Thứ tư 15/01/2025 07:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Các công trình do Bộ Công thương quản lý: Vì sao chậm tiến độ?

10:49 | 29/12/2011

Theo báo cáo của Bộ Công Thương (BCT), trong giai đoạn từ 2006 - 2010, tổng vốn đầu tư xây dựng của toàn ngành đạt xấp xỉ 670 nghìn tỷ đồng. Trong đó, nhiều công trình lớn thuộc các lĩnh vực điện, dầu khí, khoáng sản… đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên đến thời điểm này, tình trạng chậm tiến độ đang diễn ra phổ biến ở hầu khắp các dự án.


Nhiều công trình điện chậm tiến độ do thiếu vốn (ảnh minh họa).

Thủ tục đầu tư phức tạp

Căn cứ mục tiêu phát triển GDP bình quân từ 7 - 7,5%, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9 - 10 %/năm; giá trị sản xuất công nghiệp bình quân toàn ngành tăng 15-16%/năm; tăng trưởng GDP công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 7,8 -8%/năm. Dự kiến tổng số vốn đầu tư thực hiện năm 2011 của BCT là hơn 230 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình thực hiện đầu tư các dự án tại các tập đoàn kinh tế, TCty, DN và các đơn vị hành chính thuộc BCT còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về vốn. Do lãi suất cho vay và giá nguyên vật liệu, nhân công có nhiều biến động nên khối lượng và tiến độ thực hiện các dự án chưa đạt yêu cầu đề ra. 

Nguyên nhân của tình trạng chậm tiến độ các dự án xây dựng trước hết được xác định là do thủ tục đầu tư dự án quá phức tạp, phải qua nhiều cơ quan xem xét cho ý kiến, thậm chí bị dừng hàng loạt để kiểm tra, rà soát lại. Có dự án đã được BCT đồng ý chủ trương từ năm 2005 nhưng hiện nay vẫn chưa khởi công được do chưa làm xong thủ tục. Với các công trình khai thác hầm lò và thủy điện, công tác khảo sát để lập dự án nhiều khi bị kéo dài do địa chất phức tạp. Việc khảo sát có khi chưa sát với thực tế nên quá trình thực hiện gặp nhiều trở ngại phát sinh, phải mất khá nhiều thời gian xử lý.  Trong giai đoạn thực hiện đầu tư thì vướng mắc ngay từ khâu GPMB.

Ông Lê Đức Vinh - Vụ Kế hoạch (BCT) nhận định: “Công tác này thường qua nhiều khâu, cung đoạn rất phức tạp, đơn giá đền bù thấp, xác định giá bồi thường đất nông nghiệp theo giá thị trường rất khó khăn dẫn đến việc tổ chức đền bù GPBM kéo dài, đặc biệt là các công trình lưới điện tại đô thị. Ngay các cơ sở giáo dục, bệnh viện cũng gặp khó khăn trong vấn đề này”. Ông Vinh nêu dẫn chứng Dự án xây dựng cơ sở đào tạo mới của Trường Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên. Dự án này  tuy được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất từ năm 2005 nhưng đến nay mới giải phóng được một nửa do mắc về giá đền bù; hay dự án Bệnh viện điều dưỡng phục hồi chức năng 2 tại Đồng Nai được khởi công từ năm 2004, đến năm 2010 vẫn chưa GPMB xong, phải chuyển thành dự án xây dựng phòng khám đa khoa.

Do lĩnh vực BCT quản lý có nhiều dự án đặc thù, đòi hỏi công nghệ cao nên việc đấu thầu có khi phải làm đi làm lại nhiều lần mới chọn được nhà thầu đủ điều kiện. Công tác đấu thầu mua sắm vật tư thiết bị thường kéo dài hơn so với đấu thầu thi công xây lắp. Do giá cả và lãi suất vay ngân hàng tăng cao nên cũng phải đấu thầu nhiều lần, dẫn đến tình trạng khi lựa chọn được nhà thầu thì lại không có vật tư thiết bị và ngược lại.

Năng lực nhà thầu hạn chế

Trong những nguyên nhân dẫn đến xây dựng chậm tiến độ các công trình của BCT còn phải kể đến là do năng lực tư vấn thiết kế và nhà thầu còn hạn chế. Đơn cử như dự án công trình trụ sở Bộ Công Thương  cao 9 tầng, tổng diện tích sàn chưa đến 10 nghìn m2 mà lập gần một năm mới xong hồ sơ thiết kế. Các phát sinh trong quá trình xây dựng cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ công trình. Nguyên nhân là do khi lập dự án, tư vấn và chủ đầu tư đã không tính toán được hết các yếu tố phát sinh nên thường mất nhiều thời gian để xử lý các phát sinh này. Và một yếu tố quan trọng nữa không thể không kể đến, đó là tình trạng khó khăn về vốn. Với các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước mỗi năm chỉ được cấp tối đa 1/3 nhu cầu.

Mặc dù BCT đã có nhiều giải pháp khắc phục, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng chậm tiến độ phổ biến đối với hầu hết các dự án hiện nay.

Hà Vy

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load