Thứ bảy 20/04/2024 07:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Các chuyên gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi

17:56 | 27/09/2013

Ngày 27/9, tại Hà Nội, Liên Hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo về Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Tới dự có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh cùng đông đảo các chuyên gia trong và ngoài ngành Xây dựng.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Luật Xây dựng liên quan đến nguồn vốn rất lớn của xã hội, chiếm khoảng 80% tổng vốn đầu tư xã hội. Từ đó tạo ra tài sản, cơ sở vật chất, hạ tầng của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trong khi đó, Luật Xây dựng 2003 còn bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nước ta giai đoạn hiện nay, hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng còn bất cập, yếu kém.

Xây dựng Luật là yêu cầu cấp thiết

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, trong nền kinh tế nhiều thành phần với các hình thức sở hữu khác nhau, việc thiếu các quy định cụ thể để quản lý sử dụng vốn theo loại nguồn vốn là một kẽ hở trong quản lý, dễ bị lợi dụng gây thất thoát, lãng phí.

Đối với các dự án, công trình được đầu tư xây dựng bằng các nguồn vốn ngoài nhà nước, chủ đầu tư là người sở hữu vốn nên có quyền quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm toàn diện về việc quản lý sử dụng vốn của mình.

Ở các dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước, do chủ đầu tư không phải là chủ sở hữu vốn mà chỉ được ủy quyền để quản lý sử dụng vốn nên thẩm quyền của chủ đầu tư là có giới hạn. Ngoài trách nhiệm quản lý sử dụng vốn nhà nước của chủ đầu tư, việc quy định thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp đối với thẩm định, kiểm soát các dự án, công trình sử dụng vốn nhà nước là cần thiết.

Luật Xây dựng (2003) còn thiếu quy định cụ thể về thẩm quyền và phương thức quản lý dự án phù hợp với các loại nguồn vốn sử dụng khác nhau dẫn đến những tồn tại, bất cập trong xác định chủ trương đầu tư, hiệu quả dự án cũng như quản lý chất lượng, tiến độ, chi phí thực hiện dự án và khai thác, sử dụng công trình. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp hiện nay.

Ngoài ra, Luật Xây dựng (2003) đã có những quy định về thiết kế cơ sở nhưng các quy định này chưa được coi trọng đúng mức khi lập, thẩm định, phê duyệt dự án. Điều này một mặt xuất phát từ nhận thức của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư về vai trò của thiết kế cơ sở, mặt khác do pháp luật xây dựng còn thiếu quy định cụ thể việc tham gia, kiểm soát của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với thiết kế cơ sở.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, đối với dự án đầu tư xây dựng, thiết kế cơ sở là bước thiết kế xây dựng đầu tiên và là nhân tố chính quyết định mức độ khả thi và hiệu quả của dự án. Trong trường hợp thiết kế cơ sở đưa ra các lựa chọn về quy mô đầu tư, giải pháp công nghệ, loại vật liệu sử dụng, quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng không phù hợp hoặc vượt quá yêu cầu trong khai thác, sử dụng công trình sẽ dẫn đến sự tùy tiện, gây lãng phí.

Mặt khác, khi thiết kế cơ sở có chất lượng thấp do khảo sát sơ sài, lựa chọn địa điểm xây dựng không phù hợp… thì trong quá trình thực hiện sẽ phải điều chỉnh, bổ sung gây lãng phí về nguồn lực và thời gian, làm giảm hiệu quả dự án…

Ngoài ra, vai trò của cơ quan chuyên môn về xây dựng chưa được cụ thể hóa trong các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu và bàn giao, bảo hành, bảo trì công trình vào xây dựng; Quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng (2003) chưa được phân định rõ theo loại nguồn vốn sử dụng, cũng như còn thiếu các quy định cụ thể để bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí theo từng công trình, phù hợp với yêu cầu khách quan của thị trường...

Với những lý do nêu trên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Xây dựng (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết có tính khách quan trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng ở nước ta hiện nay.    

Nhiều ý kiến đóng góp xây dựng Luật

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhận định: Thực tế thời gian qua, đầu tư xây dựng diễn ra dàn trải, đầu tư theo phong trào, tư duy thành tích diễn ra phổ biến. Trình tự thủ tục đầu tư bị vi phạm; điều tra, khảo sát, thiết kế còn chưa phù hợp.

Trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng, ông Hùng cho biết: Công tác đền bù GPMB còn nhiều vướng mắc, chậm chễ, khiếu kiện nhiều; phân bổ vốn không kịp thời, nợ xây dựng cơ bản còn nhiều và phổ biến. Việc đấu thầu dự án còn chỉ định tràn lan, lựa chọn nhà thầu không phù hợp dẫn đến giá thành cao, chất lượng kém. Đặc biệt, doanh nghiệp hoạt động xây dựng phát triển mạnh nhưng năng lực, chất lượng yếu kém….Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo ông Hùng là do các quy định của pháp luật còn lỏng lẻo, quản lý nhà nước còn thiếu cơ chế kiểm soát, chế tài không nghiêm, cơ chế xin cho còn phổ biến.

Từ thực tế trên, ông Hùng cho rằng, việc sửa đổi Luật xây dựng đồng thời với đổi mới đồng bộ, toàn diện cơ chế đầu tư xây dựng, đặc biệt là từ nguồn vốn nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư là vấn đề cần thiết và cấp bách.

Về các nội dung trong dự án Luật, liên quan đến quản lý chất lượng công trình, ông Hùng kiến nghị: Đối với dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách cần phải đưa ra các quy định chi tiết quản lý chất lượng qua các giai đoạn. Giai đoạn chuẩn bị đầu tư phải được cơ quan quản lý nhà nước thẩm định (hoặc do một đơn vị tư vấn độc lập thẩm định). Riêng đối với các công trình có nguy cơ cháy nổ cao, ô nhiễm môi trường, khi đổ vỡ gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản cần có quy định bắt buộc về thẩm định thiết kế cơ sở….

Liên quan đến các quy định về hợp đồng và điều chỉnh hợp đồng xây dựng, TS Nguyễn Ngọc Long, PCT Hội KHKT Cầu đường Việt Nam góp ý: Nên rà soát và chỉ đưa vào Luật những quy định áp dụng cho tất cả các loại dự án có nguồn gốc vốn khác nhau. Đối với những dự án đầu tư công hoặc sử dụng vốn nhà nước là chính  sẽ quy định điều chỉnh bằng các nghị định, thông tư như Nghị định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Nghị định về hợp đồng xây dựng hoặc các Thông tư hướng dẫn việc điều chỉnh biến động giá…

Góp ý vào Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), liên quan đến vấn đề Quy hoạch xây dựng (chương II), TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định: Đây là chương rất cần cho hoạt động xây dựng trong Luật Xây dựng (sửa đổi) để giải quyết tồn tại của hệ thống quy hoạch hiện nay. Theo ông Nghiêm: “Xét đến cùng thì quy hoạch xây dựng là quy hoạch cơ bản tạo nên kết cấu hạ tầng, phương án phát triển và tổ chức không gian để phát triển kinh tế xã hội. Hiện chúng ta đã có Luật Quy hoạch đô thị nhưng phạm vi áp dụng chỉ cho đô thị và cũng có một số quy định cần điều chỉnh, còn xây dựng nông thôn mới, quy hoạch xây dựng các khu chức năng ngoài đô thị cần được bổ sung trong Luật xây dựng lần này”. Tuy nhiên ông Nghiêm cho rằng, trong Dự thảo có đề cập đến mục quy hoạch xây dựng vùng, đây là nội dung cần xem xét đến cơ sở khoa học và mối quan hệ với quy hoạch phát triển  của vùng tỉnh, liên huyện để có nghiên cứu, điều chỉnh và đổi mới cách tiếp cận quy hoạch. Vì vậy, nên đổi mới cách tiếp cận, chứ không nhất thiết phải có quy hoạch xây dựng vùng riêng như hiện nay.

Còn TS Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho rằng, vấn đề giá gói thầu cần được bổ sung vào Luật. Theo ông Cận, tình hình giá gói thầu không phản ánh đúng chi phí nhà thầu bỏ ra đã làm thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, do công ăn việc làm nên nhà thầu chấp nhận để rồi tính sau. Trong nhiều trường hợp, dù là trọn gói nhưng Nhà nước vẫn điều chỉnh để tháo gỡ khó khăn. Giá gói thầu khi tổ chức đấu thầu thường rất lạc hậu so với giá hiện tại. Nguyên nhân là do giá gói thầu không tính đến yếu tố trượt giá, có thể 80-90% số các gói thầu phải điều chỉnh giá. Thực tế trượt giá vật liệu, nhân công như vừa qua thì không một nhà thầu nào có thể chịu nổi. Vì thế, ông Cận kiến nghị nên đưa yếu tố trượt giá vào dự toán mà không để trong dự phòng như quy định hiện nay….

Hội thảo cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp xây dựng về các vấn đề khác trong Luật của các chuyên gia.

Thay mặt Ban soạn thảo, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng giải trình và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia tại hội thảo. Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là những ý kiến quý báu, thiết thực, cụ thể. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.

Vân Anh-Thiên Trường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load