(Xây dựng) - Kinh doanh ngày càng cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh cửa hàng siêu thị, trung tâm thương mại. Vì vậy, bố trí không gian, sắp xếp hàng hóa trong các nhà hàng, siêu thị đúng phong thủy là điều vô cùng quan trọng để góp phần thúc đẩy kinh doanh phát đạt…
Cửa hiệu được thiết kế hợp hướng và hợp tuổi chủ chắc chắn sinh vượng, nhưng bị bàn ghế, hàng hóa chặn kín lối “tiến khí” thì không thể phát huy tác dụng - Ảnh minh họa.
Khi thiết kế phong thủy các cửa hàng cửa hiệu, siêu thị, người ta thường chú trọng đến quan hệ giữa hướng nhà với tuổi chủ, giữa hướng nhà với màu cửa, biển hiệu, đặt tên… rất ít người quan tâm đến bố cục sắp xếp nội thất.
Ngày nay, với kiểu tâm lý “bành trướng”, mong muốn chiêu tài, chủ hàng bày biện kín mít, lấn chiếm vỉa hè lòng đường, khiến khách hàng và người bán đi lại hết sức bất tiện, lọt thỏm giữa đống hàng hóa… Khách mua hàng sẽ mất hứng khi phải nhón chân len lỏi giữa các quầy hàng; hoặc có cảm giác ngại, sợ bị “đốt vía” khi ngay cửa ra vào, trong góc phòng lù lù một ban thờ thần Phật; hoặc có siêu thị bày thêm gian vui chơi để “câu trẻ em” ép cha mẹ chúng mua bán…
Tất cả những biểu hiện nêu trên là có thật, là sai lầm phổ biến trong bố cục, sắp xếp cửa hàng cửa hiệu, gây nguy cơ cháy nổ và nghiêm trọng hơn, nó khiến cho những không gian phong thủy vượng sơn, vượng hướng không thể phát huy tác dụng. Để tăng cường vượng khí, thu hút khách hàng, các cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị cần được phối trí hài hòa theo những nguyên tắc sau đây:
Tạo minh đường “nạp khí” cho cửa hiệu, đó là khoảng trống sau cửa chính, thực hiện chức năng của “tiểu minh đường”, nhằm trung hòa sát khí, lắng lọc sinh khí trước khi truyền dẫn tới những vị trí khác trong cửa hiệu. Có thể hình dung khoảng không gian này như một cái dạ dày hai chức năng, vừa đón vượng khí, vừa tiếp nhận thán khí sản sinh trong quá trình hô hấp, đào thải của nhân viên, khách khứa tại chỗ. Bày hàng quá nhiều ở mặt tiền, quầy hàng chiếm hết toàn bộ diện tích cửa hiệu khiến sinh khí không thể tụ hội. Cửa hiệu được thiết kế hợp sơn - hướng và hợp tuổi chủ chắc chắn sinh vượng, nhưng bị bàn ghế, hàng hóa chặn kín lối “tiến khí” thì không thể phát huy tác dụng.
Hướng phòng (cửa), màu tường, màu sắc và hình dáng đồ đạc nội thất phải đặt trong tương quan “sinh nhập”. Trong mọi trường hợp, không cần căn cứ tuổi gia chủ để quyết định màu sắc tổng thể của thiết kế nội thất cửa hàng cửa hiệu (nếu kết hợp được càng tốt). Sinh nhập của ngũ hành là tương quan từ ngoài vào trong: Ngũ hành hướng nhà sinh ngũ hành cửa chính, ngũ hành cửa chính sinh ngũ hành của đồ đạc trong phòng… tất cả tương sinh với màu tường và màu nền của cửa hiệu. Ví dụ: Cửa hiệu hướng Bắc phối với cửa chính màu xanh da trời (xanh nước biển) hoặc màu su hào, đồ đạc màu mận chín, tường màu kem hồng, nền màu nâu vàng hoặc màu nâu đỏ. Phép phối trí này gọi là “lớp lớp tương sinh, tú khí tự vượng”.
Tránh phạm mê cung sát, thương sát trong sắp xếp quầy hàng, kiến tạo hành lang. Hành lang (lối đi giữa các quầy hàng) sẽ tạo đươc cảm giác “vu hồi triển chuyển” nhờ bố trí các khối quầy vuông - tròn hài hòa và tạo các “tiểu thiên tỉnh” trong nội thất. Nguyên tắc này áp dụng đối với các siêu thị, cửa hàng cửa hiệu lớn. Hành lang quá dài, thẳng tắp sẽ làm xuất hiện “trực xung sát” hoặc “thương sát”, các lô - khối quầy hàng bố trí giống nhau sẽ tạo ra cảm giác “mê cung” khiến khách hàng bị “lạc”, bất an. Lô - quầy lấy khối vuông - tròn tương phối làm chủ đạo.
Hệ thống hành lang cần phối hợp hài hòa giữa trục chính và hành lang “xương cá”, tạo cảm giác vu hồi ấm cúng cho khách hàng. Đan xen sau mỗi quảng hành lang dài từ 10 - 15m bố trí một khoảng không gian “tiểu thiên tỉnh” để lắng - tụ sinh khí, hóa giải cảm giác miên man như lạc vào mê cung. Bố trí bàn ghế để khách hoặc nhân viên bán hàng có thể nghỉ chân. Hành lang chính phải nhỏ hơn không gian thiên tỉnh và tiểu minh đường.
Ban thờ thần Phật phải kín đáo, tách biệt với khu vực bày hàng. Không gian thờ là nơi hội tụ “tú khí” - tức vượng khí, phải tĩnh mới có thể “tàng chứa”, đồng thời giúp gia chủ không bị phân tâm khi thực hiện nghi thức thờ phụng. Ban thờ (nhất là thờ Thần tài) đại kỵ đặt ở nơi ồn ào náo nhiệt, lộ thiên và khí trường liên tục thay đổi. Thần tài là những “tiểu thần” nhỏ bé, không thể “tụ khí” chiêu tài khi bị “động”.
Đoan Trang
Theo