(Xây dựng) - Mỗi quốc gia có một đặc điểm, truyền thống riêng biệt với những ứng xử tương ứng. Xử sở hoa anh Đào được xem là nơi có nhiều nét riêng biệt trong nền văn hóa và để chuyến công tác hoặc du lịch Nhật Bản được tốt đẹp, cần lưu ý những điều sau đây trước khi đến Nhật Bản:
Văn hóa cúi rạp người
Lễ cúi chào là một hình thức quan trọng của lời chào và xin lỗi trong xã hội Nhật Bản. Từ khi vào trường tiểu học, người Nhật phải học cách tôn trọng người lớn tuổi và học cúi chào như là một phần của sự tôn trọng người khác. Đối với bạn bè thì bạn cần cúi đầu góc 30 độ. Đối với ông chủ của bạn tại nơi làm việc và người lớn tuổi, phải cúi sâu hơn ở một góc khoảng 70 độ. Điều này là một phép kính cẩn trong giao tiếp của người Nhật.
Bỏ giầy dép ở ngoài
Tại Nhật Bản, bất kể đặt chân đến phòng họp hội nghị hay nhà riêng, đều phải thay dép, có lúc phải thay hai lần. Khi bước vào một vào một ngôi nhà theo phong cách Nhật Bản hay vào một công ty Nhật Bản, ta thường sẽ thấy một giá để giầy dép ở cửa ra vào. Như vậy ta nên để giày hoặc dép của mình vào giá để giầy.
Cư xử lịch sự tại nơi công cộng
Mỗi đất nước lại có một phong tục trình tự văn hóa khác nhau. Người Nhật không muốn làm xáo trộn trật tự và hòa hợp của đất nước mình. Cho nên những điều làm xáo trộn trật tự ở nước ngoài có thể làm được nhưng tại Nhật Bản thì những việc làm đó là không nên. Ví dụ, nói chuyện điện thoại di động bên trong một xe lửa hoặc xe buýt, hỉ mũi trước mặt người khác, ăn thức ăn trong khi đi lại được coi là cách cư xử xấu và thiếu lịch sự ở Nhật Bản.
Người Nhật rất coi trọng tự do cá nhân vì vậy không nên cười nói lớn tiếng hoặc đùa giỡn nơi công cộng/nhà hàng làm ảnh hưởng tới người khác. Xả rác, hút thuốc nơi có bảng cấm sẽ bị phạt vi cảnh. Khi xả rác phải để ý phân loại rác theo chỉ dẫn.
Văn hóa tặng quà
Một phần quan trọng trong kiến thức kinh doanh đa văn hóa - đó là các quy ước, tục lệ tặng quà ở Nhật. Việc tặng quà giữa các đối tác là việc làm gần như không thể thiếu được. Sẽ thất thố nếu đến thăm một đối tác Nhật và được tặng quà mà ta lại không mang theo gì để tặng lại. Hiểu rõ văn hóa tặng quà và các quy ước không thành văn có liên quan ở Nhật Bản có thể giúp các doanh nhân nước ngoài xây dựng thành công mối quan hệ tốt đẹp và lâu dài với các bạn hàng Nhật.
Ăn uống
Người Nhật ăn bằng đũa, không cầm thức ăn bằng tay, không vứt đồ thừa hay xương thịt cá ra bàn ăn hay xuống sàn nhà mà phải bỏ vào đĩa riêng. Điều tối kỵ là ăn buffet không được bỏ thừa tại chỗ thức ăn lấy từ khu chuẩn bị ẩm thực. Bản chất người Nhật là tiết kiệm nên họ rất dị ứng điều này.
Không được dùng đũa gõ vào bát: Đối với người Nhật, gõ đũa không chỉ là hành vi xấu, bởi âm thanh khi gõ tập trung gọi tà khí và ma quỷ nên cũng bị coi là một điềm xấu. Gõ đũa có vẻ cũng giống như hành vi mời gọi ma quỷ tới.
Không được dùng đũa chuyền thức ăn cho nhau: Dùng đũa để trao thức ăn cho người bên cạnh “Nối đũa”. Đây cũng là một loại “kiêng kỵ về đũa”, được coi là một điều cấm kỵ trong sử dụng đũa. Hành động tạo ra hình ảnh về điều cấm kỵ ở Nhật.
Không được cắm đũa lên bát cơm: Không được cắm đũa lên bát cơm.. Người Nhật không bao giờ cắm đũa lên thức ăn và đặt biệt là lên bát cơm vì chỉ trong đám tang người ta mới cắm đũa lên bát cơm và đặt lên bàn thờ. Hành động tạo ra hình ảnh về điều cấm kỵ.
Từ bé người Nhật đã được giáo dục là phải tiết kiệm. Họ tiết kiệm từ những điều nhỏ nhặt nhất. từng cá nhân đều tiết kiệm và tạo thành một xã hội cùng tiết kiệm có ý nghĩa vô cùng lớn. Vì thế, việc ăn uống thừa thãi là điều tối kỵ ở Nhật, nếu ăn buffet, cần đảm bảo lấy bao nhiêu thì ăn hết bấy nhiêu, không được lấy thừa khẩu phần ăn. Nếu bỏ thừa, sẽ là ấn tượng rất xấu và không thiện cảm đối với người Nhật.
Không cần phải trả tiền boa
Người Nhật rất tự trọng và họ không có thói quen nhận tiền boa. Điều này đôi khi là sự sỉ nhục với người được cho tiền boa. Một số các nhà ăn lớn trong hóa đơn đã bao gồm 10-15 % phí phục vụ, thậm chí trong các viện thẩm mỹ, cắt tóc, quán rượu cũng bao gồm phí này nên chúng ta không cần phải áy náy vì không cho tiền boa người Nhật, không giống như ở các quốc gia khác.
Không thuận tiện khi đổi tiền
Muốn đổi tiền cần phải đến các ngân hàng hoặc các sở giao dịch hợp pháp và cần đem theo hộ chiếu. Các ngân hàng mở cửa từ 9h sáng đến 3 h chiều. Thứ 7, chủ nhật và ngày lễ chính ngân hàng nghĩ.
Tự chuẩn bị những vật dụng
Các khách sạn ở Nhật Bản rất ít khi có bàn chải, kem đánh răng, dép lê, vì thế phải chuẩn bị sẵn khi đến Nhật.
Khánh Phương
Theo