Thứ năm 25/04/2024 17:07 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bứt phá trong công nghiệp - xây dựng

06:06 | 09/10/2020

(Xây dựng) - Trong 5 năm qua, kinh tế Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng có bước tăng bứt phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, hiện đại.

but pha trong cong nghiep xay dung
Nhiều khu đô thị, khu dân cư mới được đầu tư xây dựng đã góp phần đổi thay mạnh mẽ bộ mặt đô thị Thái Nguyên.

Từng được coi là "cái nôi" của ngành luyện kim Việt Nam, tập trung nhiều DN luyện kim, cơ khí chế tạo và gần đây lại được Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) lựa chọn xây dựng tổ hợp công nghệ cao quy mô hàng đầu thế giới tại KCN Yên Bình (Thái Nguyên) bước vào giai đoạn 2015 - 2020 với nhiều động lực phát triển mới.

Đặc biệt, Thái Nguyên đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, tạo môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, triển khai các dự án đầu tư trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nhờ vậy, trong 5 năm qua, kinh tế Thái Nguyên đạt tốc độ tăng trưởng cao, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng có bước tăng bứt phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, tăng sự đóng góp của khoa học công nghệ.

Thống kê sơ bộ cho thấy: Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 của Thái Nguyên bình quân đạt 11,1%/năm. Cơ cấu kinh tế đã có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng nhanh, năm 2020 là 59%. Quy mô và năng lực sản xuất các ngành kinh tế đều tăng cao.

Môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Thái Nguyên được cải thiện, cạnh tranh minh bạch, bình đẳng hơn, tạo điều kiện thúc đẩy các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp phát triển.

Đặc biệt, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) phát triển mạnh với trên 90 dự án được cấp mới và bổ sung tăng vốn, sử dụng công nghệ hiện đại, sản xuất sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao.

Trong nhiệm kỳ qua, Thái Nguyên đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thu hút các nguồn lực cho đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Theo đó, tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn đạt khoảng 238 nghìn tỷ đồng, tăng 18% so với giai đoạn 2011 - 2015, vượt mục tiêu đề ra.

Thái Nguyên tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật, nâng cấp hoàn thiện hệ thống giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào 5/6 khu công nghiệp tập trung được phê duyệt với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 60%; hoàn thành xây dựng điện lưới quốc gia cho 35 xóm, bản chưa có điện lưới quốc gia, nâng tỷ lệ dân số được sử dụng điện lưới quốc gia đạt gần 100%; tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch hơn 97% và tỷ lệ người dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 95%...

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải, tỉnh Thái Nguyên với vị trí nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, là một trong những tỉnh trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, có nhiều thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Kinh tế của tỉnh có quy mô tương đối lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các dự án lớn là những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế của tỉnh.

Do vậy, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, cùng với việc tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm quốc phòng, an ninh... Thái Nguyên đặt mục tiêu huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao toàn diện đời sống nhân dân; xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.

Để đạt được các mục tiêu này, Thái Nguyên xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nổi bật là việc tập trung phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực phía Nam của tỉnh, ưu tiên đầu tư GPMB tạo quỹ đất thu hút các nhà đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông và khu công nghiệp gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội.

Thái Nguyên cũng chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao, khuyến khích hình thành những cụm ngành, cụm sản xuất có sự tương quan trong cùng lĩnh vực làm tiền đề, cơ sở kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thái Nguyên đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, phát triển tiềm năng du lịch, nông nghiệp công nghệ cao...

Hoa Linh Lan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load