Trước ngày thông xe cầu Mỹ Lợi, công nhân dọn vệ sinh, hoàn tất khâu chuẩn bị. Từ nay, quãng đường từ TP HCM về Tiền Giang rút ngắn từ 100 km xuống còn một phần tư.
Cầu Mỹ Lợi nằm trên quốc lộ 50, nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Long An. Việc hoàn thành cây cầu được đánh giá là sẽ góp phần quan trọng kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, đảm bảo giao thông thông suốt, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông trên tuyến đường này.
Điểm đầu cầu nằm tại Km33+650 trên Quốc lộ 50 (theo lý trình dự án Km0+000 – cách đầu bến phà Mỹ Lợi khoảng 1 km về phía TP HCM), thuộc địa phận xã Phước Đồng, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Điểm cuối cầu tại Km36+543 trên Quốc lộ 50 (theo lý trình dự án Km2+691 – cách đầu bến phà Mỹ Lợi khoảng 1 km về phía Tiền Giang), thuộc địa phận xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng hơn 2,6 km.
Công trình được xây dựng bằng công nghệ bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, đây là công nghệ được áp dụng ở nhiều dự án xây cầu khắp Việt Nam.
Ngày 29/8, lễ thông xe chính thức sẽ diễn ra. Sau khi đi vào hoạt động, cầu sẽ rút ngắn khoảng cách từ thị xã Gò Công (Tiền Giang) lên địa phận TP HCM chỉ còn chừng 25 km, ngắn hơn khoảng 75 km so với đường cũ theo quốc lộ 1 hay cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Cầu Mỹ Lợi được đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 1.438 tỷ đồng. Bề ngang cầu rộng 12 m với 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ. Hệ thống chiếu sáng cao áp đảm bảo các phương tiện lưu thông an toàn ban đêm.
Cận ngày thông xe, anh Nguyễn Minh Phương công nhân bộ phần đúc dầm đang hoàn tất vệ sinh những công đoạn cuối cùng.
Anh Nguyễn Duy Hưng thuộc Ban quản lý dự án chia sẻ, cầu Mỹ Lợi có ý nghĩa quan trọng trong việc kết nối lưu thông thông suốt miền tây và TP HCM. Trong suốt quá trình làm việc tất cả các công đoạn đều được kiểm tra chặt chẽ để đảm bảo chất lượng cao nhất cũng như hoàn thiện về mặt thẩm mỹ.
Công nhân rửa dọn mặt cầu sạch sẽ cho ngày lễ thông xe sắp diễn ra.
Cầu Mỹ Lợi đi vào hoạt động đem lại sự thuận tiện giao thông cho cả 2 tỉnh Long An và Tiền Giang nói riêng cũng như hệ thông giao thông khu vực Tây Nam Bộ nói chung.
Sau khi cầu chính thức đi vào hoạt động, phà Mỹ Lợi cũng được cơ quan chức năng xem xét cho dừng hoạt động vào thời điểm thích hợp.
Một cán bộ bến phà cho biết, thời gian dự kiến dừng hoạt động phà khoảng tháng 9/2015.
Hình ảnh những chuyến phà quen thuộc sẽ sắp trở thành quá khứ. Bà Hai Thơm, nhà ở Gò Công, bán dưa hấu cho biết, bà rất thích đi phà vì có thời gian để ngồi nghỉ ngơi trong khi phà chạy. Nhưng việc có một cây cầu sẽ giúp đi lại thuận tiện hơn cho việc buôn bán của bà.
Tuy những chuyến phà gắn liền với đời sống người dân ở đây rất lâu, song đây cũng là điểm trở ngại lớn, gây chậm trễ và hạn chế năng lực thông xe trên toàn tuyến, hạn chế sự phát triển kinh tế, xã hội của các khu vực lân cận Việc đầu tư xây dựng dự án cầu Mỹ Lợi thay thế cho bến phà hiện hữu là rất cần thiết nhằm nối thông hoàn toàn tuyến, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường đảm bảo an ninh quốc phòng các tỉnh duyên hải khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM.
Các bạn trẻ thích đi du lịch khám phá bằng xe máy, theo quốc lộ 50 từ TP HCM tới Tiền Giang có thể ghé thăm Lăng Hoàng Gia được xây dựng trên gò Sơn Quy (thị xã Gò Công) nơi thờ dòng họ Phạm Đăng; trong số đó có mộ ông Phạm Đăng Hưng (cha của hoàng thái hậu Từ Dũ, ông ngoại vua Tự Đức), thăm vùng trồng sơ ri Gò Công hay ghé thăm bãi biển Tân Thành (Gò Công).
Theo Hải Nguyên/Zing.vn
Theo