Hồi nhỏ, tôi thường đứng nhìn một cách khát khao thằng nhỏ nhà hàng xóm cưỡi con ngựa gỗ.
Chợt nhớ, hồi bấy giờ, nhà nào kha khá cũng đều mua cho con nhỏ một con ngựa gỗ để nó vui chơi giải trí. Sau đó, khi “kỷ nguyên đồ nhựa” lên ngôi, những con ngựa nhựa “mập bề ngang” với nhiều kiểu dáng, màu mè sặc sỡ đã mê hoặc lũ trẻ thành thị. Cứ tưởng những con ngựa gỗ đã đi vào quá khứ. Nào ngờ, tới bây giờ, ngựa gỗ vẫn còn… phi trên đường xa “vạn dặm”.
Ngựa gỗ ngày nay chỉ còn là hoài niệm trong ký ức tuổi thơ. (Ảnh: Đức Khánh)
Để có ngựa gỗ, người ta mua gỗ xoài xẻ, phơi, cưa, lộng theo đúng kích cỡ, chà nhám, bào láng, ráp rồi sơn phết nhiều màu rực rỡ, “xanh xanh, đỏ đỏ cho em nhỏ nó mê”. Ngựa làm ra, nhẩn nha đạp xe chở trên các con đường nông thôn rao bán. Bây giờ chỉ có dân quê mới mua ngựa gỗ, vì con nít thành thị chỉ ưa chơi games. Dân quê, nhất là bà con dân tộc Khmer vùng biên giới thích mua ngựa gỗ vì rẻ hơn ngựa nhựa dù không bền bằng.
Nhìn những con ngựa gỗ trên chiếc xe ba bánh được người đàn ông gầy gò chở đi bán dạo, lòng tôi bồi hồi nhớ lại thời thơ dại của mình bên nhánh nhỏ dòng sông Hậu hiền hòa. Nhớ nhất là khi gia đình tôi còn nghèo khó, tiền bạc kiếm được chẳng có bao nhiêu nên con ngựa gỗ với tôi là nỗi thèm muốn vô bờ. Có lần, không kềm chế được khát khao ấy, tôi vừa khóc vừa đòi má mua cho con ngựa gỗ. Má tôi rưng rưng nước mắt, cầm tay tôi nhỏ nhẹ rằng sẽ có trong nay mai. Nhưng cái nay mai ấy chỉ là lời hứa hão huyền với tôi, vì ba má tôi chẳng bao giờ có đủ tiền mua con ngựa gỗ cho tôi, kiếm tiền sống qua ngày với ông bà là việc làm quá sức. Và tôi chỉ thỏa mãn khát khao của mình bằng cách cưỡi ngựa gỗ “ké” của các bạn hàng xóm mà thôi!
Mới đây, giữa chốn đô thị phồn hoa, ồn ào, náo nhiệt tôi lại vô tình bắt gặp hình ảnh người đàn ông còng lưng oằn kéo xe ngựa gỗ mà lòng bùi ngùi nhớ về chốn xưa.
Theo Cát Lộc/Dân Việt
Theo