Thứ sáu 29/03/2024 14:12 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cách tính chi phí, định mức tư vấn giao thông: Nhiều bất cập

15:11 | 05/08/2021

(Xây dựng) - Một số chuyên gia, đơn vị tư vấn công trình giao thông chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong cách tính thu nhập chịu thuế tính trước, định mức, chi phí tư vấn… đối với các đơn vị tư vấn công trình giao thông.

cach tinh chi phi dinh muc tu van giao thong nhieu bat cap

Thu nhập chưa đủ trả lãi vay

Một đơn vị tư vấn giao thông cho biết, theo quy định hướng dẫn hiện nay, phần thu nhập chịu thuế tính trước đối với lĩnh vực tư vấn giao thông chỉ có 6%, trong khi thực tế nhiều đơn vị tư vấn giao thông phải đi vay ngân hàng với lãi suất 10 - 12%/năm để hoạt động do kế hoạch vốn trong phần lớn các dự án không đảm bảo dòng tiền chi trả cho tư vấn theo tiến độ.

Với quy định như vậy, toàn bộ phần thu nhập chịu thuế tính trước chỉ có 6% là quá bất cập khi thu nhập chưa đủ để trả lãi vay ngân hàng. Trong khi đó, trên thực tế đối với các dự án đấu thầu quốc tế, thu nhập chịu thuế tính trước của một số hãng tư vấn quốc tế đề xuất đều ở mức từ 9 - 12%.

Bên cạnh đó, cách tính chi phí quản lý của DN tư vấn giao thông hiện nay cũng rất thấp so với thông lệ trong khu vực và quốc tế. Ví dụ, với công trình nhỏ hơn 1 tỷ đồng, chi phí này chiếm tỷ lệ 55%, công trình từ dưới 5 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 50%, công trình lớn hơn 5 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 45%.

Trong khi đó, phân tích cấu thành chi phí tư vấn của các tổ chức quốc tế như WB, ADB, IMF, UNIDO theo khu vực và quốc tế chiếm khoảng 133,25%. Còn nếu tính theo Sách hướng dẫn sử dụng tư vấn trong nước thì mức chi phí cho quản lý DN tư vấn là khoảng 143,5%. Và, nếu theo thực tế báo cáo kiểm toán tại DN tư vấn, thì phần chi phí quản lý của DN tư vấn công trình giao thông cho công tác này từ 100 - 140%.

So sánh định mức tư vấn giao thông với các lĩnh vực tư vấn khác cho thấy, đối với định mức chi phí lập Báo cáo nghiên cứu khả thi công trình 30.000 tỷ đồng, định mức đối với công trình giao thông là 0,072%, trong khi công trình công nghiệp là 0,123%, công trình dân dụng là 0,099%;

Trong khi đó, đối với lĩnh vực tư vấn giám sát công trình giao thông, số lượng nhân công/chuyên gia huy động cho công tác giám sát phụ thuộc vào độ lớn giá trị của gói thầu, gói thầu giá trị càng lớn hoặc trải dài thì số lượng nhân công/chuyên gia càng nhiều. Tuy nhiên, định mức chi phí tư vấn giám sát công trình giao thông gói thầu từ mức 500 tỷ trở lên lại giảm rất nhiều, trong khi trên thực tế đối với các gói thầu này nhân lực không giảm được vì cần phải bố trí nhân lực đầy đủ theo phạm vi tuyến và hạng mục công trình (phạm vi trả dài và không tập trung). Chi phí thuê văn phòng làm việc tại hiện trường, phương tiện đi lại, chi phí liên lạc của văn phòng hiện trường của tư vấn giám sát của các công trình giao thông cũng chiếm tỷ lệ lớn do công trình trải dài cũng là đặc thù của ngành giao thông.

Tính chi phí tư vấn không theo nguyên tắc

Các chuyên gia cũng chỉ ra những bất cập trong thực tế khi tính chi phí tư vấn công trình giao thông không có nguyên tắc, đưa ra tỷ lệ tính chi phí theo cảm tính khi gói thầu xây dựng giao thông giá trị cao thì quy tỷ lệ tư vấn nhỏ.

Hiện nay có tình trạng, chi phí tư vấn khảo sát thiết kế tính theo dự án nhưng quá trình triển khai dự án lại phân chia theo gói thầu xây dựng, nếu tính theo quy mô dự án sẽ rất bất cập và chi phí tư vấn thiết kế rất thấp, trong khi lại mâu thuẫn với các loại tư vấn khác khi quy định việc xác định kinh phí thẩm tra thiết kế, tư vấn giám sát hay một số loại tư vấn khác là trả theo gói thầu dự án của dự án khi triển khai thực hiện.

Ví dụ, đối với dự án cấp 1 có quy mô 5.000 tỷ đồng, phân chia gói thầu 500 tỷ đồng, thì chi phí tư vấn tính theo dự án là 21,5 tỷ đồng (hệ số K=1,0), trong khi chi phí tư vấn tính theo gói thầu là 28,5 tỷ đồng (hệ số K=1,33), thể hiện mức chênh lệch lớn giữa 2 cách tính, tính theo dự án và tính theo gói thầu.

Ngoài ra đang tồn tại những bất cập trong quan hệ đối với tư vấn giao thông, thể hiện sự chưa minh bạch, sòng phẳng. Bởi trong thực tế, nhiều chủ đầu tư đang bắt tư vấn làm những việc không thuộc phạm vi trách nhiệm của tư vấn và cũng không trả chi phí như: hoàn thiện hồ sơ dự toán theo quyết định được duyệt, lập dự toán trước ngày mở thầu…;

“Chảy máu chất xám”, khó tuyển sinh đầu vào

Trong cách tính giá tư vấn cũng rất bất cập khi quy định bất nhất trong việc tính chi phí tư vấn (theo dự án, theo gói thầu, theo công trình), mỗi chủ đầu tư áp dụng một kiểu dẫn đến sự rất thiệt thòi và bất cập cho tư vấn trong khi các công tác thẩm tra, giám sát thì tính theo gói thầu, thực tế thì kế hoạch đấu thầu lại chia ra gói thầu hoặc các dự án thành phần.

Các chuyên gia cho rằng, lương tư vấn quá thấp, không phù hợp thực tế, gây ra hệ lụy trước mắt là chảy máu chất xám đội ngũ cán bộ, kỹ sư lành nghề, yêu nghề, về lâu dài là khó tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai.

Mức lương tư vấn thấp tương đương công nhân xây dựng hiện nay là một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng khó tuyển sinh đầu vào như hiện nay tại các trường đại học đào tạo về lĩnh vực giao thông. Bởi, đầu vào cho lĩnh vực tư vấn công trình giao thông thấp nên kỹ sư ra trường không muốn theo nghề đào tạo, là một sự lãng phí lớn nguồn nhân lực của quốc gia. Hiện nay, các đơn vị tư vấn, các chủ đầu tư và cả các nhà thầu xây dựng đều rất khó tìm kiếm, tuyển dụng kỹ sư có chất lượng trong lĩnh vực giao thông.

Thanh Nga

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load