Thứ năm 25/04/2024 19:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Cách sử dụng thước Lỗ Ban trong phong thủy

15:53 | 26/11/2020

(Xây dựng) - Khi làm nhà cửa, sắm sửa đồ đạc trong nhà, nhất là ban thờ; hoặc khi xây mồ mả…, chắc hẳn mọi người đều đã nghe nói đến thước Lỗ Ban. Với tâm lý có thờ có thiêng có kiêng có lành, không ít người muốn chọn kích thước cổng cửa, ban thờ… theo thước Lỗ Ban để được may mắn, nhưng nghe giảng giải rất rối rắm nên đâm ngại. Tuy nhiên, việc sử dụng thước Lỗ Ban lại khá đơn giản…

cach su dung thuoc lo ban trong phong thuy
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Lỗ Ban và thước Lỗ Ban

Thước Lỗ Ban (Lỗ Ban xích) được gọi theo tên của người phát minh ra nó, tức là ông Ban người nước Lỗ ở Trung Quốc thời cổ.

Trên thước Lỗ Ban có chia theo đơn vị đo chiều dài và các cung tốt hay xấu. Thước Lỗ Ban được chia làm hai loại, loại dùng cho Dương phần để tính toán cho nhà cửa và các vật dụng cho người sống và loại dùng cho Âm phần để tính toán cho phần mộ và các vật dụng của người chết (đồ thờ…).

Loại thước dùng cho Dương phần dài 429 mm chia làm 8 cung lớn theo thứ tự là Tài, Bệnh, Ly, Nghĩa, Quan, Nạn, Hại, Mạng. Mỗi cung lớn dài 53,625 mm, lại chia làm 4 cung nhỏ, mỗi cung 13,4 mm. Loại thước dùng cho Âm phần dài 38,8 cm (còn gọi là thước 39 cm) chia làm 10 cung lớn, mỗi cung dài 39 mm theo thứ tự là Đinh, Hại, Vượng, Khổ, Nghĩa, Quan, Tử, Hưng, Thất, Tài. Mỗi cung lớn lại chia làm 4 cung nhỏ, mỗi cung dài 9,75 mm.

Thợ mộc ngày xưa dùng thước gỗ với các loại riêng biệt nói trên. Ngày nay, người ta tích hợp cả hai loại trên vào thước rút bằng kim loại với các độ dài 5 m, 7 m, 10 m… Trên đó chia theo đơn vị đo chiều dài, đồng thời chia ra các cung lớn và cung nhỏ theo thước Lỗ Ban. Ý nghĩa các cung lớn và cung nhỏ đều được ghi cụ thể trên thước, cung tốt in chữ màu đỏ, cung xấu in chữ màu đen. Trong loại thước này, dòng trên là thước 43 cm - dùng cho Dương phần và dòng dưới là thước 39 cm - dùng cho Âm phần.

Thước Lỗ Ban dùng cho nhà cửa

Thước Lỗ Ban dùng cho Dương phần sử dụng cho cổng, cửa, giường, tủ, bàn ghế… Tuy nhiên khi làm nhà, người ta chủ yếu quan tâm đến cổng và cửa là chính. Cách đo theo nguyên tắc đối với không gian có khoảng trống để đi lại hoặc để dòng khí lưu chuyển thì tính theo thông thủy (đo trong lòng, hay còn gọi là lọt lòng); còn đối với bệ, bậc, các đồ vật thì đo phủ bì, tức là tính kích thước bao bọc bên ngoài.

Cách đo các đồ vật: Như đã nói ở trên là tính theo phủ bì, tức là chiều dài x chiều rộng x chiều cao. Nếu bàn hình tròn thì tính theo đường kính, hình elip thì lấy đường kính lớn là chính, có thể kết hợp cả đường kính nhỏ. Khi đo đồ vật, kích thước được tính cho phần rộng và cao nhất (riêng ban thờ có cách đo khác nhưng thuộc âm phần nên chúng tôi sẽ đề cập ở bài khác). Đối với các loại khối xây, bệ, bậc… cũng đo theo phủ bì.

Cách đo cổng, cửa: Đối với các khoảng không gian rỗng như cổng, cửa, khoảng cách tầng, giếng giời…, chúng ta vẫn sử dụng thước 43 cm nhưng lại đo theo thông thủy chứ không đo phủ bì. Nguyên tắc đo này là do kích thước phong thủy được áp dụng cho nội khí, tức là được tính cho các khoảng lọt lòng thông thủy cho luồng khí đi qua. Do đó phải đo theo khoảng trống, phần tĩnh ổn định chứ không tính theo cánh cửa là phần mở, mang tính động. Cụ thể là đo phần lọt lòng nhỏ nhất của khuôn bao, còn gọi là lọt lòng gió.

Đối với cổng, cửa đi lại (cửa sổ không tính): Đo chiều rộng và chiều cao. Riêng đối với cổng, nếu có mái che thì lấy chiều cao, không có mái che thì chỉ lấy chiều rộng. Nếu cổng và cửa có vòm thì lấy đến điểm cao nhất của vòm.

Như vậy, bạn chỉ cần mua một chiếc thước tích hợp cả hai loại nói trên về để đo là được. Chỉ cần nhớ dòng trên là Dương phần - thước 43 cm và dòng dưới là Âm phần - thước 39 cm; số đo trong khoảng in chữ màu đỏ là cung tốt và chữ màu đen là cung xấu cần tránh.

Tuệ Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load