Cá chết hàng loạt dọc ven biển miền Trung từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đến Thừa Thiên Huế… đã gây tâm lý hoang mang, hoảng sợ cho người dân và đặc biệt là những ai đang có ý định du lịch đến những tỉnh ven biển này.
Hang Sơn Đoòng - một trong những 'báu vật' của du lịch Việt Nam và là điểm đến lý tưởng cho du khách khi đến Quảng Bình kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 này. (Nguồn: Ryan Deboodt)
Vậy, lãnh đạo ngành du lịch ở các địa phương bị “cơn bão cá chết” càn quét nói sao về tình hình thực tế biển? Có những điểm đến nào an toàn? Liệu có nhiều tour miền Trung bị hủy hay không và các doanh nghiệp du lịch làm gì để an lòng du khách?
Biển miền Trung: Có điểm đến nào an toàn?
Ông Bùi Đức Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, sau những cao điểm thông tin về cá chết ở Vũng Áng và lan ra một số vùng biển lân cận, ở Hà Tĩnh cũng có vài ba tour du lịch bị hủy, chủ yếu là khách ở các tỉnh phía Bắc, nhưng số lượng không nhiều.
Đến thời điểm hiện tại, theo ông Đức Hạnh, mực, cá tươi sống vẫn rất nhiều; ngư dân biển Hà Tĩnh đã tiêu thụ và đánh bắt bình thường trở lại, đời sống sinh hoạt cũng như kinh doanh của người dân đang dần được khôi phục.
“Cá chết ở Vũng Áng, là nơi không có khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Nhưng đến nay, lượng cá chết ở biển đang giảm dần. Nước biển Hà Tĩnh vẫn trong xanh. Chúng tôi cam đoan rằng biển Hà Tĩnh vẫn yên lành, sẵn sàng đón du khách. Với tư cách Giám đốc Sở Du lịch tỉnh, tôi có thể khẳng định các bãi biển Xuân Thành, Thiên Cầm, Lộc Hà, Kỳ Xuân không có hiện tượng cá chết và hoàn toàn là những điểm đến an toàn cho du khách,” ông Bùi Đức Hạnh nói.
Ngư dân xã Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh đã trở lại với biển và kéo được mẻ sứa lớn. (Ảnh: Công Tường/TTXVN)
Cũng phải oằn lưng gánh hậu quả cá chết không kém Hà Tĩnh, môi trường du lịch tỉnh Quảng Bình đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo báo cáo sơ bộ của các đơn vị kinh doanh du lịch công bố trong cuộc họp chiều nay (27/4) của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, số lượng du khách đặt dịch vụ dịp nghỉ Lễ 30/4-1/5 hủy khoảng 30%; các đoàn khách du lịch dự kiến đến Quảng Bình trong thời gian tới đã chuyển tour đến tỉnh khác hoặc thay đổi thời gian du lịch sang các tháng sau… Một số khách sạn lớn như Sun spa, Mường Thanh, Sài Gòn-Quảng Bình, Đường Sắt, Hữu Nghị… vắng khách hơn các năm trước đây. Bên cạnh đó, các cơ sở kinh doanh du lịch, các bãi biển ở tỉnh Quảng Bình trong những ngày qua rất đìu hiu.
Biện pháp được đưa ra nhằm kích cầu du lịch trước ảnh hưởng của thảm họa cá chết, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chỉ đạo tuyệt đối không sử dụng các loại thực phẩm biển nhiễm độc hoặc không rõ nguồn gốc để phục vụ du khách; không để khách du lịch tắm biển khi chưa xác định, kiểm tra được chất lượng nước. Đối với các cơ sở kinh doanh sai phạm, trong đó, trường hợp để xảy ra ngộ độc thực phẩm, chèo kéo, chặt chém du khách, tỉnh Quảng Bình sẽ cương quyết xử lý, nặng có thể rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn.
Ngoài du lịch biển, ông Nguyễn Hữu Hoài, Chủ tịch tỉnh Quảng Bình gợi ý, có nhiều sự lựa chọn mới, hấp dẫn hơn cho du khách như: Hệ thống hang động tráng lệ, độc nhất vô nhị ở Phong Nha-Kẻ Bàng; các điểm du lịch tâm linh, lịch sử cách mạng như Hang Tám Cô, đường 20 Quyết Thắng; du lịch khám phá, trải nghiệm như Xuyên Sơn Hồ, Sông Chày-Hang Tối, Hang Va-Nước Nứt, Tú Làn, động Sơn Đoòng…
Trong khi đó, một lãnh đạo phòng Du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế) cho biết, tạm thời du lịch địa phương này chưa bị ảnh hưởng nhiều. Vì hiện tại đang là cao điểm của Festival Huế lần thứ 9-2016, nên lượng phòng lưu trú cũng như các dịch vụ du lịch đều vượt khả năng cung ứng.
Du khách trong nước và quốc tế vẫn đang đổ về vùng đất cố đô để tham gia các chương trình nghệ thuật đặc sắc của lễ hội lớn hai năm mới có một lần.
Tuy nhiên vị lãnh đạo này cũng cho hay, ngay sau khi Festival Huế kết thúc, lãnh đạo địa phương sẽ tổ chức họp với các doanh nghiệp nhằm định hướng trong thời gian tới về vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ môi trường biển…
Ẩm thực Huế là đặc sản không thể bỏ qua khi du khách đến với vùng đất cố đô. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Lữ hành ứng phó với “cá chết”
Trước lo ngại an toàn du lịch biển bị đe dọa, có thể gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho du khách, bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị Công ty Du lịch cho hay: “Sự việc cá chết hàng loạt tại miền Trung trong những ngày qua, cũng có một số khách hàng gọi điện đến công ty để hỏi thăm tình hình. Trước những quan tâm, lo lắng của một số khách hàng, Vietravel đã chủ động làm việc với hệ thống đối tác để theo dõi sát diễn biến của tình hình và có những phương án điều chỉnh dịch vụ, thay đổi menu ăn của khách để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho tất cả du khách khi đi tour.”
“Vietravel hiện đang yêu cầu loại bỏ các món ăn liên quan đến hải sản, thay thế bằng các món ăn khác để du khách an tâm tận hưởng chuyến du lịch của mình. Sau động thái đó của Vietravel, du khách cảm thấy rất an tâm và không có trường hợp hủy tour.”
Là đơn vị du lịch uy tín top đầu cả nước, đại diện Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị-Truyền thông cũng khẳng định hiện chưa có khách nào hủy tour đi miền Trung của đơn vị này. Bởi, Saigontourist đã kịp thời thay đổi lại thực đơn cũng như tư vấn cho khách đi những điểm an toàn.
Ngư dân Quảng Bình ra biển những ngày bình yên trước thời điểm cá chết. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Không may mắn như hai “đàn anh” kể trên, Trưởng phòng Truyền thông-Marketing Công ty Vietrantour, ông Lê Công Năng cho hay công ty có khoảng 200 khách hàng đã hủy tour Quảng Bình-Thừa Thiên Huế.
“Biển và đặc sản biển là lý do chính tạo sức hút cho du lịch các tỉnh Bắc miền Trung. Hiện tượng cá chết hàng loạt diễn ra cận thời điểm nghỉ lễ 30/4 khiến hàng ngàn khách đăng ký tour tại Vietrantour lo lắng. Hiện Vietrantour đang đàm phán tích cực với các đối tác khách sạn, nhà hàng, hãng hàng không để chuyển hoặc hủy dịch vụ. Mặc dù thiệt hại vô cùng lớn nhưng Vietrantour cũng đã hoàn tiền cho các đoàn hủy tour đi Quảng Bình, Huế dịp 30/4,” ông Năng chia sẻ.
Với khách hàng vẫn quyết định giữ lịch trình, ông Năng cho biết Vietrantour sẽ bỏ món ăn có xuất sứ từ biển khỏi thực đơn, thay đổi chương trình tour, đưa thêm trải nghiệm cho khách hàng. Công ty cũng tư vấn đổi tour khi khách có yêu cầu hoặc khách đăng ký mới.
Có thể thấy, biện pháp hiệu quả nhất đối với các đơn vị lữ hành là thay đổi thực đơn, loại bỏ các món ăn hải sản nhằm trấn an du khách. Tuy thực tế có tour bị hủy, hoãn ở Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế nhưng vẫn có nhiều du khách đã mua tour ở những đơn vị lữ hành lớn và uy tín tỏ ra khá yên tâm với cách xử lý khủng hoảng của các doanh nghiệp.
Theo Xuân Mai-Hi Trang/Vietnamplus.vn
Theo