Được mệnh danh là đất vàng, nhưng nhiều khu đất ở trung tâm TP HCM lại gặp lắm truân chuyên. Thay vì hình thành các dự án như kế hoạch, nhiều nơi được trưng dụng làm bãi gửi xe.
Từ năm 2007, UBND TP HCM đã phê duyệt cho Công ty CP Sài Gòn Kim Cương đầu tư dự án tòa tháp SIC Tower tại khu đất 4 mặt tiền đường Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực.
Tòa tháp SIC Tower nếu được xây dựng sẽ cao 52 tầng, tổng vốn đầu tư trên 137 triệu USD. Thế nhưng, nhiều năm nay, khu đất này vẫn là bãi giữ xe.
Khu đất mặt tiền đường Lê Duẩn - Hai Bà Trưng, ngay cạnh tòa nhà Diamond Plaza sang trọng bậc nhất trung tâm thành phố cũng đang là một bãi giữ xe.
Đây là dự án Lavenue Crown do liên danh giữa Công ty CP Kinh Đô, Công ty TNHH Quản lý Kinh doanh nhà TP HCM và Mayflower Investment góp vốn đầu tư. Mặc dù bên ngoài đã được "che đậy" với tường bao gồm những hình ảnh quảng cáo rất hoành tráng của dự án, nhưng bên trong thực tế lại chưa có dấu hiệu gì cho thấy dự án triển khai.
Có vị trí đắc địa, khu đất tại số 117-119 ở phố đi bộ Nguyễn Huệ với diện tích 2.724 m2 hiện cây cối mọc um tùm. Đây là vị trí đã được phê duyệt xây dựng dự án BIDV Tower, do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm chủ đầu tư.
Theo đó, nếu xây dựng tòa nhà này sẽ cao 40 tầng, nhưng dự án này lại bất động hơn 8 năm. Gần đây, khu đất xung quanh được dựng tôn phủ kín này được trưng dụng để làm bãi giữ xe máy, ôtô.
Bên phía mặt tiền phía đường Tôn Thất Thiệp cũng biến thành nơi giữ xe máy.
Khu đất vàng 164 Đồng Khởi này nằm đối diện Nhà thờ Đức Bà, có diện tích gần 9.800 m2, với vị trí đắc địa khi giáp với các đường trung tâm Nguyễn Du, Đồng Khởi, Lý Tự Trọng và Trường THPT Trần Đại Nghĩa. Thế nhưng, sau 4 năm được sở hữu, liên danh trúng thầu là Hongkong Land và Sumitomo & Development đã trả lại cho thành phố. Mới đây, theo thông tin từ Sở KH&ĐT TP HCM, Công ty CP Nova Bắc Nam 79 có văn bản xin đầu tư vào khu đất này.
Thời Pháp thuộc, tòa nhà 164 Đồng Khởi là “bót Catinat”. Từ năm 1975 đến 2014 là trụ sở Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP, nay là Sở Văn hóa và Thể thao thành phố.
Khu tam giác vàng Trần Hưng Đạo – Nguyễn Thái Học – Phạm Ngũ Lão vốn được đánh giá là đẹp nhất trong các khu đất vàng qua 3 lần đổi chủ nhưng vẫn chưa biến chuyển. Mới đây, nhà đầu tư mới là liên danh Jimiro (Hàn Quốc) – công ty Đại Tân Phú đã bỏ ra 500 triệu USD để sở hữu khu đất có diện tích 13.110 m2 sát bên công viên 23/9 và chợ Bến Thành này.
Theo kế hoạch, khu đất này sẽ được xây dựng một khối cao ốc văn phòng 55 tầng, một khách sạn năm sao 30 tầng và một trung tâm thương mại hạng A cao 10 tầng.
Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh rộng 600.000 m2 sau 10 năm quy hoạch cũng chưa thể thành hình dự án như mong muốn. Trong ảnh: Một góc dự án tại ngã 3 Nguyễn Cư Trinh -Cống Quỳnh. Phía Bitexco cho biết, hiện chính quyền vẫn đang tiến hành đền bù giải toả. Doanh nghiệp mới được giao chủ trương, chưa được chính thức giao đất.
Khu đất 23 Lê Duẩn, nằm trong lõi trung tâm thành phố với hai mặt tiền đường Lê Duẩn và Nguyễn Du rộng 3.000 m2, hiện đang là trụ sở Công ty Xổ số kiến thiết TP HCM. Đất vàng này được Tân Hoàng Minh đấu giá thành công năm 2015, với 1.430 tỷ đồng, gấp 2,6 lần giá khởi điểm.
Tuy nhiên, vào ngày 23/6, Tân Hoàng Minh có đơn đề nghị hủy kết quả cuộc đấu giá, đồng thời tổ chức bán đấu giá lại theo đúng quy trình... vì cho rằng phương án đấu giá có sai phạm về bước giá.
Hình ảnh Khu phức hợp thương mại cao cấp The One tại Khu tứ giác Bến Thành, nằm đối diện chợ Bến Thành hiện hữu.
Công trình này đang xây dựng tầng hầm sau 6 năm thành phố ra quyết định thu hồi 8.641m2 đất tại khu tứ giác Bến Thành để giao cho Bitexco thực hiện dự án đầu tư, xây dựng cao ốc văn phòng – thương mại – dịch vụ.
Khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng đang đầu tư Khu phức hợp gồm khách sạn 6 sao, Trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê có tên là Sabeco Tower. Đây là khu đất vàng hiếm hoi có tới 4 mặt tiền gồm phố Đông Du, Thi Sách, Hai Bà Trưng, Công trường Mê Linh và rộng hơn 6.000 m2.
Dù có vị trí lý tưởng nằm trong quy hoạch bờ tây Sài Gòn, trong quy hoạch lõi của thành phố, nhưng đất vàng này cũng không ít gian truân. Năm 2008, UBND TPHCM đã quyết định giao cho Sabeco. Mới đây, Sabeco lại công bố thông tin phê duyệt phương án thoái vốn tại khu phức hợp trên. Theo thông tin thì hiện dự án đã có chủ mới là một “đại gia” BĐS ở TP HCM. Tuy nhiên danh tính của nhà đầu tư này vẫn còn trong vòng bí mật.
Trong ảnh là khu đất giáp hai mặt tiền đường Trần Hưng Đạo và Hồ Hảo Hớn có diện tích rộng 4.000 m2, được UBND TP HCM chấp thuận giao cho Công ty CP Đức Khải đầu tư một trung tâm thương mại-dịch vụ-căn hộ cao 30 tầng với vốn đầu tư ban đầu là 1.499 tỷ đồng. Bảng công trình ghi khởi công tháng 1/2016, nhưng dự án hiện tại là những bức tường vây, không có máy móc thi công.
Theo Lê Quân/Zing.vn
Theo