Thứ hai 09/09/2024 21:30 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Cải cách định mức và giá xây dựng song hành với sự phát triển nền kinh tế

17:05 | 11/04/2018

(Xây dựng) – Công cuộc cải cách định mức và giá xây dựng đã được Bộ Xây dựng thực hiện từ nhiều năm, luôn được thực hiện song hành với yêu cầu phát triển của nền kinh tế, đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong quản lý Nhà nước ngành Xây dựng, phù hợp với yêu cầu khách quan của sự phát triển.


Các địa phương thông báo giá vật liệu theo giá thị trường từ năm 2009.

Tiền đề vững chắc

Quá trình tổng kết 20 năm đổi mới cho thấy thành quả nổi bật là duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 7,5%/ năm trong 5 năm 2001 - 2005 và 8,17% năm 2006. Tuy vậy, vẫn tồn tại nhiều điểm yếu về kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi, điện bộc lộ rõ nét qua thiên tai năm 2007, không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế bền vững với tốc độ cao.

Năm 2007, tốc độ tăng GDP của Việt Nam là 8,44% đứng thứ 3 châu Á và là năm đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), thực hiện các cam kết trong quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Hoa Kỳ.

Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, bộ máy lãnh đạo các ngành, các cấp tiếp tục hoàn thiện sau Đại hội Đảng X, Quốc hội khóa XII. Nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp kinh tế, tài chính được ban hành, bổ sung, hoàn thiện.

Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh. Tình hình chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng bảo đảm. Đây là những tiền đề vững chắc, là yếu tố thuận lợi cơ bản tạo môi trường thuận lợi thu hút các nhà đầu tư.

Hòa vào dòng chảy, ngành Xây dựng thực hiện chuyển đổi cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường, đánh dầu bằng sự ra đời của Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/ 2007 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (sau đây gọi là Nghị định 99), với nguyên tắc quản lý dự án đảm bảo mục tiêu và hiệu quả đầu tư dự án phù hợp với quy luật khách quan của cơ chế thị trường, Nhà nước quản lý thông qua ban hành hệ thống cơ chế, chính sách, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện, chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về quản lý chi phí dự án trong tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Nghị định 99 cũng thể hiện khá rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến chi phí quản lý dự án đầu tư và hợp đồng xây dựng, bổ sung công cụ quản lý phục vụ cho việc xác định, điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán, giá và hợp đồng xây dựng là chỉ số gia xây dựng.

Chỉ số giá xây dựng góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là việc điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng được nhanh chóng, kịp thời, góp phần giảm ách tắc trong thanh toán hợp đồng xây dựng.

Khi mới ban hành Nghị định này có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng sau một năm đi vào cuộc sống, Nghị định đã làm thay đổi tư duy quản lý chi phí đầu tư xây dựng tiếp cận với phương thức quản lý theo cơ chế thị trường.

Đẩy mạnh công cuộc đổi mới

Cùng với kết quả tích cực của Nghị định 99, Bộ Xây dựng nhận thấy cần phải có một đơn vị độc lập giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước về kinh tế trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.

Vụ Kinh tế xây dựng được thành lập vào năm 2008 trên cơ sở tách bộ phận về quản lý kinh tế xây dựng từ Vụ Kinh tế tài chính. Từ đây, công cuộc đổi mới về quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng và dịch vụ đô thị tiếp tục được đẩy mạnh.

Sau một năm nghiên cứu, làm rõ kết quả tích cực, tồn tại và tìm nguyên nhân khắc phục tồn tại của Nghị định 99, Nghị định này được tách thành 2 Nghị định, Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 về hợp đồng trong hoạt động xây dựng (sau đây gọi là Nghị định 48).

Nghị định 112 tiếp tục thực hiện định hướng của Nghị định 99 là quản lý chi phí theo cơ chế thị trường, khẳng định giá xây dựng xác định theo giá thị trường, bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ, góp phần chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng. Các địa phương thông báo giá vật liệu theo giá thị trường từ năm 2009.

Năm 2015, đơn giá nhân công được xác định để công bố theo nguyên tắc điều tra đơn giá nhân công thị trường xây dựng, đánh dấu là Thông tư số 01/2015/TT-BXD ngày 20/3/2015, sau đó là Thông tư 05/2016/TT-BXD ngày 10/3/2016 hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Giá ca máy sẽ được hướng dẫn công bố theo giá thị trường trong thời gian ngắn sắp tới.


Công bố giá nhân công theo nguyên tắc điều tra đơn giá nhân công trên thị trường xây dựng từ năm 2015.

Nghị định 48 là Nghị định mang lại hiệu quả cao trong quản lý dự án đầu tư xây dựng, làm rõ quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thực hiện hợp đồng xây dựng, bảo đảm nguyên tắc công bằng trong thực hiện hợp đồng xây dựng. Sau khi được ban hành, Nghị định đã góp phần đẩy nhanh tiến độ các hợp đồng xây dựng, hạn chế tranh chấp thực hiện hợp đồng xây dựng, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng, thể hiện rõ vai trò của hợp đồng xây dựng trong quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Năm 2015, Nghị định 112 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và Nghị định số 48 về hợp đồng trong hoạt động xây dựng tiếp tục được đổi mới và hoàn thiện bằng việc ra đời Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 về quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.


Giá ca máy sẽ sớm được hướng dẫn công bố theo giá thị trường.

Để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng và đầy đủ của Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ XII và các văn kiện của Đảng, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện thể chế và các công cụ quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đặc biệt là các công cụ phục vụ quản lý các dự án sử dụng vốn nhà nước và dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, vụ Kinh tế xây dựng cùng với cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và các cơ quan liên quan thực hiện Dự án tăng cường năng lực trong dự toán chi phí, quản lý hợp đồng, chất lượng và an toàn trong các dự án đầu tư xây dựng (CCQS), kết quả của dự án đã chỉ ra các tồn tại về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và dịch vụ đô thị.

Để khắc phục các tồn tại đã chỉ ra, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nhân tố cốt lõi

Cũng từ đây, Cục Kinh tế xây dựng ra đời năm 2017 trên cơ sở tổ chức lại Vụ Kinh tế xây dựng, với nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là triển khai thực hiện Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng đáp ứng mục tiêu của Đề án.

Có thể khẳng định, dưới sự chỉ đạo sát sao và tạo mọi điều kiện thuận lợi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, mục tiêu của Đề án là hoàn thiện thể chế và công cụ quản lý định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sẽ thành công, khắc phục những tồn tại đã chỉ ra, đang từng bước triển khai, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ đề ra.

Nhiệm vụ của Đề án trong năm 2018 là rà soát toàn bộ hệ thống định mức hiện có để khắc phục một số bất cập trước mắt và áp dụng cho đến năm 2021; hoàn thiện các phương pháp xây dựng hệ thống định mức, giá xây dựng phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; chuẩn bị xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, bao gồm cả phần cứng và phần mềm về định mức và giá xây dựng, nhằm tạo thị trường xây dựng công khai, minh bạch, công bằng, góp phần chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng; sửa đổi Nghị định số 32 về quản lý chi phí, Nghị định số 37 về hợp đồng và các thông tư hướng dẫn, cho đồng bộ với các phương pháp mới. Từ năm 2019-2021, xây dựng lại toàn bộ hệ thống định mức và giá xây dựng, giá dịch vụ đô thị theo các phương pháp mới; Bộ Xây dựng sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ xây dựng chuyên ngành, UBND tỉnh hướng dẫn thực hiện theo phương pháp mới.

Nhờ đó, khi Đề án hoàn thành, tạo ra hệ thống cơ chế chính sách và công cụ quản lý chi phí trong đầu tư xây dựng và dịch vụ đô thị đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị, tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, công bằng, góp phần chống thất thoát, lãng phí và cũng là thực hiện tốt Nghị quyết Hội nghị lần thứ Năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đất nước đang phải vượt qua nhiều thách thức, trong đó vấn đề then chốt là đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước. Tin tưởng rằng, với việc hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng không chỉ mang tính bước ngoặt đối với ngành Xây dựng mà còn tạo ra một cơ chế điều hành năng động, linh hoạt, trách nhiệm giải trình, đáp ứng yêu cầu quản lý trong thời kỳ kinh tế chuyển đổi sang cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load