Thứ bảy 14/09/2024 05:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thế giới /

Cái nôi 12.000 năm văn minh nhân loại tuyệt vọng trong những tuần cuối

09:29 | 25/09/2019

Đồng hồ đã bắt đầu đếm ngược cho Hasankeyf. Thị trấn cổ Thổ Nhĩ Kỳ tuyệt vọng trong vài tuần cuối của 12.000 năm lịch sử, khi chính phủ nhất quyết làm ngập toàn khu vực để xây đập.

Thành phố cổ đại Hasankeyf trên bờ sông Tigris là cộng đồng có con người định cư lâu đời nhất trên Trái Đất, có lịch sử tới 12.000 năm, với hàng nghìn hang, nhà thờ và lăng tẩm.

Thị trấn này nằm trong vùng Lưỡng Hà, nơi được coi là cái nôi của văn minh nhân loại, hình thành giữa hai sông Tigris và Euphrates ở Trung Đông ngày nay.

Qua nhiều thiên niên kỷ, các nền văn minh sau này như người La Mã, người Arab và người Ottoman đều để lại dấu ấn lên Hasankeyf. Đây không chỉ là thị trấn bình thường, mà như một bảo tàng ngoài trời.

Nhưng viên ngọc quý của lịch sử nhân loại sẽ sớm bị xóa sạch. Hầu hết thị trấn sẽ bị làm ngập để phục vụ xây dựng đập Ilisu bất chấp sự phản đối nhiều thập kỷ nay.

Một đứa trẻ bơi trên sông Tigris chảy qua thị trấn 12.000 năm tuổi Hasankeyf, sắp bị nhấn chìm trong biển nước để phục vụ việc xây đập Ilisu phía tây nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Getty Images.

Vài tuần còn lại của 12.000 năm lịch sử

Hasankeyf giờ đây chỉ tồn tại được thêm vài tuần, với hạn chót ngày 8/10 do chính phủ đưa ra buộc người dân phải di dời.

Nỗ lực nộp đơn lên tòa án nhân quyền châu Âu nhằm ngăn chặn dự án này với lý do sẽ phá hoại di sản văn hóa của Thổ Nhĩ Kỳ đã bất thành. Dự án này được đề ra vào thập niên 1950 và đã luôn vấp phải tranh cãi. Khi hoàn thành, đây sẽ là đập lớn thứ tư ở Thổ Nhĩ Kỳ, và có sản lượng điện 4.200 GW mỗi năm.

Nhưng đổi lại, 199 khu dân cư trong khu vực, hàng nghìn hang nhân tạo và hàng trăm điểm lịch sử và tôn giáo sẽ bị nước hủy hoại.

Các nhà hoạt động cho biết gần 80.000 người sẽ mất nhà cửa, và cảnh báo tác hại khủng khiếp của dự án lên môi trường - hủy hoại đa dạng sinh học, đe dọa nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng.

“Đây không chỉ là câu chuyện của chúng tôi, của Hasankeyf, mà là câu chuyện của chúng ta, câu chuyện của loài người”, Ridvan Ayhan, gần 60 tuổi, nhà hoạt động thuộc nhóm Sáng kiến Cứu sống Hasankeyf, nói với Guardian.

Ông Ayhan sinh ra trong một hang động ở Hasankeyf. Bước đi trên sườn núi nhìn xuống thị trấn, Ayhan dừng lại ở một hang có dấu tích của cây thánh giá, cho thấy đó từng là nhà thờ. Nhưng không rõ nhà thờ này có bao nhiêu năm lịch sử. Các nhà khảo cổ mới chỉ khám phá được 10% của khu vực.

Ông Ayhan sinh ra trong một hang động ở Hasankeyf. Ảnh: The Guardian.

“Chúng tôi đã đề nghị để khu vực trở thành bảo tàng ngoài trời, nhưng chính phủ không cho phép”, Ayhan nói. “Nếu bạn đào xuống đây, bạn sẽ thấy hết lớp văn hóa này đến lớp văn hóa khác”.

Dưới nhà thờ là một ngôi mộ, nơi từng tìm thấy xương người. “Chính phủ không tôn trọng cả người chết”, Ayhan nói. “Họ thật dã man”.

Hasankeyf được nhắc đến trong nhiều nền văn hóa khác nhau như Lưỡng Hà, Đông La Mã (Byzantium), Arab hay Ottoman. Nhưng Hakan Ozoglu, giáo sư lịch sử tại Đại học Trung Florida (Mỹ), nói thị trấn này có trước tất cả nền văn minh trên.

Góc nhìn xuống thung lũng từ một trong những hang cuối cùng có người sinh sống tại thị trấn cổ Hasankeyf. Ảnh: Getty Images.

“Chúng tôi thấy nhắc đến tên thị trấn trong sách cổ bằng tiếng của người Assyria, Armenia, Kurd và Arab”, ông nói với Guardian.

Vị giáo sư này cho biết Hasankeyf có thể trả lời nhiều câu hỏi về lịch sử. “Những chứng tích về lịch sử loài người hiếm có như vậy cần phải được bảo vệ bằng mọi giá”, ông nói.

Chỉ 8 vật tưởng niệm được giữ lại, bao gồm ngọn tháp từ trường đại học lâu đời nhất thế giới, một nửa cổng vào thị trấn từ thời La Mã và một nhà tắm công cộng Thổ Nhĩ Kỳ từ khoảng năm 1400. Các di vật này được chuyển đi cách đó 3 km.

“Chuyển các cổ vật tới đó không có ý nghĩa gì”, ông Ayhan nói.

Ảnh trường đại học ở Hasankeyf - được cho là trường đại học lâu đời nhất thế giới - trước khi bị phá hủy tháng 1/2019 để chuẩn bị cho việc làm ngập thị trấn. Ảnh: Eyup Agalday.

Sự thờ ơ của chính quyền

Người dân quanh vùng đã tới chào tạm biệt di tích lịch sử, vì biết rằng đây là cơ hội cuối cùng để nhìn thấy nó.

Nhưng số lượng du khách đến đây không nhiều vì đi lại khó khăn, theo Guardian.

Giáo sư Ozoglu nói lợi ích của con đập không thể so với tiềm năng du lịch nếu thị trấn được UNESCO công nhận.

Nhưng ông Ayhan lại lắc đầu khi nhắc đến UNESCO. Sáng kiến Cứu sống Hasankeyf đã nộp đơn xin công nhận nhưng không thành công.

“UNESCO nói Bộ Văn hóa phải nộp đơn”, ông Ayhan nói. “Chúng tôi gửi thư cho Bộ Văn hóa nhưng không nhận được câu trả lời. Đó là trách nhiệm của họ, nhưng họ đã không làm gì”.

Việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đàn áp biểu tình cũng khiến cuộc chiến bảo vệ Hasankeyf gặp trở ngại.

“Nếu chúng tôi biểu tình, họ sẽ bỏ tù chúng tôi”, ông Ayhan nói. “Không có dân chủ ở đây. Nếu có dân chủ, có thể chúng tôi đã làm được điều gì đó”. Ông Ayhan cho biết đã bị bắt giữ năm 2012.

Artuklu Hamam, nhà tắm công cộng tuổi thọ hàng thế kỷ, nặng 1.600 tấn, được đưa lên tấm lăn và chuyển đến địa điểm mới. Ảnh: AFP/Getty Images.

Chính phủ đã xây dựng thị trấn mới cho 700 hộ gia đình, cách Hasankeyf 3 km. Nhưng Eyup Agalday, 27 tuổi, cho biết anh và vợ chưa được phân nhà riêng trong khu mới, vì chính phủ chỉ phân cho các cặp vợ chồng cưới sau năm 2014.

“Tôi sẽ lại phải sống với cha mẹ - cả gia đình 10 người sẽ ở cùng một nhà”, anh nói với Guardian.

Agalday là người chăn cừu và sống trong một hang ở Hasankeyf, cũng giống tổ tiên. Anh sẽ không được đưa gia súc đến làng mới và đã bắt đầu bán đàn dê. “Tôi buộc phải làm việc mới và sống ở thành phố mà tôi không muốn sống”, anh nói.

Anh cho biết khoảng 1/5 số hộ đã chuyển tới khu mới, mỗi ngày khoảng 5-6 nhà. Có thể thấy các xe tải với đồ đạc chất cao đi ra khỏi Hasankeyf.

Nhiều người dân Hasankeyf vẫn sống trong các hang động. Ảnh: Guardian.

Hediye Tapkan, 38 tuổi, không biết gia đình có 5 con nhỏ của bà sẽ đi đâu, vì chưa được phân nhà mới. “Chúng tôi thích nơi này, chúng tôi làm bánh mì, chúng tôi có nhiều nho và rau mà thỉnh thoảng chúng tôi ra chợ bán, và đất đai tươi tốt”, bà nói với Guardian.

Những tuần cuối cùng trước khi cửa xả nước mở ra và nhấn chìm 12.000 năm lịch sử, người dân cho biết vẫn sẽ tiếp tục lên tiếng và truyền đi thông điệp về lịch sử lâu đời của thị trấn, kể cả sau khi đường vào nơi này bị cấm vào tháng 10.

“Nếu không làm vậy, khi chúng tôi chết đi, con em chúng tôi sẽ nhổ vào mồ mả chúng tôi và hỏi tại sao không cứu lấy Hasankeyf”, ông Ayhan nói.

Các nhà hoạt động lập luận rằng nhà máy điện và con đập sẽ được sử dụng trong 50 năm, nhưng tổn thất về văn hóa, lịch sử và môi trường là vĩnh cửu. Ảnh: CNN

Theo Trọng Thuấn/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load