Thứ năm 25/04/2024 08:05 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường trong Đề án Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng

15:34 | 19/11/2020

(Xây dựng) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 1266/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; trong đó lưu ý việc tổ chức khai thác, chế biến hợp lý và sử dụng tổng hợp khoáng sản, theo quy hoạch để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm tài nguyên, thực hiện công tác bảo vệ môi trường, hoàn nguyên mỏ theo quy định.

cac quan diem muc tieu ve bao ve moi truong trong de an chien luoc phat trien vat lieu xay dung
Sản phẩm thiết bị vệ sinh được sản xuất tại Nhà máy Hảo Cảnh, Thái Bình.

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo. Các mục tiêu chính của chiến lược gồm:

Trong lĩnh vực sản xuất xi măng, đến năm 2025, các nhà máy xi măng hiện có công suất nhỏ hơn 2.500 tấn clinker/ngày, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu và năng lượng lớn, phải đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; Đầu tư trạm nghiền xi măng có công xuất phù hợp ở những khu vực không thuận lợi về nguyên liệu để sản xuất clinker xi măng.

100% các cơ sở sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, tăng cường chuyển đổi lọc bụi tĩnh điện sang lọc bụi túi vải, các cơ sở sản xuất xi măng phải có thiết bị giám sát nồng độ bụi tại nguồn thải và kết nối các thiết bị này với cơ quan quản lý môi trường tại địa phương.

Trong lĩnh vực gạch gốm ốp lát: đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã, nâng cao sản lượng, chất lượng, tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường; Hạn chế đầu tư các cơ sở sản xuất gạch ceramic.

Đầu tư phát triển đồng bộ giữa các cơ sở sản xuất và các cơ sở khai thác, chế biến nguyên liệu, sản xuất men, màu trong nước, các cơ sở sản xuất phụ tùng thay thế; Từng bước giảm dần tiến tới thay thế hoàn toàn nhiên liệu từ khí hóa than sang các nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường nhằm hạn chế thải khí CO2 ra môi trường.

Đối với đá ốp lát, tăng cường đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường. Quy mô công xuất của một cơ sở sản xuất không nhỏ hơn 20.000m3/năm.

Sản xuất đa dạng các chủng loại, mẫu mã đa dạng, tận dụng tối đa tài nguyên khoáng sản; Tiếp tục đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, cập nhật công nghệ tiên tiến của các nước có nền công nghiệp khai khoáng phát triển, đa dạng hoá mẫu mã, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về công nghệ và bảo vệ môi trường.

Đối với kính xây dựng, tiếp tục đầu tư sản xuất các sản phẩm kính có chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao như: Kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trắng, siêu mỏng, kính cho pin năng lượng, kính chống cháy... Đầu tư chiều sâu cải tạo các cơ sở sản xuất kính có công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu, năng lượng và chất lượng sản phẩm thấp, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường…

Đối với gạch đất sét nung, công suất thiết kế của một dây chuyền gạch đất sét nung đầu tư mới không nhỏ hơn 20 triệu viên tiêu chuẩn/năm. Đối với các tỉnh miền núi thì có thể đầu tư dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung với công xuất 10 triệu viên quy chuẩn/năm.

Không đầu tư mới, đầu tư mở rộng các dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung nếu không có vùng nguyên liệu trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng tài nguyên của các tỉnh, thành phố đã được phê duyệt.

Đến năm 2025, các cơ sở sản xuất đang sử dụng công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ tiêu tốn nguyên liệu gây ô nhiễm môi trường, phải đầu tư cải tạo, chuyển đổi thành các cơ sở sản xuất có công nghệ tiên tiến, có mức độ cơ giới hóa, tự động cao, nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, đáp ứng các chỉ tiêu về công nghệ hoặc buộc dừng sản xuất.

Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra 7 giải pháp thực hiện gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm; Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật liệu xây dựng trong nước và xuất khẩu; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao năng lực chế tạo thiết bị; Bảo vệ môi trường trong sản xuất.

Đặc biệt, quyết định nêu rõ trong công tác tổ chức khai thác, chế biến hợp lý và sử dụng tổng hợp khoáng sản, theo quy hoạch để nâng cao hiệu quả sử dụng và tiết kiệm tài nguyên, thực hiện công tác bảo vệ môi trường, hoàn nguyên mỏ theo quy định; hình thành các khu vực, cơ sở chuyên gia công chế biến nguyên liệu đảm bảo cung cấp ổn định về chất lượng, số lượng cho cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng.

Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khai thác mỏ tiên tiến, an toàn, hiệu quả, giảm thiểu các yếu tố ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường; tổ chức thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng có tính đến biến đổi khí hậu.

Đầu tư khoa học công nghệ hiện đại trong lĩnh vực chế biến nguyên liệu nhằm ổn định và nâng cao chất lượng đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu trong lĩnh vực chế tạo cơ khí, sản xuất thiết bị, phụ tùng thay thế; tăng cường ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất vật liệu xây dựng.

Đồng thời, tăng cường quảng bá sản phẩm nhằm thúc đẩy thị trường tiêu thụ nội địa; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm vật liệu xây dựng có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế…

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, ngành Vật liệu xây dựng trong những năm qua không ngừng được đầu tư, đổi mới và phát triển. Trên tất cả các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng đều có sự chuyển biến một cách tích cực. Công suất thiết kế và sản lượng một số sản phẩm vật liệu xây dựng đã tăng gấp 2 - 3 lần so với 10 - 15 năm trước. Mẫu mã sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng ngày càng cao và đa dạng của thị trường trong nước, từng bước thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất khẩu ra thị trường thế giới. Nhiều loại vật liệu xây dựng của Việt Nam có số lượng, chủng loại hàng đầu thế giới (xi măng, clinker, gốm-sứ xây dựng…).

Vật liệu xây dựng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo dựng lên các công trình xây dựng, tạo cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ đầu tư xây dựng ngày càng tăng.

Trong những năm qua, ngành sản xuất vật liệu xây dựng đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Công tác xây dựng thể chế liên quan đến phát triển vật liệu xây dựng được quan tâm, đã từng bước tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển vật liệu xây dựng đáp ứng yêu cầu của ngành Xây dựng.

Về môi trường, các dự án sản xuất vật liệu xây dựng phải được đầu tư đồng bộ hệ thống xử lý các chất thải trước khi thải ra môi trường. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ nồng độ khí thải, nồng độ bụi, chất thải rắn, nước thải ra môi trường trong quá trình sản xuất. Lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, kết nối với cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường và đảm bảo đáp ứng yêu cầu về môi trường theo quy định và đặc biệt là bảo vệ môi trường trong sản xuất. Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng khẳng định không phê duyệt, cấp phép đầu tư mới, đầu tư mở rộng đối với các dự án đầu tư khi chưa có đánh giá tác động môi trường; đình chỉ sản xuất và thu hồi giấy phép đối với các cơ sở sản xuất không đảm bảo các tiêu chuẩn và quy chuẩn về môi trường; thực hiện kiểm tra, giám sát môi trường thường xuyên; giám sát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và an toàn lao động của các cơ sở khai thác nguyên liệu và sản xuất; yêu cầu các nhà máy tận dụng nhiệt khí thải lò nung trong sản xuất; thực hiện giám sát trực tuyến công tác bảo vệ môi trường tại các nhà máy bằng hệ thống thông tin điện tử và dữ liệu quan trắc.

Đối với công tác khai thác mỏ nguyên liệu, các cơ sở khai thác nguyên liệu cần phải đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại; trồng cây xanh xung quanh khai trường, hạn chế sự phát tán của bụi; trong khai thác phải đảm bảo thực hiện theo thiết kế đã được duyệt, không khai thác bừa bãi để tránh hiện tượng sạt lở; thường xuyên bảo dưỡng duy tu hệ thống giao thông trong và ngoài khu mỏ; tiến hành hoàn nguyên môi trường bằng cách hoàn trả lại mặt bằng đã khai thác, xử lý nước thải, trồng lại thảm thực vật…

Đối với các nhà máy sản xuất, yêu cầu phải đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại, mức độ điều khiển tự động hóa cao; áp dụng các biện pháp kỹ thuật để giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm tiếng ồn, giảm thiểu lượng bụi phát sinh trong sản xuất; áp dụng công nghệ sản xuất sạch; xây dựng hệ thống xử lý chất thải, hệ thống quan trắc tự động nước thải, khí thải, bụi xung quanh diện phát thải và kết nối trực tuyến với cơ quan quản lý môi trường tại địa phương; sử dụng nhiệt khí thải để sấy, để phát điện đồng thời giảm lượng phát thải bụi và khí CO2; thường xuyên bảo dưỡng duy tu hệ thống giao thông trong nhà máy và hệ thống phục vụ vận chuyển nguyên, nhiên liệu, sản phẩm của nhà máy; các phương tiện vận tải nguyên liệu và sản phẩm cần nghiêm chỉnh chấp hành những quy định về vận chuyển vật liệu để tránh tình trạng làm rơi vãi và văng đổ vật liệu trên đường vận chuyển gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân sinh sống trên địa bàn xung quanh nhà máy.

Hoàng Sơn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load