Thứ hai 14/10/2024 08:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Cải tạo kênh rạch phải bảo đảm đúng quy hoạch

15:55 | 30/11/2016

(Xây dựng) - Sau khi kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, kênh Tân Hóa-Lò Gốm, kênh Tẻ được cải tạo, bộ mặt đô thị TP HCM đã những chuyển biến tích cực.

Không còn nhà “ổ chuột” trên và ven kênh, bờ kênh được kè bê tông cốt thép và lát gạch, tăng diện tích cây xanh, đời sống xã hội của người dân tại các khu vực này được nâng cao, tuyến du lịch đường sông được hình thành. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn đã rút ra được ra được những kinh nghiệm trong quá trình chỉnh trang diện mạo các dòng kênh, trong đó có vấn đề quy hoạch khu vực dọc kên rạch.


Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi được cải tạo đã đem lại môi trường sống tốt hơn cho người dân dọc tuyến kênh.

Còn nhiều vướng mắc

Ths. KTS Phạm Văn Phước (Viện Quy hoạch xây dựng TP HCM) đã khẳng định: Trước đây, quan điểm quy hoạch về khu vực dọc các kênh rạch này chưa được các nhà chuyên môn, quản lý coi là vấn đề trọng tâm khi thực thi quy hoạch. Thực tế từ quận 8 (TP HCM) cho thấy, khi lập quy hoạch chung quận 8 (1998) đến điều chỉnh quy hoạch quận 8 (2010), các khu dân cư hiện hữu theo các tuyến kênh rạch đều được xác định là mảng xanh, bao gồm hành lang bảo vệ, công viên cây xanh... Tuy nhiên, sau vài lần điều chỉnh thì mảng xanh vẫn chỉ nằm trên bản đồ, thực tế dân cư vẫn tập trung, phát triển đông đúc dẫn tới chất lượng sống ngày càng đi xuống.

Theo KTS Phạm Văn Phước, ngoài công tác thực thi và quản lý quy hoạch chưa quyết liệt thì việc tổ chức đầu tư xây dựng theo quy hoạch còn dàn trải, các dự án động lực, có vị trí đẹp, hiệu quả kinh tế cao được các nhà đầu tư ưu tiên trước, còn các khu vực khác thì quy hoạch kéo dài hoặc chưa được đầu tư, vì vậy chưa phát huy hết các tac động tích cực của quy hoạch làm động lực thúc đẩy phát triển đồng bộ về KT-XH.

Cũng với quan điểm tương tự, KTS Đặng Vũ Doãn và KTS Lương Công Định bày tỏ lo lắng: Hiện trạng nhà ở ven kên rạch tại quận 9 và quận Thủ Đức được kiểm soát và quản lý tại các đồ án quy hoạch phân khu. Tuy nhiên, ở đây đã có tình trạng các nhà đầu tư “mua đứt” các mặt sông, rạch bên trong khu vực. Vì thế, trong tương lai, cảnh quan sông nước truyền thống theo hoài niệm “trên bến dưới thuyền” sẽ không còn tồn tại.

Sau những nỗ lực của thành phố, diện mạo của kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm, kênh Tẻ đã được hồi sinh, xanh hơn, đẹp hơn. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn vẫn chỉ ra nhiều tồn tại khiến cho giá trị đầu tư của thành phố chưa xứng tầm.

Theo Ths. KTS Thái Ngọc Hùng: Dọc các tuyến kênh này, không gian đô thị rời rạc, chắp vá, tự phát, chưa tạo được bóng dáng kiến trúc đặc trưng. Vẫn chủ yếu là nhà phố với nhiều phong cách lai tạp trên những lô đất nhỏ. Tầng cao hai bên bờ kênh chưa được nghiên cứu hài hòa với chiều rộng kênh, các công trình điểm nhấn chưa được tổ chức tốt về hình khối, quy mô và tỷ lệ. Cách làm như hiện nay đã tách rời tính năng động của cơ cấu đô thị và sự phát triển cộng đồng dân cư dọc theo kênh...

Chỉnh trang đô thị - cơ hội tìm lại nét đẹp Sài Gòn xưa

PGS.TS.KTS Phạm Tứ hy vọng: Chỉnh trang đô thị là cơ hội tìm lại nét đẹp của Sài Gòn xưa, cho dù sông và kênh rạch TP HCM đã bị mai một theo thời gian nhưng vẫn là yếu tố cảnh quan đặc trưng của một đô thị sông nước. Trong 68,5km chiều dài mặt nước nội thành hiện hữu, hãy quy hoạch một số khu ở thấp tầng, mật độ xây dựng cao nhưng sinh thái và hiện đại cho người dân đang sinh sống ở đó mà chủ yếu là người nghèo và người thu nhập thấp trong đô thị. Đây sẽ là cảnh quan đặc biệt của TP HCM văn minh - hiện đại - nghĩa tình và sẽ thu hút được du khách trong nước và quốc tế.

Với mong muốn ấy, PGS Phạm Tứ đề xuất giải pháp quy hoạch theo công nghệ tái phân lô để cải tạo một số khu ở dạng “lõm” quần cư tự phát, hay những khu ở trên hệ thống sông, kênh rạch mà chủ nhân là những người có thu nhập thấp. Giải pháp này không chỉ phân chia lại các lô đất thích hợp cho căn hộ mới về diện tích, vị trí mà còn bố trí đường giao thông và không gian sinh hoạt cộng đồng hoặc không gian bán công cộng và hạ tầng đô thị hiện đại. "Hãy bắt đầu công nghệ tái phân lô từ bờ nam kênh Đôi, quận 8", PGS Tứ đề xuất thêm.

Dưới góc nhìn lịch sử và văn hóa, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng: Lịch sử và ký ức của TP HCM là kênh rạch nay đã bị lãng quên, thậm chí bị bồi lấp, lấn chiếm bằng nhiều cách. Bây giờ chúng ta phải có nghĩa vụ trả lại cho TP HCM hệ thống kênh rạch trong xanh, sạch đẹp như nó vốn có. Phải coi kênh rạch là nguồn tài nguyên về văn hóa, lịch sử dành cho thế hệ sau chứ không phải để các dự án BĐS vào cuộc.

Sau thành công của các công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè, Tân Hóa-Lò Gốm, kênh Tẻ, TP HCM tiếp tục triển khai dự án “Chỉnh trang đô thị, cải thiện điều kiện sống các hộ dân trên và ven kênh Đôi, quận 8”. Đây là dự án trọng điểm của thành phố, được kỳ vọng sẽ mang giá trị to lớn về hiệu quả kinh tế, an sinh xã hội.

Theo thống kê, tuyến kênh Đôi có khoảng hơn 5.000 căn nhà, khoảng 32.000 nhân khẩu (phía bờ Nam có khoảng 4.300 hộ với 26.352 nhân khẩu). Các căn nhà ở khu vực này nằm hoàn toàn trên kênh rạch, chủ yếu là nhà lụp xụp, dựng trên trụ gỗ, ván gỗ, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào, thiếu tiện nghi cơ bản, nước thải sinh hoạt, nhà vệ sinh xả trực tiếp xuống kênh rạch, gây ra ô nhiễm nặng cho môi trường, mất an toàn cho người dân và mất mỹ quan đô thị.

 

Mai Thanh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load