Những giá trị mà báo chí mang lại cho đất nước là rất to lớn. Nhưng báo chí đang phải đối mặt với những thách thức toàn cầu: Đó là truyền thông xã hội đang tạo ra quyền lực mới của sự ảnh hưởng.
Tổng doanh thu báo chí in năm 2019 là 3.508 tỷ, giảm 3,9% so với năm 2018, trong đó doanh thu quảng cáo 1.227 tỷ, giảm 5,6% so với năm 2018 - Ảnh minh họa. |
Theo Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc, trong bài tham luận "Quản lý thông tin báo chí trước thềm Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng", được công bố tại hội nghị tổng kết năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 28/12/2019, đây là một trong những thách thức lớn nhất của báo chí Việt Nam trong năm 2019.
Nguồn thu suy giảm mạnh
Nguồn lực báo chí và những giá trị do báo chí đem lại cho xã hội vô cùng lớn nhưng báo chí đang đứng trước một thực tế, đó là nguồn thu suy giảm mạnh – lời mở đầu về bức tranh báo chí năm 2019 theo tham luận của Cục trưởng Lưu Đình Phúc.
Cụ thể, năm qua, số lượng phát hành và quảng cáo của báo in tiếp tục giảm. Tổng doanh thu báo chí in là 3.508 tỷ, giảm 3,9% so với năm 2018, trong đó doanh thu quảng cáo 1.227 tỷ, giảm 5,6% so với năm 2018. Tuy nhiên, năm 2019 tổng doanh thu của báo chí điện tử đạt 1415 tỷ, tăng 13% so với năm 2018, trong đó doanh thu quảng cáo tăng 13,2%.
Điều này là tín hiệu lạc quan khi mà chủ trương hỗ trợ báo chí được đưa ra với những giải pháp thiết thực cho quá trình chuyển đổi số trong báo chí, là những nỗ lực của từng cơ quan báo chí tìm kiếm nguồn thu từ hệ sinh thái số; là nhận thức của doanh nghiệp trong nước khi mà báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp.
Theo Cục trưởng Lưu Đình Phúc, báo chí hiện nay đang phải xoay xở nguồn thu, dẫn đến không ít hiện tượng coi câu view với việc triệt để khai thác, tăng tần suất các thông tin tầm phào, vô bổ, rẻ tiền như một giải pháp kinh tế. Đã có các hoạt động "thúc ép" doanh nghiệp quảng cáo, thậm chí là trở thành chủ trương của không ít tòa soạn khiến môi trường kinh doanh, đầu tư trở nên méo mó, cản trở hoạt động của nhiều doanh nghiệp lành mạnh.
Thực trạng đó đã được chấn chỉnh quyết liệt trong năm qua, với hàng loạt các cuộc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Cục Báo chí đã tiếp nhận qua đường dây nóng 1.766 cuộc điện thoại và 139 thư điện tử. Qua kênh thông tin này, cơ quan quản lý chủ động nhắc nhở, xử lý nghiêm minh nhiều trường hợp vi phạm
"Hiệu suất lao động của báo chí tuy không cao nhưng những giá trị do báo chí mang lại vô cùng to lớn. Báo chí tuyên truyền tạo niềm tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng; sự năng động, sáng tạo, quyết liệt của Chính phủ; là hình ảnh Việt Nam tăng trưởng trên các lĩnh vực. Tất cả đang cùng hướng tới tương lai rộng mở.
Giá trị vật chất mà báo chí mang lại thậm chí là nhiều tỷ đô, và hơn thế, đó là niềm tin vào thể chế quốc gia đang trên đà cường thịnh", ông Lưu Đình Phúc nhìn nhận.
Dẫn số liệu của Trung tâm lưu chiểu truyền thông số quốc gia thuộc Cục Báo chí, ông Phúc cho biết, tính đến ngày 30/11/2019, trong tổng số 15.832.700 tin, bài trên báo chí điện tử thì 24,80% là thông tin tích cực, 9,87% là thông tin tiêu cực, thông tin trung lập chiếm tỉ lệ 65,33%. So với năm 2018, thông tin tiêu cực giảm 6,2%, thông tin tích cực tăng 8,5%.
"Xu hướng "báo chí tử tế" tăng hơn so với trước đây đã lan truyền đi những năng lượng tích cực trong xã hội", theo vị Cục trưởng Cục Báo chí.
9 nhiệm vụ
Để "phát huy những giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, tạo niềm tin xã hội", trong năm 2020, theo Cục trưởng Lưu Đình Phúc, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau.
Một là, hoàn thành quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc giai đoạn 1 (gồm báo chí thuộc các Bộ, ngành, địa phương). Phát huy cách làm có hiệu quả như đã thực hiện với 24 cơ quan chủ quản thuộc hội trung ương; tập trung tháo gỡ những vướng mắc; làm việc với cơ quan chủ quản, tổng biên tập, cấp ủy để đả thông tư tưởng.
Hai là, cùng với sự quan tâm của nhà nước cần tận dụng các nguồn lực trong xã hội để chung tay xây dựng niềm tin xã hội. "Quỹ phát triển báo chí" dự kiến ra đời trong năm 2020, trên cơ sở hoàn toàn xã hội hóa để hỗ trợ báo chí trong giai đoạn sau quy hoạch, tập trung hỗ trợ chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới; để bồi dưỡng, tập huấn cho phóng viên, biên tập viên; tuyên truyền xây dựng hình ảnh quốc gia.
"Dự án hỗ trợ phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2014" đã được công ty Vinamil hỗ trợ 25 tỷ đồng. Sẽ có nhiều doanh nghiệp như thế sẵn lòng gây quỹ khi hiểu về tầm nhìn xây dựng niềm tin xã hội mà báo chí mang lại", Cục trưởng Lưu Đình Phúc cho hay.
Ba là, đầu tư cho các cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực để giữ vai trò chi phối, giữ nhịp, định hướng thông tin; làm tốt công tác đấu tranh phản bác tin giả, tin xấu, độc hại.
Bốn là, Hoàn thiện hành lang pháp lý để báo chí phát triển, đồng thời bổ sung quy định quản lý chặt chẽ; đề xuất sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Báo chí 2016; sửa Thông tư 48 về cấp phép hoạt động báo chí để khắc phục tình trạng "báo hóa tạp chí"
Năm là, định hướng báo chí lan tỏa nội dung tích cực. Công tác chỉ đạo, quản lý thông tin cần được tăng cường trên cơ sở vận hành tốt Trung tâm lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia để đo lường, đánh giá chuyên sâu xu hướng thông tin, nội dung báo chí, nhất là trong thời gian diễn ra đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Sáu là, Bộ sẽ kết nối đường dây nóng các bộ, ngành, địa phương để quản lý chặt chẽ hoạt động của phóng viên, kịp thời xử lý thông tin xấu độc, cung cấp thông tin cho báo chí, xử lý khủng hoảng truyền thông.
Bảy là, chỉ đạo báo chí mở các chuyên trang, chuyên mục đấu tranh phản bác thông tin xấu độc; công bố thông tin giả trên báo chí.
Tám là, hoàn thiện cơ sở dữ liệu phóng viên, nhà báo, cộng tác viên, từ đó kết nối địa phương để biết, đánh giá, xử lý.
Và chín là tập huấn cho đội ngũ làm công tác truyền thông chuyên trách các bộ, ngành, địa phương; tập huấn cho báo chí tuyên truyền về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Theo Thuỷ Diệu/VnEconomy.vn