Thứ sáu 17/01/2025 01:23 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Bước đột phát về hạ tầng

18:13 | 29/08/2012

Sau nhiều thời gian chờ đợi tưởng chừng như khó khả thi, tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đã được khởi công hạng mục chính. Dự án được mong chờ nhất cũng là công trình mang tính đột phá để mở đầu cho những tuyến giao thông lớn tiếp theo, nhằm giải bài toán giao thông đô thị trên địa bàn TP.HCM.


Mô hình nhà ga metro

​Tuyến metro Bến Thành- Suối Tiên được Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư và UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2007. Tiếp đó đến ngày 21/02/2008, TP.HCM đã làm lễ khởi công tuyến metro này, cụ thể, lễ khởi công xây dựng depot (nhà ga,rạm bảo dưỡng kỹ thuật và trung tâm đào tạo) của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã diễn ra tại quận 9. Lúc đó, Sở GTVT khẳng định rằng, đến năm 2014 TP.HCM sẽ có tuyến Metro này và trở thành tuyến tàu điện đầu tiên của TP.HCM.

Thế nhưng, số phận của tuyến Metro khá lận đận do liên tục vướng phải các thủ tục và mặt bằng. Đặc biệt là việc đội đầu tư lên hơn gấp 2 lần, vốn đầu tư dự kiến ban đầu là 1,09 tỷ USD bằng vốn vay ODA và vốn ngân sách. Song, do một số hạng mục của dự án được điều chỉnh, cộng với biến động về tỷ giá ngoại tệ nên tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên 2,07 tỷ USD khiến cho dự án phải đình trệ kéo dài.

Trong cuộc họp ngày 20/7, do Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân chủ trì đã yêu cầu Q.Thủ Đức nhanh chóng thu hồi và bàn giao mặt bằng một số hộ còn lại ngay trong tháng 7; yêu cầu BQLDA đường sắt đô thị kiểm tra lại tất cả các khâu trong hợp đồng trước khi khởi công.

Với những nỗ lực của TP và các bên liên quan, hiện nay mọi thủ tục gần như hoàn tất. BQLDA đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, việc chọn thầu cho gói thầu xây dựng này đã xong; ngày 16/5 BQLDA đường sắt đô thị đã ký kết hợp đồng xây dựng với nhà thầu được chọn là Liên danh Sumitomo-Cicenco 6. Ngày 28/8 khởi công xây dựng 17,1 km đường metro đầu tiên của TP, có điểm đầu tại khu vực chợ Bến Thành và điểm cuối tại khu vực Suối Tiên đồng thời cũng là những kilômét đường metro đầu tiên của cả nước. Và quyết tâm hoàn thành tuyến metro này vào năm 2017-2018.

Theo thiết kế, toàn tuyến metro số 1 có chiều dài 19,7km, trong đó 17,1km đi trên cao (bắt đầu từ khu vực Nhà máy Ba Son đi qua cầu Sài Gòn và điểm kết thúc tại ga Long Bình) và 2,6 km đi ngầm dưới đất. Toàn tuyến metro số 1 có 14 ga trong đó có 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.

Việc xây tuyến metro số 1 được chia thành 3 gói thầu chính với gói 1 xây dựng đoạn ngầm dài 2,6 km, gói 2 xây dựng đoạn đi trên cao dài 17,1 km và gói thầu 3 là gói thầu cung cấp thiết bị cơ điện, đường ray, toa xe. Ngoài gói thầu số 2 đã được khởi công xây dựng ngày 28/8, các gói còn lại dự kiến sẽ khởi công vào năm 2013.

Ưu điểm của các tuyến đường sắt đô thị là vận chuyển hành khách với khối lượng rất lớn.Theo thiết kế, lưu lượng khách chuyên chở của tuyến metro Bến Thành- Suối Tiên khoảng 162 nghìn lượt người mỗi ngày trong giai đoạn đầu, sau đó nâng lên khoảng 635 nghìn lượt (năm 2030) và 800 nghìn lượt (năm 2040). Thời gian đi từ đầu đến cuối tuyến khoảng 29 phút, tương đương vận tốc 39 km/giờ. Dự kiến, tàu sẽ hoạt động khoảng 20 giờ/ngày với thời gian giãn cách giữa các chuyến là 5 - 6 phút.

​Như vậy, tuyến Metro số 1 nếu đi vào hoạt động đúng như dự kiến thì sẽ giảm được áp lực giao thông rất lớn cho TP từ cửa ngõ phía Đông bắc khi mà người dân vào trung tâm TP không còn sử dụng phương tiện cá nhân.

​Dù vậy, với đặc thù quy hoạch các khu làm việc, khu ở, trường học, bệnh viện còn chồng chéo như hiện nay ở TP.HCM, thì một tuyến đường sắt đô thị là chưa thể giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông. Tại các buổi Hội thảo, các chuyên gia đều có chung nhận định này và cho rằng, muốn giảm triệt để bài toàn ùn tắc giao thông thì TP phải có một hệ thống nhiều tuyến Metro liên hoàn kết nối liên thông với nhau.

Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, mục tiêu đến năm 2025 hình thành được hệ thống metro, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân. Do đó các tuyến Metro khác đang được đẩy mạnh xúc tiến kế hoạch đầu tư. Chẳng hạn như tuyến Metro số 2 dài khoảng 20km bắt đầu từ Thủ Thiêm tới Bến xe Tây Ninh cũng đang được Ban quản lý đường sắt đô thị chuẩn bị thực hiện.Tuyến metro 3a Bến Thành đi Tân Kiên vừa được UBND TP.HCM thông qua thiết kế cơ sở vào tháng 5/2012 và BQLDA đường sắt đô thị đang tiến hành lập hồ sơ ranh mốc, trình UBND TP phê duyệt để các quận, huyện nơi tuyến metro đi qua có cơ sở quản lý quy hoạch. Tuyến metro 3b từ Ngã sáu Cộng Hòa đi Hiệp Bình Phước cũng đã được UBND TP phê duyệt khung tiêu chuẩn kỹ thuật.

Ngoài ra, tuyến metro số 4 từ đại lộ Nguyễn Văn Linh đi Thạnh Xuân đã được UBND TP đồng ý chủ trương bổ sung nhiệm vụ, dự toán công tác lập tự án. Tuyến metro số 6 Bà Quẹo đi vòng xoay Phú Lâm đã được Bộ GTVT có ý kiến về thiết kế cơ sở và đơn vị tư vấn đang hoàn thiện báo cáo cuối kỳ; Tuyến metro số 5 từ cầu Sài Gòn đến Bến xe Cần Giuộc mới dài khoảng 17 km đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho sử dụng nguồn vốn trị giá 500 triệu EUR từ khoản vay ODA của Tây Ban Nha để đầu tư.

Với việc tập trung ưu tiên đầu tư cho các tuyến Metro của TP.HCM cho thấy quyết tâm tạo bước đột phá về hạ tầng đô thị, đặc là hạ giao thông nội đô, để tránh được thảm họa ùn tắc giao thông trong những năm tới.

Đăng Giới

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load