Thứ tư 24/04/2024 20:03 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Các đại gia bất động sản Trung Quốc đối mặt nguy cơ vỡ nợ lớn

21:11 | 19/01/2021

Chính quyền Trung Quốc áp các quy định mới để kiểm soát cho vay. Điều này có thể đẩy nhiều tập đoàn bất động sản lớn nước này vào cảnh vỡ nợ.

Theo South China Morning Post, số vụ vỡ nợ doanh nghiệp tại Trung Quốc có thể tăng lên mức kỷ lục trong năm nay, sau khi ba "lằn ranh đỏ" của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc được áp dụng trong tháng này.

Tờ Nhật báo Thông tin Kinh tế đưa tin một vài trong 5 tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc, bao gồm China Evergrande Group, sẽ bị cấm vay thêm tiền từ các nhà băng.

Ba "lằn ranh đỏ" được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đưa ra bao gồm tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản (không bao gồm các khoản ứng trước) tối đa 70%, tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu tối đa 100%, tỷ số thanh toán tiền mặt (tiền mặt trên nợ ngắn hạn) 1.

cac dai gia bat dong san trung quoc doi mat nguy co vo no lon
Nhiều tập đoàn bất động sản lớn của Trung Quốc gặp khó với bộ ba "lằn ranh đỏ". Ảnh: SCMP.

"Lằn ranh đỏ"

"Nếu vượt cả ba lằn ranh đỏ, tập đoàn bất động sản sẽ không được phép vay thêm tiền từ ngân hàng", SCMP dẫn lời bà Esther Liu, Giám đốc S&P Global Ratings, cho biết. Bà tiết lộ chỉ 6,3% công ty bất động sản Trung Quốc tuân thủ các giới hạn về nợ.

"Điều này có nghĩa là các công ty bất động sản không thể vay thêm từ ngân hàng và tổ chức tài chính khác nếu chưa thanh toán khoản nợ hiện tại hoặc cải thiện tỷ lệ nợ tổng thể", bà giải thích.

Chính quyền Trung Quốc đang gấp rút kiểm soát cho vay nhằm tránh rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Bắc Kinh lo ngại tình trạng nợ chồng chất từng gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hồi năm 2008.

Ngành bất động sản và xây dựng đóng góp vào 29% sản lượng kinh tế của Trung Quốc. Bị tước mất "phao cứu sinh" tài chính, nhiều công ty phát hành trái phiếu có thể rơi vào cảnh vỡ nợ trong thị trường nợ trị giá 15.000 tỷ USD, nhất là khi nhu cầu tiêu dùng ảm đạm và triển vọng việc làm u ám.

cac dai gia bat dong san trung quoc doi mat nguy co vo no lon
Chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn là một trong những doanh nhân giàu có nhất Trung Quốc. Ảnh: South China Morning Post.

Theo Viện Nghiên cứu Bất động sản Beike, nợ của các tập đoàn bất động sản Trung Quốc có thể đạt kỷ lục 1.200 tỷ NDT (184,7 tỷ USD) vào cuối năm nay, tăng 36% so với năm 2020.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và các cơ quan quản lý tài chính xếp các công ty bất động sản thành bốn cấp bậc dựa trên ba lằn ranh đỏ. Những công ty vay nợ nhiều nhất, chẳng hạn như China Evergrande Group, sẽ bị đánh dấu đỏ và cấm vay thêm tiền.

Theo báo cáo được công bố hôm 11/1 của Indochia Securities, đã có bảy tập đoàn bất động sản bị đánh dấu đỏ, chiếm hơn 20% trong số 30 công ty địa ốc lớn nhất được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến và Hong Kong.

Nguy cơ vỡ nợ

Theo Nhật báo Thông tin Kinh tế, ở những cấp bậc sau đó, các công ty sẽ được phép tăng khoản nợ lên 5% hàng năm, với mức tăng nợ hàng năm tối đa 15%. Ở bậc màu cam là sáu công ty không đáp ứng hai trên ba giới hạn đỏ. Hơn 40% được đánh dấu màu vàng vì đáp ứng hai trên ba tiêu chí. Chỉ có sáu công ty đạt cả ba và được phân loại màu xanh.

"Các tập đoàn bất động sản ít nhất phải đáp ứng một phần tiêu chí theo ba lằn ranh đỏ để được vay tiền từ nhà băng và những tổ chức tài chính khác", ông Raymond Cheng, chuyên gia phân tích bất động sản tại CGS-CIMB Securities, cho biết.

Evergrande (trụ sở tại Quảng Châu) thuộc sở hữu của doanh nhân Hứa Gia Ấn, một trong những tỷ phú giàu nhất Trung Quốc. Tập đoàn có tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản là 85,3% (không bao gồm các khoản ứng trước), tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu 219,5%, trong khi tiền mặt trên nợ ngắn hạn 19%.

Sunac China và Greenland Holdings, hai tập đoàn bất động sản lớn thứ tư và thứ sáu Trung Quốc, cũng bị gắn "thẻ đỏ".

cac dai gia bat dong san trung quoc doi mat nguy co vo no lon
Các công ty vi phạm cả ba giới hạn sẽ bị phân loại màu đỏ. Ảnh: SCMP.

Chủ tịch Hứa đã vạch ra chương trình kéo dài ba năm nhằm cắt giảm nợ khoảng 450 tỷ NDT (69,6 tỷ USD). Tuy nhiên, nợ của tập đoàn tăng 160 tỷ NDT (24,73 tỷ USD) trong tháng 1, theo nguồn tin của South China Morning Post.

Công ty tiết lộ đang có kế hoạch mua lại trái phiếu chuyển đổi trị giá 16,1 tỷ HKD (2,1 tỷ USD) trước thời hạn 10/2, theo hồ sơ trên sàn chứng khoán. Evergrande cũng sắp xếp các quỹ nội bộ trị giá 16,5 tỷ HKD để trả gốc và lãi. Ngoài ra, trái phiếu sẽ bị hủy bỏ, theo nhà phát triển.

Theo Bloomberg, ít nhất 85 công ty Trung Quốc sẽ phải trả nợ trái phiếu khoảng 65,2 tỷ USD. China Fortune Land Development (có trụ sở tại Thượng Hải) đã bị Zhongrong International Trust từ chối cho vay 1,1 tỷ NDT (170 triệu USD). Điều này có thể buộc công ty phải tuyên bố vỡ nợ 55,6 tỷ NDT (8,6 tỷ USD) trái phiếu trong nước và 4,56 tỷ USD trái phiếu nước ngoài 4,56 tỷ USD.

Người phát ngôn của Fortune Land từ chối bình luận về thông tin này. Trái phiếu của công ty đến hạn vào tháng 6/2022 đã trượt giá 16% xuống 0,557 USD, trong khi giá cổ phiếu giảm 3,7% xuống mức thấp trong vòng 6 năm 11,36 NDT (1,75 USD).

cac dai gia bat dong san trung quoc doi mat nguy co vo no lon
Giá bất động sản tại Hong Kong tăng vọt trong một thập kỷ qua. Ảnh: SCMP.

Tuy nhiên, theo South China Morning Post, các giới hạn đỏ có thể đẩy giá bất động sản xuống. Bởi một số chủ đầu tư sẽ giảm giá để thu hút người mua và tăng tiền mặt nhằm trả nợ.

Giá nhà ở Trung Quốc tăng vọt gần 500% trong vòng hai thập kỷ qua. Giá nhà tại Thượng Hải, Thâm Quyến và Bắc Kinh thậm chí đắt đỏ hơn những đô thị lớn trên thế giới như Los Angeles, Paris, New York và London.

“Chính sách này không tệ như các nhà đầu tư nghĩ. Nó thậm chí tích cực từ góc độ đầu tư dài hạn. Bởi lĩnh vực này sẽ ít biến động hơn trong tương lai", ông Cheng bình luận.

Theo Thảo Cao/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load