(Xây dựng) - Ngày 23/4, tại Hà Tĩnh, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT đã có buổi làm việc với 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế để đánh giá nguyên nhân và bàn biện pháp khắc phục hậu quả của hiện tượng cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung trong thời gian qua.
Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT làm việc về vụ việc cá chết bất thường ở vùng biển miền Trung.
Qua công tác kiểm tra, lấy mẫu, phân tích các mẫu thu từ các vùng biển, ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định hiện tượng cá chết hàng loạt không phải do dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nước mà khả năng cá chết do bị nhiễm độc. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, Bộ NN&PTNN cùng các bộ ngành liên quan vẫn chưa xác định được loại độc tố gây chết cá và nguồn gốc phát sinh độc tố.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết chưa xác định được loại độc và nguồn gốc phát sinh độc tố gây chết cá.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh cho biết: “Ngoài nghi vấn nhà máy, khu công nghiệp dọc bờ biển xả thải gây chết cá hàng loạt thì cũng không loại trừ khả năng tác nhân gây nên sự việc là các tàu nước ngoài”. Ông Hùng tiết lộ: “Vào ngày 8/4, chúng tôi nhận được thông tin có 1 tàu nước ngoài đi vào vùng biển Thừa Thiên Huế để xin nước ngọt. Quan sát trên tàu, thấy rằng đây là dạng tàu thu mua trên tàu chỉ có 3 người, không có ngư cụ… Trước đó, lực lượng bộ đội biên phòng Quảng Bình cũng đã bắt giữ 5 tàu nước ngoài cùng 28 thuyền viên xâm phạm vùng biển nước ta. Từ các sự việc như vậy, không loại trừ khả năng việc cá nhiễm độc chết hàng loạt có yếu tố của tàu nước ngoài”.
Đại diện tỉnh Quảng Bình cho biết, mặc dù chưa thống kê thiệt hại nhưng việc cá chết đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện tại hầu như các chợ việc kinh doanh về thủy hải sản bị ngưng trệ. Một số tàu biển đánh bắt xa bờ sau khi về phải vào Đà Nẵng bán.
Đại diện tỉnh Quảng Trị cho rằng, cần tập trung tháo gỡ khó khăn lúc này. Về sản xuất kinh doanh dịch vụ ven biển, nếu kết quả phân tích không ảnh hưởng thì cần tập trung tuyên truyền để các nhà hàng, ngư dân tiếp tục buôn bán, hoạt động.
Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu hải sản cho biết, qua nhận định ban đầu, nguyên nhân độc chất mạnh gần như là chắc chắn, song chưa biết nơi nào phát tán. “Tôi đề nghị các địa phương tạm dừng khai thác ven bờ. Còn các tàu cá khai thác xa bờ cần phân nhóm ra. Hiện tại, các chỉ số về môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản là không có gì bất thường, trừ một số mẫu ở các hộ nuôi ở Thừa Thiên Huế có một số điểm bất thường đang chờ xét nghiệm” – ông Nghĩa đề nghị.
Về nghi vấn khả năng có độc tố trong nguồn nước, Bộ NN&PTNT đã lấy mẫu và sẽ cùng với các bộ ngành khác tìm nguyên nhân, xác định chính xác độc tố là gì. “Bộ cam kết sẽ làm hết sức”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói. Bên cạnh đó, đại diện Bộ NN&PTNT cũng mong muốn Bộ TN&MT sớm cung cấp các chỉ số quan trắc.
Ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Bộ đang phối hợp với nhiều Bộ ngành kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết. Còn việc trước mắt là tập trung xử lý cá chết và xử lý môi trường, sau đó mới xác định nguyên nhân nguồn độc chất ở đâu ra. Đơn vị nào xả thải gây ô nhiễm sẽ bị xử lý nghiêm. Hiện chưa đủ cơ sở để kết luận nguyên nhân nên chưa cho phép công bố. Việc này không thể vội vàng.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng không thể vội vàng kết luận nguyên nhân vụ việc khi chưa đủ cơ sở.
Về đường ống xả thải khổng lồ được phát hiện dưới biển mà dư luận cho rằng đó là của Khu công nghiệp Formosa, ông Nhân cho hay, đây là đường ống công khai và được cho phép, nước thải đã được xử lý theo tiêu chuẩn mới được xả thải ra biển.
Ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhận định có thể khẳng định cá chết là do độc tố, nhưng để xác định độc tố là gì thì Hà Tĩnh không có đủ điều kiện để giám định, cần sự vào cuộc của các Bộ ngành liên quan. “Chúng tôi rất mong các phương tiện truyền thông đưa tin một cách trung thực và khách quan để người dân vùng ảnh hưởng ổn định cuộc sống” – ông Sơn nhấn mạnh.
Tuyết Mây
Theo