Giá trị giải ngân vốn đầu tư công thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng hiện nay là "thước đo" hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước ngành giao thông. Sự cân, đo, đong, đếm này đang tạo ra cuộc đua giải ngân vốn giữa các Ban quản lý dự án giao thông.
Giải ngân tốt - hoạt động hiệu quả
Kết thúc quý I/2021, báo cáo kết quả giải ngân của các Ban quản lý dự án giao thông (PMU) gửi Bộ GTVT không chỉ khẳng định hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, mà còn cho thấy cuộc "so kè" quyết liệt giữa các PMU.
Theo Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT), năm 2021, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà Nước gần 43.000 tỷ đồng, gồm: 38.159 tỷ đồng vốn trong nước và 4.837 tỷ đồng vốn nước ngoài. Đến nay, Bộ đã có các quyết định giao chi tiết hơn 36.526,8 tỷ đồng (đạt 85%), còn lại 6.469,2 tỷ đồng đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục để giao chi tiết kế hoạch.
Các PMU giao thông chạy đua giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án cao tốc Bắc Nam. |
Hết quý I/2021, Bộ GTVT có 2 PMU đơn vị đạt kết quả giải ngân cao hơn với mức bình quân chung toàn ngành là Ban PMU Thăng Long đã giải ngân 2.584/10.012 tỷ đồng (đạt 25,8% kế hoạch) và PMU đường Hồ Chí Minh đã giải ngân 1.216/4.444 tỷ đồng (đạt 27,4% kế hoạch).
Ông Phùng Tuấn Sơn, Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch (PMU Thăng Long) cho biết, năm 2020, PMU Thăng Long là đơn vị dẫn đầu Bộ GTVT về giá trị giải ngân vốn đầu tư công, với hơn 8.685 tỷ đồng, chiếm khoảng 25% khối lượng giải ngân của toàn Bộ GTVT. Dự báo, quý I/2021 và cả năm 2021, PMU Thăng Long vẫn sẽ là "đầu tàu" giải ngân vốn đầu tư công. Đến tháng 4/2021, ngoài 1.200 tỷ đồng được Ban giải ngân để trả nợ cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, còn lại 1.384 tỷ đồng, Ban giải ngân cho các dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long...
Lãnh đạo PMU2 cho hay, đơn vị đang xây dựng kế hoạch thực hiện giải ngân nguồn vốn ngân sách năm 2021 khoảng 2.352 tỷ đồng, gồm: 2.240 tỷ đồng vốn cho các dự án ODA và hơn 110 tỷ đồng cho các dự án vốn Trái phiếu Chính phủ.
Còn theo Phó giám đốc PMU7 Hoàng Tuấn Khoát, trong năm 2021, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và cầu Mỹ Thuận 2 đang bước vào giai đoạn triển khai thi công rầm rộ, 2 dự án nâng cấp tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp và QL53 Trà Vinh - Long Toàn đang chạy nước rút cán đích... đang hứa hẹn sẽ tạo ra cuộc "so kè" về giải ngân vốn đầu tư công để về đích ở vị trí số 1. “PMU 7 đã xây dựng kế hoạch giải ngân cho năm 2021 khoảng 6.000 tỷ đồng, riêng hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dự kiến giải ngân khoảng 3.200 tỷ đồng”, lãnh đạo PMU7 cho hay.
Tuy nhiên, một số PMU được đánh giá hoạt động hiệu quả các năm trước, từ năm 2021 do không có nhiều dự án mới quy mô lớn được triển khai, nên phải xây dựng kế hoạch giải ngân giảm so với trước. Đơn cử, PMU đường Hồ Chí Minh, năm 2020 đã giải ngân lên tới hơn 4.560 tỷ đồng, nhưng năm 2021 chỉ đặt kế hoạch khoảng 3.988 tỷ đồng, bao gồm khoản vay nước ngoài cho dự án BT La Sơn - Túy Loan đã lên tới 1.381 tỷ đồng phải trả nợ. Hay PMU6 chỉ được giao kế hoạch năm 2021 gần 800 tỷ đồng, thấp nhất trong các PMU.
Mục tiêu top đầu giải ngân của ngành GTVT
Theo ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư, năm 2020, Bộ GTVT được giao giải ngân hơn 39.800 tỷ đồng, gồm hơn 36.100 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2020 và hơn 3.700 tỷ đồng vốn kế hoạch kéo dài và đã cán đích ở vị trí top đầu trong các bộ, ngành, địa phương về giải ngân vốn đầu tư công. Vì vậy, năm 2021, Bộ GTVT tiếp tục đặt mục tiêu tiếp tục ở top đầu cả nước.
Dự án nâng cấp đường Quản Lộ-Phụng Hiệp chuẩn bị cán đích của PMU7. |
Hết quý I/2021, Bộ GTVT đã giải ngân hơn 6.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 16,4% so với kế hoạch cả năm 2021, cao hơn nhiều so cùng kỳ năm 2020. Tuy vậy, con số đạt được vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đề ra của Bộ GTVT do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và khó khăn về nguồn vật liệu thi công, cũng như công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc đang thực hiện...
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, Bộ GTVT đã nỗ lực giải ngân bám sát tiến độ; trực tiếp làm việc với các địa phương nơi dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua để tháo gỡ khó hăn, vướng mắc. Các chủ đầu tư, PMU tích cực đôn đốc, chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh thi công, đảm bảo tiến độ các dự án đề ra. Bộ cũng đã yêu cầu Vụ Kế hoạch đầu tư giám sát chặt công tác giải ngân của các chủ đầu tư, PMU, báo cáo Bộ kiểm điểm các đơn vị trước ngày 30/4.
Ngoài ra, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông rà soát lại kế hoạch, khởi công khánh thành các dự án trong năm 2021 để đôn đốc, nhắc nhở các chủ đầu tư, PMU thực hiện đúng lộ trình; tập trung giải quyết sớm các vướng mắc tại 2 dự án cấp bách là nâng cấp, cải tạo đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất; chuẩn bị đầu tư các dự án trong kế hoạch trung hạn 2021-2025; hoàn thiện các đề án quy hoạch 5 chuyên ngành GTVT và giải quyết tồn tại của các dự án BOT.
Theo Bài, ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức