Chủ tich Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần có chế tài xử lý vi phạm trong trường hợp lợi dụng việc điều chỉnh để thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực...
Việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là lĩnh vực dễ phát sinh sai phạm. (Ảnh minh hoạ: TTXVN) |
Trong phiên thảo luận tổ tại Quốc hội về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi ngày 9/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh việc rà soát điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là lĩnh vực vừa qua phát sinh nhiều sai phạm, do đó cần phải có những quy định cụ thể hơn về lĩnh vực này.
Chủ tịch Quốc hội nêu lên thực tế nhà đầu tư rất ngại đầu tư vào nông nghiệp vì sợ những thay đổi bất thình lình trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp.
"Hôm nay bảo đất nông nghiệp, mai mốt lại bảo điều chỉnh thành đất ở, sản xuất, đất công nghiệp... Rủi ro lớn nhất của đầu tư vào nông nghiệp chính là quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Quy định rà soát điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất là nhu cầu tất yếu của thực tiễn nên nếu không quy định kỹ thì sẽ rất khó vận hành, khi vận hành rồi cũng khó tránh khỏi vi phạm trong khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải quy định rất cụ thể, chi tiết, chặt chẽ về điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, vấn đề giám sát, đặc biệt là phải có chế tài xử lý vi phạm trong trường hợp lợi dụng việc điều chỉnh để thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Dự thảo luật phải bổ sung quy định nguyên tắc của việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để tương thích với nội dung nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định các tiêu chí cơ bản để thực hiện việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để hạn chế việc thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không cần thiết, tuỳ tiện;
“Cần bổ sung chế tài xử lý đối với tổ chức, cán nhân có thẩm quyền trong việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, có như vậy mới đủ sức răn đe và lập lại trật tự trong lĩnh vực này,” Chủ tịch Quốc hội nói.
Về lấy ý kiến quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật chưa bảo đảm được tính thực chất của việc lấy ý kiến nhân dân. Có cùng nhận định này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ phải tránh câu chuyện "lấy ý kiến cho có, hình thức.”
Chủ tịch Quốc hội chỉ ra rằng dự thảo luật chưa nói rõ bao nhiêu phần trăm thì có thể xác định là đồng thuận hoặc không đồng thuận.Nếu trường hợp nhân dân không đồng thuận với dự thảo thì cơ quan có thẩm quyền có xem xét, sửa đổi nội dung dự thảo quy hoạch, kế hoạch hay không? Sửa đổi toàn bộ hay sửa đổi một phần? Trong trường hợp bảo lưu như dự thảo thì trách nhiệm giải trình thế nào? Chế tài xử lý trách nhiệm của người có thẩm quyền mà không thực hiện trách nhiệm giải trình ra sao?
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ nếu không làm rõ những vấn đề này thì tính khả thi của việc lấy ý kiến nhân dân rất thấp, sẽ lại hình thức và rất khó cho những người thực hiện ở cơ sở, không có ranh giới để đưa ra quyết định./.
Theo Nhóm PV (Vietnam+)