Thứ ba 16/04/2024 12:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Các chủ nợ thất vọng về kế hoạch cơ cấu nợ của ‘ông lớn’ BĐS Trung Quốc

08:25 | 25/03/2023

Đại diện một trái chủ ví kế hoạch cơ cấu nợ của China Evergrande giống như “cho ai đó mượn một thùng gạo để rồi nhận lại hai hạt gạo mỗi năm”.

Các chủ nợ và nhà phân tích cho rằng, đề xuất tái cơ cấu khoản nợ nước ngoài của Tập đoàn China Evergrande không thật sự hấp dẫn vì thời gian trả nợ dài. Phương án cơ cấu nợ của tập đoàn này dường như được đưa ra để thăm dò phản ứng của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực bất động sản (BĐS) vốn đang gặp khó khăn.

Với khoản nợ lên đến 300 tỷ USD, China Evergrande được cho là tập đoàn BĐS mắc nợ nhiều nhất thế giới. Kế hoạch cơ cấu các khoản nợ nước ngoài được kỳ vọng sẽ cứu tập đoàn này trước nguy cơ sụp đổ.

China Evergrande hiện có các khoản nợ nước ngoài trị giá 22,7 tỷ USD và không có khả năng thanh toán. Theo kế hoạch, tập đoàn này đưa ra hai phương án cho các chủ nợ lựa chọn.

Cụ thể, các chủ nợ có thể hoán đổi nợ thành các trái phiếu mới có kỳ hạn từ 10 - 12 năm hoặc chuyển đổi thành các lô trái phiếu mới có kỳ hạn từ 5 - 9 năm và cổ phần.

Trái chủ nước ngoài đang nắm giữ các lô trái phiếu của China Evergrande cũng sẽ được hoán đổi khoản nợ hiện tại lấy các khoản nợ mới, sẽ bắt đầu trả lãi từ năm thứ tư sau khi phát hành.

Các chủ nợ thất vọng về kế hoạch cơ cấu nợ của ‘ông lớn’ BĐS Trung Quốc
Kế hoạch cơ cấu khoản nợ 22,7 tỷ USD của China Evergrande không nhận được phản ứng tích cực từ các chủ nợ. (Ảnh: Forbes)

Nếu kế hoạch cơ cấu nợ của China Evergrande thành công sẽ tác động đến hướng xử lý nợ của các nhà phát triển BĐS ở Trung Quốc không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ trong năm ngoái.

Sau khi Tập đoàn China Evergrande công bố kế hoạch cơ cấu nợ, tại đầu phiên giao dịch chiều thứ năm vừa qua, chỉ số chứng khoán của nhà phát triển BĐS ở Trung Quốc đã giảm 0,5%. Trong khi đó, cổ phiếu của China Evergrande vẫn đang bị tạm ngừng giao dịch.

Nói về kế hoạch cơ cấu nợ của China Evergrande, ông Sunny Jiang, Trưởng bộ phận đầu tư tại Haitong International Asset Management Ltd bày tỏ sự "không hài lòng lắm vì các kỳ hạn thanh toán mới quá dài”.

Ông nói thêm: “Nếu kế hoạch này được thực hiện, chúng tôi lo ngại nó có thể trở thành tiền lệ xấu cho các nhà phát triển khác đang cân nhắc các đề xuất tái cấu trúc và việc thu hồi khoản nợ của các nhà đầu tư có thể còn khó khăn hơn”.

Theo Reuters, khi được hỏi về bình luận nói trên, China Evergrande đã không trả lời.

Một số trái chủ đã yêu cầu China Evergrande thêm phương án xử lý nợ bằng các tài sản của tập đoàn này tại Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch cơ cấu nợ của tập đoàn mới công bố đã không có phương án này.

Đại diện một trái chủ giấu tên ví kế hoạch cơ cấu nợ của China Evergrande giống như “cho ai đó mượn một thùng gạo để rồi nhận lại hai hạt gạo mỗi năm”.

Một nhà đầu tư đã mua trái phiếu của doanh nghiệp BĐS Trung Quốc và hiện không còn sở hữu trái phiếu nào của China Evergrande cho biết, nhiều doanh nghiệp dùng chiến thuật làm mất sự kiên nhẫn của chủ nợ rồi sau đó đưa ra kế hoạch cơ cấu nợ gây bất lợi cho họ.

Một chủ nợ khác cho biết, đề xuất này được đưa ra dựa trên giả thuyết rằng China Evergrande và hai công ty liên kết niêm yết tại Hồng Kông có thể tiếp tục giao dịch và duy trì hoạt động kinh doanh trong điều kiện thiếu vốn.

China Evergrande cho biết, họ cần thêm nguồn vốn từ 250 tỷ Nhân dân tệ (36,65 tỷ USD) đến 300 tỷ Nhân dân tệ để có thể tiếp tục hoạt động trong ba năm tới.

Đối với mảng kinh doanh xe điện, China Evergrande cho biết họ có thể phải ngừng sản xuất xe điện nếu không có được nguồn vốn mới.

Nếu China Evergrande không đẩy nhanh kế hoạch tái cấu trúc, tập đoàn này có thể phải đối mặt với vụ kiện khi một nhà đầu tư đã gửi đơn kiện đến toà án Hồng Kông.

Đại diện của Top Shine Global Ltd, đơn vị khởi kiện để thu hồi vốn tại China Evergrande nói với Reuters hôm thứ Năm rằng, công ty vẫn đang xem xét các đề xuất cơ cấu nợ của tập đoàn này trước khi đưa ra quyết định.

Tuy nhiên, China Evergrande cho biết khả năng thu hồi của các chủ nợ nước ngoài trong một đợt thanh lý toàn tập đoàn dự kiến sẽ dưới 1,5 tỷ USD, chiếm tỷ lệ từ 2,1 - 9,3% tùy thuộc vào loại nợ nắm giữ.

Theo Hương Quỳnh (Reuters)/Vietnamnet.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load