Thứ bảy 25/01/2025 20:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Bước phát triển của thành phố quê hương Bác Tôn

11:12 | 24/02/2014

(Xây dựng) - Không chỉ là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh An Giang, TP Long Xuyên có vai trò quan trọng vùng ĐBSCL. Đặc biệt, nằm trên trục hành lang kinh tế đô thị quốc gia và quốc tế, đầu mối giao thương hàng hóa trong tỉnh và khu vực. Những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Long Xuyên đã  tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển thành phố quê hương Bác Tôn ngày thêm giàu đẹp…

Có thể thấy giai đoạn 1999 - 2009, thành phố có những bước phát triển vượt bậc. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao; đô thị phát triển rộng hơn, hiện đại hơn, kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật khá hoàn thiện.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội từng bước phát triển, chất lượng đời sống người dân ngày càng nâng cao. Ghi nhận và đánh dấu bước phát triển của thành phố, sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân Long Xuyên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 474/QĐ-TTg công nhận TP Long Xuyên là đô thị loại II trực thuộc tỉnh An Giang với vai trò là “Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và dịch vụ; là tỉnh lỵ của An Giang; là đầu mối giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL và cả nước”.

Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng bình quân của Long Xuyên đạt 14,22%, cao hơn bình quân của tỉnh. Huy động các nguồn lực xã hội triển khai được 13 dự án chợ, siêu thị, trung tâm thương mại với tổng vốn đầu tư 230 tỉ đồng; nhiều khu đô thị mới được hình thành, hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ…

Những kết quả trên là điều kiện quan trọng để đến năm 2015, Long Xuyên xây dựng hoàn chỉnh các tiêu chí đô thị loại II và phấn đấu được công nhận đô thị loại I vào năm 2020.

Cụ thể, năm 2011, GDP bình quân đầu người đạt 55,6 triệu đồng, gấp đôi so với bình quân của tỉnh. Về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng khu vực thương mại – dịch vụ chiếm 71,49%, công nghiệp – xây dựng 25,1%, riêng tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm chỉ còn 3,41%.

Năm 2012, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,32%; GDP bình quân đầu người 62,5 triệu đồng; thu ngân sách đạt 474 tỉ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,71%... 

Đặc biệt, những năm qua thành phố thu hút và hình thành nhiều hoạt động thương mại – dịch vụ chuyên nghiệp trên địa bàn: Siêu thị Metro, Co.opmart, Vinatex Mart, Điện máy Chợ Lớn, Siêu thị Nguyễn Kim…

Lĩnh vực tài chính - tín dụng ngày càng phát triển. Cụm công nghiệp Mỹ Quý là một trong những thành công về mời gọi đầu tư của TP Long Xuyên, thu hút được 4 doanh nghiệp thuê 13,2ha, lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp tại đây.

Tổng vốn đầu tư gần 415 tỉ đồng, công suất chế biến biến 28.000 tấn nguyên liệu/năm. Các nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu ở Cụm công nghiệp Mỹ Quý góp phần giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động.

Chính quyền TP Long Xuyên còn tập trung công tác xây dựng và phát triển mạng lưới chợ để khai thác tối đa tiềm năng về thương mại. Cụ thể, đã đầu tư khu nông sản thực phẩm chợ Long Xuyên và nâng nền chợ Trà Mơn với kinh phí gần 7 tỷ đồng. Song song đó, sắp xếp, bố trí các chợ theo hướng trật tự, vệ sinh, hướng đến các tiêu chí văn minh, hiện đại…

TP Long Xuyên cũng tập trung mọi nguồn lực để đầu tư các công trình, dự án trọng điểm góp phần chỉnh trang đô thị, tạo sự thông thoáng cho việc lưu thông vào các dịp lễ, tết, thu hút khách tham quan, du lịch.

Có thể kể đến: Khu hành chính thành phố, kè hai bên bờ sông Long Xuyên, đường tránh TP Long Xuyên, đường giải thoát giao thông Nam Trà Ôn, đường trục Đông Thạnh, chợ Long Xuyên, Trung tâm Thương mại Mỹ Xuyên; dự án thoát nước và xử lý nước thải, hoa viên nghĩa trang, dự án Khu đô thị Tây Sông Hậu...

Năm 2013, trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng đáng chú ý là thị trường dịch vụ của Long Xuyên vẫn khá sôi động, sức mua tăng cao vào thời điểm lễ, tết… tạo nên sự ổn định, phát triển của kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, hoạt động CN-TTCN cũng khá ổn định, một số ngành nghề hoạt động mạnh, như: May xuất khẩu, sản xuất nhựa, sản xuất giấy tập học sinh, rau quả đông lạnh xuất khẩu, chế biến thực phẩm… đều tăng từ 5-30% so cùng kỳ.

Trong năm, giá trị sản xuất lĩnh vực này đạt 9.500 tỷ đồng, tăng gần 3% so cùng kỳ năm trước. Có 711 lượt cơ sở, doanh nghiệp được vay vốn khuyến công với số tiền 13.000 tỷ đồng để phát triển sản xuất.

Năm 2013, cũng có thêm 220 cơ sở mới được thành lập, với tổng vốn đầu tư trên 3.500 tỷ đồng, thu hút và tạo việc làm mới cho gần 1.000 lao động địa phương. Đây là tín hiệu thể hiện sự đi lên và tăng trưởng về kinh tế của thành phố.

Năm 2014, với mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững, TP Long Xuyên phát đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 11%, thu nhập bình quân đầu người 79,6 triệu đồng, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 0,3 - 0,355%…

Chính quyền thành phố sẽ tập trung công tác xúc tiến thương mại nhằm kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các chợ: cái Sắn, Bình Khánh, Cái sao, Mỹ Xuyên, Vàm Cống, khu trung tâm xã Mỹ Khánh…đảm bảo hoạt động thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.

Thanh Thảo

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load