(Xây dựng) - Các dự án được đầu tư theo hình thức BOT trong những năm vừa qua đã làm thay đổi bộ mặt của hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ. Nhưng hiệu quả kinh tế hay không thì cần có đánh giá qua kết quả doanh thu và khả năng hoàn vốn của dự án có đáp ứng kỳ vọng của phương án tài chính trong quá trình khai thác . Điều này cơ quan quản lý cần có sự theo dõi và đánh giá với các dự án đã đưa vào sử dụng và thu phí.
Ông Nguyễn Văn Phụng |
Trở lại chuyên đề kinh tế giao thông BOT mà dư luận cả nước đang quan tâm, phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Thạc sỹ XDCT GT Hàm Vụ trưởng - Phó Chánh thanh tra Bộ Xây dựng
PV: Ông có nhận xét gì về hiệu quả kinh tế trong việc triển khai các Hợp đồng BOT trên quốc lộ hiện nay?
Đúng là các dự án được đầu tư theo hình thức BOT trong những năm vừa qua đã làm thay đổi bộ mặt của hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, nhất là những tuyến đường cao tốc đã đưa vào sử dụng như Hà Nội - Lao Cai, HN -Hải Phòng, HCM - Long Thành ...
Về các dự án BOT có hiệu quả kinh tế hay không thì cần có đánh giá qua kết quả doanh thu và khả năng hoàn vốn của dự án có đáp ứng kỳ vọng của phương án tài chính trong quá trình khai thác hay không, điều này cơ quan quản lý cần có sự theo dõi và đánh giá với các dự án đã đưa vào sử dụng và thu phí.
Thực chất các dự án thực hiện theo hình thức BOT thật sự rất khó khả thi về khả năng hoàn vốn hoặc thời gian hoàn vốn rất dài khó đáp ứng được của các nhà đầu tư tài chính, chính vì vậy các dự án BOT các đường cao tốc làm mới là các doanh nghiệp nhà nước được đầu tư bằng các nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính có nhà nước bảo lãnh, chính vì vậy các doanh nghiệp trong nước còn lại quan tâm và thực hiện dự án theo hình thức BOT thường dựa vào các dự án đang khai thác được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước hoặc dự án làm mới đầu tư không lớn nhưng lại được đặt trạm thu phí trên cả những cung đường dài đã được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, nhưng thực hiện mức thu phí như những đường làm mới.
Cùng với việc chưa cân đối mức thu phí tương ứng với mức đầu tư xây dựng và thời gian hoàn vốn hợp lý làm gia tăng áp lực đè nặng lên nền kinh tế xã hội hiện tại. Đó chính là lý do có nhiều ý kiến phản đối về một số các dự án BOT. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước.
Dân bức xúc trước các trạm thu phí BOT
PV: Theo ông, đâu là những "lỗ hổng" làm méo mó các Hợp đồng BOT đang thực hiện?
Các dự án thực hiện theo hình thức BOT chưa thực sự là BOT, bởi dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT Theo quy định của pháp luật thì nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư ra để xây dựng công trình và được quyền thu phí trong thời gian nhất định để hoàn vốn đầu tư và lãi. Như vậy sau khi ký HĐ BOT pháp luật quy định nhà đầu tư là chủ đầu tư được chủ động thực hiện việc đầu tư xây dựng và thu phí trong thời gian vòng đời của dự án BOT với mức thu được ấn định đã thống nhất trong phương án tài chính. Nếu mức thu được phép thay đổi tăng so với phương án tài chính đã ký kết thì thời gian thu phí hoàn vốn sẽ giảm tương ứng. Như vậy không có việc thay đổi tổng mức đầu tư trong quá trình thực hiện và cũng không có việc cơ quan quản lý phải đưa ra yêu cầu đặt máy theo dõi xem trong công tác thu phí.
Nhà đầu tư dự án BOT khi thực hiện đã phải tự lường trước sự tăng trưởng lưu lượng xe chạy để tính toán phương án tài chính và thời gian thu phí hoàn vốn nhất định đồng thời chấp nhận rủi do trong đầu tư.
Hợp đồng các dự án BOT ký kết giữa Cơ qua có thẩm quyền và các nhà đầu tư hiện nay có các điều khoản cho phép giá trị đầu tư xây dựng công trình ( đầu vào) cũng như doanh thu thu phí sử dụng đường bộ ( đầu ra) thay đổi và sẽ được điều chỉnh trong vòng đời của dự án. Điều này đã làm méo mó biến dạng không còn là dự án thực hiện theo hình thức BOT nữa. Cũng như các điều khoản đó không khả thi vì theo quy định của pháp luật toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng cũng như thu phí đã giao cho nhà đầu tư thực hiện. Cơ quan quản lý nhà nước chỉ dựa vào báo cáo của nhà đầu tư để điều chỉnh sẽ không đủ độ tin cậy và cơ sở pháp luật để điều chỉnh đầu vào và đầu ra cũng như thồ gian hoàn vốn của dự án.
PV: Chính phủ, Bộ GTVT và địa phương cần có ngay những giải pháp gì để lành mạnh hóa các Hợp đồng BOT góp phần phát triển kinh tế đất nước?
Để thực hiện được dự án theo hình thức Hợp đồng BOT đúng nghĩa thì đầu vào và đầu ra của dự án phải được hai bên thống nhất ngay từ đầu, nhà đầu tư phải tự lường hết những vấn đề khi thực hiện của dự án kể cả rủi ro, sau khi ký hợp đồng BOT, nhà đầu tư chỉ còn việc tập trung vào thực hiện sao cho hiệu quả còn cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, kết thúc vòng đời của dự án nhà đầu tư bàn giao trả lại công trình cho cơ quan có thẩm quyền theo các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng.
Khi các dự án không đủ điều kiện để thực hiện theo hình thức BOT (đầu vào hoặc đầu ra chưa xác định sẽ thay đổi) thì có thể thực hiện theo các hình thức khác như BT hoặc BTO cùng với hình thức quản lý phù hợp mà pháp luật đã quy định.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hải Đăng (thực hiện)
Theo