Thứ tư 06/11/2024 01:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Cảm nhận của người dân và quyết định mới từ Thủ tướng

22:10 | 24/07/2015

Đúng một ngày sau khi Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông vận tải, một kết quả khảo sát cảm nhận của người dân về nhà nước và thị trường đã  được công bố…


Báo cáo “Việt Nam chuyển đổi - Thay đổi cảm nhận về nhà nước và thị trường của người Việt Nam” khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân đối với mô hình kinh tế thị trường. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Với quyết định ngày 22/7 vừa qua của Thủ tướng, Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương sẽ trở thành đơn vị sự nghiệp công lập đầu tiên được chuyển thành công ty cổ phần. Trước đó 1 tháng, ngày 22/6, Thủ tướng đã ban hành hành lang pháp lý chính thức cho vấn đề này, với Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg quy định về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thành công ty cổ phần.

Như vậy là từ nay, khái niệm “cổ phần hóa” sẽ không chỉ được áp dụng với các doanh nghiệp nhà nước. Việc cổ phần hóa cả các đơn vị sự nghiệp cho thấy, Chính phủ đã nhất quán, kiên trì thực hiện một định hướng lớn đã được xác định: Trong khi tập trung vào nhiệm vụ kiến tạo phát triển, thì Nhà nước cần tạo điều kiện cho xã hội và thị trường thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội, mà thị trường có thể làm tốt hơn.

Thời gian qua, có 3 giải pháp trọng tâm đã được Chính phủ tiến hành đồng bộ để thực hiện định hướng lớn nói trên. Đó là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thực hiện cơ chế giá thị trường đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ; và đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công.

Không khó để nhận thấy, việc cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các bệnh viện, bao gồm cả 3 giải pháp trọng tâm đó. Ngay cả các đơn vị sự nghiệp công lập chưa cổ phần hóa thì theo Quyết định 22 của Thủ tướng, cũng phải đẩy mạnh hoạt động theo cơ chế tự chủ, tiến tới tự chủ hoàn toàn, hạch toán như doanh nghiệp.

Rõ ràng, có thể coi đây là một bước tiến dài trong tiến trình cải cách, xây dựng thể chế kinh tế thị trường, “định vị” lại vai trò, chức năng của nhà nước trong mối quan hệ với thị trường.

Có một sự trùng hợp khá thú vị, là đúng một ngày sau khi Thủ tướng phê duyệt cổ phần hóa Bệnh viện Giao thông vận tải, thì ngày 23/7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố báo cáo “Việt Nam chuyển đổi - Thay đổi cảm nhận về nhà nước và thị trường của người Việt Nam”.

Không có gì ngạc nhiên khi báo cáo một lần nữa khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân đối với mô hình kinh tế thị trường, khi 89% cho rằng mô hình này ưu việt hơn mô hình kinh tế nhà nước. Cũng phải nói thêm, khái niệm “kinh tế nhà nước” ở đây được hiểu là một nền kinh tế mà trong đó, nhà nước thông qua các kế hoạch từ trung ương để phân bổ các nguồn lực cho các hoạt động khác nhau, vốn đầu tư từ nhà nước chiếm ưu thế và giá cả bị chi phối hoặc chịu tác động mạnh mẽ từ phía nhà nước.

Tuy nhiên, mức độ cũng như tốc độ chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang một nền kinh tế thị trường rõ ràng chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Cứ 5 người cho rằng kinh tế Việt Nam hiện nay về cơ bản là kinh tế thị trường, thì cũng có gần tới 4 người cho rằng Việt Nam về cơ bản vẫn là kinh tế nhà nước.  Và chỉ có 29% cho rằng tốc độ chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam trong 5 năm qua là nhanh, trong khi 36% cho rằng còn chậm.

Tiếng nói nhất quán mà bản báo cáo đưa ra vẫn là yêu cầu cải cách mạnh mẽ hơn nữa, tôn trọng triệt để hơn nữa những quy luật của kinh tế thị trường.

Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, thì kết quả khảo sát đã cho thấy sự gặp nhau giữa niềm tin và ý nguyện của người dân với chương trình cải cách của Chính phủ thời gian qua. Chẳng hạn, có tới 99% số người được hỏi – một tỷ lệ gần như tuyệt đối - ủng hộ việc nhà nước chuyển giao một số dịch vụ công cho khu vực tư nhân thực hiện.

Còn nhớ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tháng 2/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu, “tất cả phải đi vào kinh tế thị trường và đã là thị trường thì phải thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường”. Và rằng “định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là có bao nhiêu bệnh viện của nhà nước, không phải là quốc doanh chiếm bao nhiêu, mà là làm sao để tất cả mọi người dân được hưởng những dịch vụ xã hội cơ bản”. 

Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, đâu đó cũng vẫn còn có những e ngại nhất định với kinh tế thị trường. Ngay cả người dân, theo khảo sát nói trên, đôi khi cũng còn “lưỡng lự” trước kinh tế thị trường, khi đa số vẫn muốn có bàn tay can thiệp của nhà nước đối với giá cả những mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, xu thế chung đã được xác lập, đó là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Và Chính phủ, Thủ tướng đang có những hành động chính sách hết sức khẩn trương mang tính then chốt để thực thi mục tiêu ấy.

Theo Chinhphu.vn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load