai thác đất, diện tích mới tác động khoảng trên 1ha. Việc khai thác đất tại đây đã gây chênh lệch địa hình chỗ cao nhất khoảng 15m với hàng chục nghìn mét khối đất đã được khai thác, đưa ra khỏi hiện trường. Đi vào phía tay phải, theo hướng lên đỉnh quả đồi là khu vực khai thác đá.

Diện tích mới bị tác động, làm thay đổi hiện trạng tại khu vực này cũng lên tới hàng nghìn mét vuông, cắt ngang, xẻ đôi quả đồi với chiều dài hàng trăm mét. Chỗ khai thác đá, gây chênh lệch địa hình điểm sâu nhất khoảng 15m với hàng chục nghìn mét khối đá đã được lấy đi. Dấu vết tại hiện trường cho thấy, tổng thể khu mỏ này đã được khai thác trong thời gian dài, diện tích bị đào bới, khai thác đất, đá cả cũ và mới đã lên tới nhiều hecta, gây biến dạng hoàn toàn địa hình trong khu vực.

Mặc dù việc khai thác, vận chuyển đất đá ra khỏi hiện trường đưa đi khắp nơi tiêu thụ nhưng ông Lê Đức Tiến, Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương khẳng định, vị trí đang được một số người khai thác không phải là mỏ vì chưa được cơ quan chức năng cấp phép.

Cũng theo vị Chủ tịch UBND xã Đạ Ròn, khu vực này trước đây UBND huyện Đơn Dương có cấp phép san gạt mặt bằng tại chỗ để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho một cá nhân, không được phép khai thác, vận chuyển tài nguyên, khoáng sản ra khỏi khu vực được cấp phép.

Việc khai thác đất, đá tại khu mỏ trái pháp luật này đã xảy ra từ hai năm qua, UBND xã Đạ Ròn cho biết đã nhiều lần lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với những người vi phạm, trong đó có Công ty Quốc Khánh.

Tuy nhiên, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương có số tiền mỗi lần chỉ vài triệu đồng so với số tiền kiếm được từ việc khai thác đất, đá đem bán chẳng thấm vào đâu nên không đủ sức răn đe. Hằng ngày, doanh nghiệp trên vẫn ngang nhiên khai thác đất, đá, bất chấp sự quản lý của cơ quan chức năng địa phương.

Tài nguyên, khoáng sản thất thoát thiệt hại nguồn thuế của Nhà nước, ảnh hưởng xấu tới môi trường và cuộc sống của người dân trong khu vực.

Cần ngăn chặn việc khai thác đất, cát trái phép từ các trang trại Lại “nóng” tình trạng khai thác đất mặt trái phép ở Tây Nam Bộ Ngang nhiên khai thác đá trắng trái phép quy mô lớn

Theo Khắc Lịch/Cand.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load