Chủ nhật 08/09/2024 13:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Cải tạo chung cư cũ nát ở Hà Nội: Phá thế "giậm chân tại chỗ" suốt 20 năm

17:03 | 10/04/2021

Tại Hà Nội, việc cải tạo chung cư cũ nát suốt 2 thập kỷ qua diễn ra rất chậm, chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra do ba nhóm lợi ích chưa thống nhất được, gồm: Người dân, doanh nghiệp, thành phố - TS.KTS Đào ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội - đưa ra quan điểm trong cuộc trao đổi với Báo Lao Động.

cai tao chung cu cu nat o ha noi pha the giam chan tai cho suot 20 nam
Hà Nội quyết tâm cải tạo chung cư cũ. Ảnh: Tùng Giang

Còn nhiều vướng mắc

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.516 chung cư cũ có quy mô từ 2 đến 5 tầng, chủ yếu được xây dựng từ năm 1960 đến cuối những năm 1990, ngoài ra còn một số nhà được xây dựng từ trước năm 1954. Mật độ xây dựng hầu hết đã tăng gấp đôi so với thiết kế ban đầu, dân cư tăng khoảng 1,5 lần. Trong khi đó, hệ thống kỹ thuật ở các chung cư đều cũ nát, đặc biệt là hệ thống cấp nước do dân tự cải tạo thành mạng lưới đường ống chằng chịt trên mặt nhà gây mất mỹ quan.

Đáng lo ngại, hầu hết các chung cư cũ đều thiếu hệ thống phòng cháy chữa cháy. Việc duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến hư hỏng, xuống cấp nhanh gây nguy hiểm và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Mặc dù là vấn đề bức thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cư dân, tuy nhiên công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vẫn là bài toán khó giải.

Một trong những vướng mắc được nhắc đến nhiều nhất trong việc triển khai cải tạo chung cư cũ thời gian qua là quy định hạn chế chiều cao đối với nhà cao tầng trong quận nội thành và khu trung tâm thành phố. Điều này đã tạo ra những rào cản đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư vào cải tạo chung cư cũ.

Ghi nhận của PV Lao Động, hiện nay nhiều khu chung cư, tập thể cũ ở Hà Nội đã ở cấp độ D (cấp độ nguy hiểm, cần di dời khẩn cấp). Những bức tường nứt toác, hệ thống cột dầm bị sụt lún nghiêm trọng, phần lan can bong tróc... Nhưng hiện nay, việc cải tạo, sữa chữa chung cư cũ vẫn giậm chân tại chỗ suốt nhiều năm. Sau 20 năm mới khoảng 1% số lượng nhà chung cư cũ được cải tạo, xây dựng. Các chuyên gia lý giải nhiều nguyên nhân, kiến nghị, Hà Nội cần phải quyết tâm “tháo gỡ” những khó khăn, vướng mắc thì mới đẩy nhanh được tốc độ cải tạo xây dựng lại các khu chung cư cũ.

Trao đổi với PV Lao Động, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội - cho biết: Việc cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội đã có từ hơn 20 năm qua nhưng thực tế đến nay, TP.Hà Nội mới chỉ kêu gọi được 20 chủ đầu tư làm các dự án cải tạo và xin phê duyệt 23 khu trong tổng số 60 khu chung cư tại Hà Nội.

Ông Nghiêm cho rằng, việc cải tạo chung cư cũ phải được thực hiện theo quy hoạch chung của Thủ đô. Do vậy, trong nội đô các khu chung cư cũ không được xây cao tầng. Nhưng phải xây cao tầng các chủ đầu tư mới có lãi.

Một khó khăn khác từ chủ đầu tư được TS Đào Ngọc Nghiêm chỉ ra là việc đàm phán với người dân. Theo ông Nghiêm, Nghị định 101/2015/NĐ-CP quy định việc tháo dỡ chung cư cũ, nhà tập thể cũ phải được sự đồng thuận của 100% chủ sở hữu. Trong khi đó, nhiều chủ hộ không đồng thuận do khúc mắc về hệ số đền bù. Cuối cùng là việc quy hoạch và quản lý sau cải tạo chung cư.

Xác định hệ số đền bù sao cho hài hòa lợi ích các bên liên quan

Theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam - việc cải tạo chung cư cũ chính quyền địa phương phải có trách nhiệm chính, còn doanh nghiệp tham gia đóng góp có lợi nhuận. Lợi nhuận này được thừa hưởng ngay tại những khu chung cư sau cải tạo, hoặc những quỹ đất khác, nhưng trên tinh thần phải đảm bảo hài hòa lợi ích cho doanh nghiệp, người dân và chính quyền.

Ngoài ra, theo ông Tùng, cần phải có chính sách cho các cư dân được rõ ràng, hài hòa theo hướng phần dôi ra so với diện tích tái định cư Nhà nước mua lại của doanh nghiệp và bán cho dân theo giá của người thu nhập thấp, chứ không phải giá thương mại. Khi quy hoạch, thực hiện dự án cải tạo phải công khai, đảm bảo người dân phải nhận được những phiếu thăm dò và khẳng định chắc chắn họ sẽ nhận được những gì, sau khi dự án cải tạo được hoàn thành để lấy sự đồng thuận của người dân.

Trước vấn đề này, UBND TP.Hà Nội đã phê duyệt Quy chế quản lý nhà cao tầng khu vực nội đô. Theo đó, các dự án cải tạo chung cư cũ sẽ được tăng chiều cao từ 18 đến 24 tầng. Tuy nhiên, quy định không được tăng dân số cơ học lại một lần nữa gây khó cho chính các doanh nghiệp muốn bắt tay vào thực hiện. Bởi thực tế, nếu hạn chế dân số trong khu vực cải tạo thì các căn hộ ngoài diện tích tái định cư sẽ không biết bán cho ai để bù đắp chi phí đầu tư. Ngoài ra, một vấn đề đáng chú ý khác là hệ số bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư tại chỗ khi nhà mới hoàn thành cho người dân. Để xác định hệ số đền bù sao cho hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan vẫn là vấn đề nan giải.

Hồi cuối năm 2020, để giải quyết những vướng mắc về cơ chế, chính sách, Văn phòng UBND TP.Hà Nội đã có thông báo 461/TB-VP kết luận và chỉ đạo của tập thể lãnh đạo UBND TP.Hà Nội về việc quy hoạch, cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ trên địa bàn Thành phố. UBND TP.Hà Nội nhìn nhận, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít; dự án đã quyết định đầu tư chậm triển khai, tư vấn lập quy hoạch còn quá chậm, không đạt yêu cầu đã đặt ra. Do đó, UBND TP.Hà Nội giao Sở Xây dựng tiếp tục chủ trì, khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, phối hợp khẩn trương với Bộ Xây dựng về đề xuất Đề án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư cũ, kiến nghị biện pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, những nội dung cần tháo gỡ để đề nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn thực hiện.

Giải quyết bài toán lợi ích nhà nước - người dân - nhà đầu tư

Theo ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng Ban Đô thị HĐND TP.Hà Nội, vấn đề hiện nay muốn cải tạo chung cư cũ phải có cơ chế chính sách hợp lý, giải quyết được lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Đây là một trong những mấu chốt quan trọng cần được giải quyết nếu muốn đẩy nhanh vấn đề cải tạo chung cư cũ nát hiện nay ở các đô thị lớn.

Sau 20 năm, Hà Nội mới chỉ có 1% chung cư cũ nát được cải tạo, sửa chữa trên tổng số hơn 1.500 căn chung cư cũ nát của thành phố.

Để có cơ chế đặc thù cho Thủ đô, trong đề án tổng thể về cải tạo chung cư cũ tới đây, Hà Nội dự kiến phân loại chung cư, tập thể cũ thành 3 nhóm, thiết kế chính sách riêng cho từng nhóm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt:

Nhóm 1: Là các khu tập thể với nhiều tòa chung cư, có diện tích từ 2-10ha. Nghiên cứu đề xuất chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc (tăng tối đa tầng cao và hệ số sử dụng đất) bảo đảm cân đối tổng thể toàn khu, đáp ứng quy chuẩn xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế cho phép.

Nhóm 2: Gồm 5 - 7 nhà tập thể cũ: Thực hiện như mô hình 1 đối với trường hợp diện tích đất nhỏ; nếu chưa khả thi và đạt hiệu quả đầu tư thì có thể nghiên cứu theo mô hình 3.

Nhóm 3: Tập hợp các chung cư độc lập, đơn lẻ: Thực hiện theo phương thức quy gom tái định cư tại chỗ trên địa bàn phường, quận; bố trí tái định cư gộp các chung cư cũ đơn lẻ vào một số quỹ đất chung cư cũ hiện có.

Theo VƯƠNG TRẦN - TÙNG GIANG/Laodong.vn

Cùng chuyên mục
  • Có được chuyển đất trồng cây làm sân phơi?

    (Xây dựng) - Ông Nguyễn Chung (Đắk Nông) liên hệ UBND xã để xin phép sử dụng 1.000m2 đất trồng cây lâu năm làm sân phơi (lúa, cà phê...). Tuy nhiên, UBND xã trả lời, không cho phép vì không đúng với mục đích sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận và thửa đất không quy hoạch làm sân phơi.

  • Quy định về nội dung hợp đồng thuê nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2023

    (Xây dựng) - Hợp đồng về nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản. Tại Điều 163 Luật Nhà ở 2023 quy định rõ về nội dung hợp đồng về nhà ở.

  • Quy chế hoạt động và thu, chi tài chính của Ban quản trị

    (Xây dựng) – Tại Khoản 3 Điều 24 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 05/2024/TT-BXD ngày 31/07/2024 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định về Quy chế hoạt động và quy chế thu, chi tài chính của Ban quản trị.

  • Nhiều quy định mới gỡ khó cho cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội

    Tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang chậm so với kế hoạch, chưa đạt kết quả rõ nét. Cùng với quyết tâm cao, thực hiện các giải pháp đột phá, thành phố đang kỳ vọng quy định mới từ các luật có liên quan vừa có hiệu lực sẽ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy quá trình triển khai dự án cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô.

  • Quy định mới về đánh số căn hộ chung cư

    (Xây dựng) - Đánh số căn hộ của nhà chung cư được quy định tại Thông tư 08/2024/TT-BXD của Bộ Xây dựng. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/10/2024.

  • Kịp thời điều chỉnh Bảng giá đất, tránh nhiễu loạn thị trường

    Đối với trường hợp không kịp thời điều chỉnh Bảng giá đất hay điều chỉnh Bảng giá đất tăng ở mức cao đột biến đều dẫn đến các phản ứng trái chiều, thiếu đồng thuận trong dư luận xã hội, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, tác động đến phát triển kinh tế, an ninh xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh...

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load