Các quốc gia vùng Vịnh gần đây trở thành thỏi nam châm thu hút giới nhà giàu toàn cầu. Giới lãnh đạo khu vực này đang thử chiến lược mới nhằm duy trì thời kỳ bùng nổ này.
Hơn 30 chuyến bay chở các ngôi sao thể thao, tỷ phú công nghệ và những influencer đến Dubai mỗi ngày. Thành phố này chứng kiến các giao dịch bất động sản tăng vọt, Michelin Guide bắt đầu xếp hạng các nhà hàng, trong khi ca sĩ Beyoncé gần đây biểu diễn tại buổi khai trương xa hoa của Atlantis the Royal. Khách sạn này tự xưng là khu nghỉ dưỡng “siêu sang trọng nhất thế giới”, với mức giá lên tới 37.000 USD/đêm.
Cách đó khoảng hơn 800 km, ở Riyadh, ngôi sao bóng đá Cristiano Ronaldo - người gia nhập một câu lạc bộ của Saudi Arabia vào tháng 12/2022 với mức lương 200 triệu USD/năm - đang sống trong penthouse của Kingdom Tower với bạn gái và các con. Nhiều người nhìn thấy Ronaldo di chuyển quanh thủ đô của Saudi Arabia trên chiếc Bentley.
Từng chỉ thu hút nhân tài chủ yếu từ khu vực xung quanh, vùng Vịnh đang trở thành thỏi nam châm thu hút giới giàu có toàn cầu, từ các chủ ngân hàng châu Âu tới người sáng lập công ty công nghệ Israel. Sự bùng nổ chủ yếu tập trung vào Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia, nhưng Qatar cũng đang góp mặt vào danh sách này, theo Wall Street Journal.
Nhờ ảnh hưởng từ World Cup 2022, Qatar liên tục đón đoàn châu Âu và châu Á, khẳng định vị thế là thị trường hấp dẫn cho các quốc gia đang tìm kiếm nguồn cung khí đốt tự nhiên mới.
Tham vọng thành trung tâm quyền lực độc lập
UAE và Saudi Arabia đang tự do hóa nền kinh tế với các chính sách và luật nhập cư lỏng lẻo, ít ràng buộc hơn với các quy định Hồi giáo khắt khe, thu hút khách du lịch và lao động nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Saudi Arabia - nền kinh tế lớn nhất khu vực - ghi nhận tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất trong nhóm nền kinh tế lớn vào năm 2022. Quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới dự kiến tiếp tục chứng kiến một năm 2023 khởi sắc.
UAE theo phía sau với 7,6% và Qatar tăng trưởng 4,8%, tốc độ nhanh nhất trong gần một thập niên.
Sự bùng nổ của khu vực vùng Vịnh đang tái cân bằng địa chính trị ở Trung Đông. Những nước này trở thành đối tác có ảnh hưởng nhất của Mỹ, nhưng cũng sẵn sàng theo đuổi các chính sách đối ngoại và lợi ích kinh tế đối ngược Washington.
Lối đi dạo gần tòa nhà chọc trời Burj Khalifa ở Dubai. Ảnh: Bloomberg. |
Với tiền bạc, tài năng và quỹ nghệ thuật chảy đến và đi từ Bán đảo Arab, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan đang biến vùng Vịnh thành trung tâm quyền lực độc lập.
Họ nỗ lực làm hòa với Iran, chấm dứt xung đột ở Yemen và không còn cô lập Syria. Những động thái này làm dấy lên hy vọng về thời kỳ thịnh vượng lâu dài hơn, dù có thể không phù hợp với lợi ích của Mỹ.
Trong khi đó, các thủ đô truyền thống của Arab như Cairo, Damascus và Baghdad, đang bị ảnh hưởng bởi hơn một thập niên xung đột, khủng hoảng kinh tế và quản lý yếu kém.
“Tất cả quy về một mối: Một hình ảnh vùng Vịnh mới. Tự tin là từ khóa của sân chơi này”, Abdulkhaleq Abdulla - nhà khoa học chính trị tại Đại học Emirates - cho biết.
Sự bùng nổ dẫn tới một số động lực tự do hóa xã hội. UAE - nơi 90% dân số là người nước ngoài - đã giảm thuế rượu, cho phép các cặp đôi chưa kết hôn sống chung và cấp thị thực khuyến khích mọi người ở lại lâu hơn. Quốc gia này hợp pháp hóa việc mang các sản phẩm chứa cần sa nhập cảnh, đồng thời sắp tới sẽ cho phép mở sòng bạc.
Saudi Arabia dự kiến bỏ lệnh cấm rượu. Nước này đã cho phép phụ nữ lái xe và nam giới cùng nữ giới không quen nhau ở chung trong không gian công cộng. Riyadh cũng theo đuổi gói kế hoạch trị giá 1.000 tỷ USD thu hút khách du lịch và thành lập hãng hàng không cạnh tranh với Emirates của Dubai và Qatar Airways.
Sự bùng nổ mới
Trước đây, Vùng Vịnh đã hưởng lợi lớn từ dầu mỏ, khi giá dầu thô tăng trên 100 USD/thùng.
Tuy nhiên, các quan chức và nhà kinh tế học cho biết sự bùng nổ lần này khác với sự bùng nổ từ dầu mỏ. Đây là thời điểm sau thỏa thuận Paris năm 2015, khi phương Tây đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo khiến các quốc gia dầu mỏ vùng Vịnh giật mình và nhận ra mình cần dùng lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch ngay bây giờ để đa dạng hóa nền kinh tế.
Thay vì chỉ gửi tài sản vào thị trường trái phiếu và chứng khoán phương Tây, các quốc gia vùng Vịnh hiện chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Các quỹ đầu tư quốc gia đang đổ hàng chục tỷ USD trong và ngoài nước.
Theo Global SWF, 5 trên 10 nhà đầu tư quốc gia hàng đầu năm ngoái đến từ vùng Vịnh.
“Sự bùng nổ này diễn ra ngay cả khi thị trường dầu không chạm mốc 100 USD (một thùng)”, Tarek Fadlallah - Giám đốc điều hành Nomura Asset Management - cho biết.
Đảo nhân tạo Palm Jumeirah của Dubai. Ảnh: Wall Street Journal. |
Giới kinh tế học cho biết suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn sẽ ảnh hưởng tới các quốc gia phụ thuộc vào thị trường năng lượng. Những rủi ro khác đến từ việc chi tiêu xa hoa ngang ngửa thời điểm bùng nổ trước đó.
Riêng Saudi Arabia, nước này có kế hoạch xây dựng tòa nhà cao hơn 500 m, một sân bay với tham vọng thành trung tâm quốc tế bận rộn hàng đầu thế giới và một trung tâm thành phố mới ở Riyadh.
Ưu đãi thuế thu nhập đã giúp Dubai thu hút dân công nghệ và quỹ bảo hiểm rủi ro từ San Francisco, London và New York.
“Dân công nghệ, chuyển tới Dubai. Crypto, chuyển đến Dubai. Thời trang, chuyển đến Dubai. Kể cả người nổi tiếng và ngôi sao mạng xã hội nữa”, Adel Mardini - Giám đốc điều hành Jetex - nói.
Năm 2022, UAE chứng kiến bước vọt lớn nhất thế giới về việc đón số lượng cá nhân giàu có - những người có hơn 1 triệu USD - lên hơn 92.600 người. Một cá nhân ẩn danh ở Dubai trả mức giá kỷ lục 15 triệu USD cho biển số xe chỉ có 2 ký tự: P7.
Thani bin Ahmed Al Zeyoudi - Bộ trưởng Ngoại thương UAE - cho biết để thu hút mọi người tới nước này, chính phủ đang xem xét các kế hoạch hưu trí tư nhân vốn đang không dành cho người nước ngoài và các cách giảm chi phí bảo hiểm y tế cho nhóm muốn nghỉ hưu ở nước này.
Hàng chục nghìn người Nga gần đây coi Dubai là quê hương thứ 2, tổ chức nhiều sự kiện và không gian văn hóa tiếng Nga trong một thành phố truyền thống nói tiếng Anh.
Những người mới đến góp phần vào cộng đồng vốn đã lớn. Năm 2019, Đại sứ quán Nga ở UAE cho biết 40.000 công dân Nga và 60.000 người nói tiếng Nga đang sống tại quốc gia có 9 triệu người. Ban quản lý sân bay Dubai cho biết lượng hành khách Nga đã tăng gấp đôi vào năm ngoái lên khoảng 1,9 triệu lượt so với năm 2021.
Hôm 6/1 vừa qua, nhà quảng bá sự kiện và âm nhạc Belarus Evgeniy Morozov đã tổ chức dạ tiệc tại phòng khiêu vũ khách sạn Burj Al Arab với sự góp mặt của ca sĩ xứ Wales Tom Jones - người rất nổi tiếng trong cộng đồng người nói tiếng Nga. Giá vé cao nhất dự dạ tiệc này là 4.000 USD.
Theo Phương Linh - Duy Anh/Zingnews.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/cac-ty-phu-do-xo-toi-vung-vinh-post1432969.html