Thứ bảy 05/10/2024 16:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Các giải pháp chống ùn tắc giao thông TP.HCM

12:04 | 05/07/2017

(Xây dựng) – TP Hồ Chí Minh hiện có tốc độ đô thị hóa nhanh, mạnh, do đó, áp lực dân số đè nặng lên hạ tầng kỹ thuật, tốc độ quy hoạch không theo kịp quy mô phát triển dân số.

Nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn, Thành ủy cũng như UBND TP đã ban hành Chương trình hành động số 14 về kéo giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 – 2020.

Dựa vào chương trình đó, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã đề xuất nhiều phương án mở rộng, đầu tư từ đường bộ.


Kẹt xe hiện là vấn nạn của giao thông TP.HCM.

Giải pháp khai thác đường thủy

TP.HCM có lợi thế mạng lưới giao thông đường thủy khá rộng với tổng chiều dài có khả năng khai thác vận tải đường thủy trên 975km (7 tuyến/157km hàng hải, 9 tuyến/203km tuyến đường thủy nội địa quốc gia, 94 tuyến/612km đường thủy nội địa và 02 tuyến chuyên dùng). Nhưng đến nay, lợi thế này chưa được thành phố đưa vào khai thác triệt để.

Ông Ngô Hải Đường - Trưởng phòng Quản lý khai thác Hạ tầng giao thông đường bộ cho biết: Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng bằng đường thủy và du lịch đường sông đang trong giai đoạn chuẩn bị cơ sở để phát triển. Đến nay, UBND TP đã phê duyệt đầu tư hai tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy trên địa bàn theo hình thức Hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh).

Theo đó, hướng tuyến số 1: Bạch Đằng - Linh Đông (khoảng 10,8km), từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa và ra lại sông Sài Gòn đến khu vực phường Linh Đông - quận Thủ Đức tại vị trí bến khách ngang sông Bình Quới và ngược lại. Số lượng bến đón trả khách: 7 bến, qua địa bàn quận 1, Bình Thạnh, quận 2 và Thủ Đức.

Hướng tuyến số 2: Bạch Đằng - Lò Gốm (khoảng 10,3 km): Từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đến khu vực bến Lò Gốm, phường 7, quận 6 và ngược lại. Số lượng bến đón trả khách: 7 bến, qua địa bàn quận 1, quận 4, quận 5, quận 6 và quận 8.

Ngoài hai tuyến vận tải hành khách công cộng này, hiện nay một số nhà đầu tư đang quan tâm đề xuất khai thác một số tuyến vận tải hành khách công cộng từ trung tâm (bến Bạch Đằng) đi các hướng: Mũi Đèn Đỏ (quận 7) theo hướng sông Sài Gòn; đi Phú Mỹ Hưng theo hướng kênh Tẻ, sông Ông Lớn, rạch Đỉa; đi Bình Điền theo hướng kênh Tẻ, kênh Đôi; đi Thủ Đức, quận 2 theo hướng sông Sài Gòn - Rạch Chiếc.

Ngoài ra, với vận tải hành khách liên tỉnh, TP dự kiến phát triển 3 tuyến như: TP.HCM - Vũng Tàu: Tuyến Cần Giờ - Vũng Tàu với chiều dài khoảng 14,6km với 02 phương tiện hoạt động; tuyến Cảng Sài Gòn, quận 4 - Vũng Tàu với chiều dài khoảng 80 km với 04 phương tiện cao tốc cánh ngầm hoạt động; TP.HCM - Tiền Giang: Tuyến Long Hòa - Gò Công Đông với chiều dài khoảng 12km với 02 phương tiện hoạt động; tuyến Lý Nhơn - Gia Thuận với chiều dài khoảng 4,6 km với 02 phương tiện hoạt động.

Bên cạnh đó, hiện nay thành phố đang quy hoạch 5 tuyến du lịch đường thủy nội địa bao gồm: Tuyến du lịch nội đô (quận 7, quận 8) và tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè; tuyến đi Bình Quới; tuyến đi quận 9; tuyến đi Củ Chi và tuyến đi Cần Giờ.

Tuy nhiên, việc phát triển giao thông thủy được đánh giá vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sông nước vốn có của thành phố, vận tải thủy nội địa (kể cả hàng hóa lẫn hành khách) có tốc độ tăng trưởng thấp.

Nguyên nhân được cho là do tĩnh không các công trình trên một số tuyến đường thủy trọng điểm còn chưa đạt theo quy định đã làm ảnh hưởng rất lớn đến khai thác đường thủy.

Cụ thể như cầu đường sắt Bình Lợi, cống Nam Lý, cầu Giồng Ông Tố (trên đường Nguyễn Thị Định), các cầu trên tuyến đường Lê Văn Lương (Nhà Bè). Ngoài ra, tình trạng bến thủy nội địa hoạt động trái phép vẫn tồn tại, chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đường thủy của các tổ chức, cá nhân còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng công trình giao thông đường thủy phục vụ hành khách hạn chế. Nguồn vốn đầu tư để hoàn thiện hệ thống đường thủy cũng eo hẹp.

Xe buýt nhanh – vừa làm vừa học hỏi

Theo quy hoạch, thành phố sẽ có 6 tuyến xe buýt nhanh BRT. Do đó, thành phố sẽ triển khai thực hiện quy hoạch BRT theo khả năng sắp xếp nguồn vốn và tình hình giao thông hiện tại của mình.

Hiện nay, chỉ mới có tuyến BRT số 1 được triển khai đầu tư trong Dự án Phát triển Giao thông xanh TP.HCM bằng nguồn vốn vay ưu đãi dành cho các nước nghèo và kém phát triển của Hiệp hội Phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng Thế giới (IDA) và do Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông – đô thị thành phố làm chủ đầu tư.

Dự án hiện đang ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật và chuẩn bị hồ sơ mời thầu các thiết bị xây lắp và thiết bị khác. Dự kiến tuyến BRT số 1 sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm 2019.

Theo diễn giải, tuyến BRT số 1 có nhiều điều kiện thuận lợi do được triển khai trên trục đường lớn Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ và thời gian thi công nhanh vì không bị ảnh hưởng bởi công tác giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, tương tự như Hà Nội, việc triển khai BRT tại TP.HCM có một số khó khăn nhất định liên quan đến dự báo nhu cầu hành khách và tổ chức giao thông trên tuyến. Hiện Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông – đô thị thành phố và Sở GTVT đang rà soát kỹ các nội dung này trước khi báo cáo UBND TP.

Nguồn vốn để đầu tư

Theo Quyết định số 6204 phê duyệt Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 – 2020, UBND thành phố đã xác định nhiệm vụ phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông gồm 173 danh mục dự án đầu tư với tổng mức đầu tư gần 324 nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình giao thông đường bộ (151 dự án), nạo vét khai thông một số tuyến đường thủy (05 dự án), bến bãi đậu xe (11 dự án) và một số dự án phát triển vận tải sức chở lớn (05 dự án).

Riêng 2 năm 2017 và 2018, xác định nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông trên 127 nghìn tỷ đồng (trong đó: năm 2017 là 54 nghìn tỷ đồng; năm 2018 là trên 73 tỷ đồng), thành phố đã huy động từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn vốn ngân sách thành phố và ngân sách Trung ương; vốn ODA; vốn xã hội hóa (PPP).

Trong năm 2017, ưu tiên đầu tư khoảng 54 nghìn tỷ đồng cho các công trình giảm ùn tắc giao thông khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (06 công trình); 15 công trình giảm ùn tắc giao thông khu vực Cảng Cát Lái; 48 công trình giảm ùn tắc giao thông khu vực trung tâm, cửa ngõ thành phố; 03 công trình phát triển giao thông đường thủy và 11 công trình cấp bách khác.

Bùi Hiền

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load