(Xây dựng) - Những năm gần đây, nhiều vụ va chạm giữa tàu thuyền lưu thông trên sông ở Hải Phòng với các cây cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình, tiêu tốn hàng hàng trăm tỷ để sửa chữa.
Nhiều vụ va chạm giữa tàu thuyền lưu thông trên sông ở Hải Phòng với các cây cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình. |
Tiêu tốn cả trăm tỷ sửa cầu
Do không có quy định cấm phương tiện thủy trọng tải lưu thông trên đường thủy có giới hạn trọng tải (cấp kỹ thuật) nhỏ hơn nên các vụ va chạm vẫn diễn ra theo tần số cơ học vài năm một lần.
Mới đây, trong quá trình lưu thông trên sông Đào Hạ Lý, do không lường được tĩnh không bị thu hẹp lại trong thời gian có triều cường, cabin của chiếc tàu HD-3599 đã va vào thân cầu đường sắt Tam Bạc, khiến 2 dàn nhịp chủ đường sắt trên cầu (tại Km99+250 tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng) bị dịch chuyển, tàu hỏa không thể đi qua. Toàn bộ việc vận chuyển bằng đường sắt từ ga Hải Phòng đi và từ Hà Nội về bị dừng lại khiến hàng nghìn người phải thay đổi lộ trình; hàng nghìn tấn hàng hóa bị đọng lại, hàng trăm toa xe hàng ùn tại ga Hải Phòng và ga Yên Viên (Hà Nội).
Sau khi xảy ra sự cố, các cơ quan chức năng họp bàn phương án giải quyết và đã khắc phục xong hư hỏng của đường sắt. Kinh phí khắc phục khoảng 50 triệu đồng, do chủ phương tiện chi trả.
Đây không phải là lần đầu ở Hải Phòng xảy ra tình trạng tàu đâm vào cầu, mà đã xảy ra nhiều lần. Dù nguyên nhân khác nhau, nhưng đều có điểm chung đó là sự chủ quan, sơ xuất của người điều khiển, người quản lý tàu, gây thiệt hại nặng nề.
Cách đây 10 năm, khoảng 22 giờ ngày 11/7/2010, sự cố đứt neo, 3 chiếc tàu đâm vào cầu Bính khiến cây cầu bị đình trệ suốt 2 năm. Kinh phí sửa chữa cầu mất khoảng 157 tỷ đồng. Hướng lưu thông bằng đường bộ bắt buộc phải di chuyển qua cầu Kiền xa hơn 10km ròng rã suốt 2 năm, gây thiệt hại lớn cho người dân và doanh nghiệp.
Trên sông Tam Bạc, cầu vượt sông do Công ty Sơn Trường xây dựng cũng phải hứng chịu đến 3 lần tàu đâm vào trụ, ảnh hưởng đến cầu. Ngoài ra, cầu Rào, cầu Khuể, cầu Tiên Cựu... cũng từng bị tàu đâm vào trụ, ảnh hưởng đến lưu thông của các phương tiện trên đường bộ. Không chỉ cầu, phương tiện thủy cũng bị hư hỏng nặng khi xảy ra va chạm. Đồng thời, mức bồi thường thiệt hại chủ tàu phải gánh chịu do phương tiện gây ra không hề nhỏ.
Cần có biện pháp hạn chế va chạm
Hải Phòng có nhiều sông và kênh đào, là đầu mối về đường thủy nội địa phía Bắc, hình thành nên những hành lang vận tải đường sông phía Bắc và phía Nam. Hải Phòng chịu ảnh hưởng của chế độ nhật triều (ngày lên xuống 1 lần), nên mực nước thủy triều lên xuống trong ngày rất cao, có thời điểm mực nước chính trong ngày lên đến 3,8m, khi kết hợp nước từ thượng nguồn đổ về còn cao hơn. Vì điều này, nhiều con tàu thường đi qua Hải Phòng đều phải hạ cabin để phù hợp với tĩnh không của một số cây cầu. Nhiều thuyền trưởng sau khi tính toán thực nước đã quyết định neo lại chờ nước xuống để đi qua, nhưng cũng có thuyền trưởng do tự tin vào khả năng luồng lạch và thiết kế của tàu vẫn cho tàu lưu thông qua, dẫn đến những va chạm như vụ tàu HD-3599 gây ra đối với cầu đường sắt Tam Bạc.
Điều đáng nói là tàu HD-3599 là tàu vỏ thép, mang hai cấp tàu sông SI (tương ứng trọng tải toàn phần hơn 2.772 tấn) và SII (hơn 2.984 tấn). Phương tiện được cấp giấy chứng nhận kiểm định gần nhất ngày 24/2/2020 và có thời hạn đến 31/1/2021. Chủ tàu là một doanh nghiệp đăng ký trụ sở tại Hải Dương.
Trong khi, đơn vị quản lý đường thủy, sông Đào Hạ Lý có chiều dài 3km, là tuyến đường thủy quốc gia, nối sông Lạch Tray và sông Cấm. Đây là tuyến đường thủy cấp III theo tiêu chuẩn quốc gia về phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa. Cấp kỹ thuật này tương ứng với việc khai thác vận tải hiệu quả nhất đối với đoàn sà lan có trọng tải đến 2x400 tấn và phương tiện thủy nội địa có trọng tải 300 tấn.
Như vậy, tàu HD-3599 có trọng tải toàn phần theo chứng nhận đăng kiểm là 2.984 tấn, lớn hơn gần 10 lần so với cấp kỹ thuật của tuyến đường thủy sông Đào Hạ Lý. Nhưng hiện không có quy định cấm phương tiện thủy trọng tải lưu thông trên đường thủy có giới hạn trọng tải (cấp kỹ thuật) nhỏ hơn nên các phương tiện có trọng tải hơn 300 tấn vẫn được lưu thông trên tuyến. Việc áp cấp kỹ thuật đối với tuyến chủ yếu được dùng để áp dụng trong việc duy tu, bảo trì các thông số kỹ thuật của luồng đường thủy.
Với hàng trăm chiếc tàu sông qua lại trên các tuyến đường thủy nội địa, việc bảo vệ các công trình cầu vượt sông ở Hải Phòng chính là bảo vệ sự phát triển của thành phố. Tuy nhiên, ở Hải Phòng việc quản lý đường sông lại đang thực hiện theo cấp Trung ương và địa phương, phân chia từng tuyến luồng phụ trách, dẫn đến mỗi nơi tuyên truyền, hướng dẫn một cách, chưa tạo sự gắn kết trong quản lý chung.
Để bảo đảm an toàn cho tàu lưu thông và bảo đảm an toàn cho các công trình cầu, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các đơn vị để tuyên truyền, hướng dẫn cho tàu ra vào, nhất là ở những khu vực ngã ba sông, vũng xoáy trong mùa mưa bão, để tránh va chạm giữa các phương tiện và tránh va chạm giữa phương tiện với cầu. Đồng thời, có thông báo kịp thời về sự cố luồng, các yếu tố bất ngờ bị thu hẹp tĩnh không của các cây cầu để các phương tiện thủy chú ý trong lưu thông. Nếu phát hiện tĩnh không cầu không bảo đảm, phải tổ chức lực lượng chặn phương tiện đi qua, không thể phó mặc cho thuyền trưởng như hiện nay.
Song hành với quản lý, hướng dẫn trên luồng, các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các phương tiện thủy không bảo đảm kỹ thuật và người điều khiển phương tiện không có bằng cấp chuyên môn (hoặc có nhưng không phù hợp với phương tiện đang điều khiển). Đề xuất với các chủ tàu, chủ doanh nghiệp sử dụng người lái tàu có kinh nghiệm, thông thạo về luồng mỗi khi điều khiển phương tiện qua các tuyến sông ở Hải Phòng. Đó là cách xử lý từ gốc để bảo đảm an toàn trên đường thủy nội địa, bớt đi nỗi lo lắng của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Mỹ Hạnh – Hải Nguyên
Theo