Ngày 29/8, Bộ Xây dựng và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp hành động triển khai thực hiện chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030.
Dự lễ ký kết có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch TLĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng và đại diện lãnh đạo Bộ Xây dựng, các ban của TLĐLĐVN, CĐXDVN…
Hiện cả nước có khoảng 1,6 triệu lao động đang làm việc tại các KCN, trong đó trên 70% lao động là người ngoại tỉnh có nhu cầu thuê nhà ở, tuy nhiên chỉ có chưa đầy 10% số lao động này được ở trong các khu nhà ở được xây dựng từ nguồn vốn NSNN hoặc từ DN. Còn lại trên 90% số lao động thuê nhà trọ của các hộ dân tự xây dựng trong các khu dân cư lân cận KCN.Lễ ký kết này nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia với những nội dung cụ thể. Trong đó nêu rõ để thực hiện hiệu quả chương trình này cần có sự phối hợp với một số cơ quan bộ ngành, đồng thời chọn một số địa phương nơi có nhiều công nhân lao động sinh sống để triển khai. Chương trình ký kết này nằm trong việc thực hiện NQ 20 của Chính phủ, sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn về chính sách nhà ở cho công nhân luôn là bức xúc đối với CNLĐ. Mỗi năm có chương trình cụ thể và kiểm điểm tiến trình triển khai.
Vấn đề là cần có cơ chế chính sách cho nhân dân nơi có nhiều KCN, KCX được vay tiền để xây dựng những khu nhà ở bảo đảm theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng.
Tổ chức CĐ sẽ vận động doanh nghiệp có chính sách xây dựng nhà ở cho công nhân.
Cần xây dựng thiết chế, khu vui chơi, khu sinh hoạt cho người công nhân để hạn chế tệ nạn xã hội. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, hiện cả nước có trên 260 KCN thu hút gần 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 53,6 tỉ USD và gần 4.400 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 400.000 tỉ đồng. Với số lượng chỉ chiếm 21% tổng số lao động và 11% dân số cả nước nhưng giai cấp CN Việt Nam đã đóng góp hơn 60% tổng sản phẩm xã hội và 70% ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đời sống người CN hiện vẫn hết sức khó khăn, trong đó có một thực tế là hàng vạn công nhân ở các KCN, KCX phải thuê nhà ở trong điều kiện tạm bợ, thiếu thốn và không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu..
Đầu tư nhà ở cho công nhân là chủ trương lớn của Chính phủ từ nhiều năm nay, trong đó Quyết định 66/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được đánh giá là một trong những chính sách quyết liệt nhất cho phát triển nhà ở CN với nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích như hỗ trợ tiền sử dụng đất, thuế, vay vốn ưu đãi, hỗ trợ hạ tầng ngoài hàng rào... Nhờ vậy, sau 2 năm triển khai, cả nước đã có 27 dự án nhà ở cho CN được khởi công với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng, tổng diện tích sàn 867.000m2, giải quyết chỗ ở gần 140.000 CN.
Thay mặt cơ quan quản lý nhà nước ngành Xây dựng, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cảm ơn TLĐLĐVN đã quan tâm để phối hợp hành động thực hiện chiến lược nhà ở Quốc gia. Khối lượng nhà ở trong thời gian vừa qua đã được nâng lên, ngày càng đáp ứng theo tiêu chí thị trường tuy nhiên vấn đề phân phối sở hữu nhà ở đang còn nhiều vấn đề quan tâm.
Theo Bộ trưởng, còn nhiều khu nhà ở không bảo đảm, do đó ảnh hưởng tới chất lượng sống đặc biệt là công nhân tại các KCN, nhà máy… Hiện chủ yếu đang sinh sống trong các khu nhà ở cho thuê của tư nhân.
Chương trình 167 của Chính phủ đã thực hiện rất tốt tuy nhiên bên cạnh đó mảng nhà ở cho công nhân tại các đô thị vẫn còn trống đang được quan tâm. TLĐLĐVN có quan điểm rất thống nhất với Bộ XD, chiến lược được ban hành lần này sẽ tạo được niềm tin tưởng vào chính sách của Nhà nước. Phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 10 triệu m2 nhà ở, tương đương 350.000 căn hộ dành cho công nhân lao động tại các khu CN.
Chiến lược nhà ở có điểm mới khẳng định một cách chắc chắn và quyết tâm phải có nhà ở cho người dân, phân rõ hai loai thị trường nhà ở: hàng hóa và phi hàng hóa( cần có sự hỗ trợ).
Đặc biệt nhà ở cho CN, dự báo 2015 sẽ có 6 triệu người cần chỗ ở tại các khu CN, 2020 là 7 triệu. Hiện nay chủ yếu đang ở nhà do người dân cho thuê, Bộ trưởng đánh giá cao người dân đã chuyển đổi đất phục vụ mục đích cho CN thuê, đã góp phần không nhỏ phục vụ cho xã hội. Để chương trình được thực hiện đúng mục tiêu đã đề ra, cần hoàn thiện cơ chế chính sách để huy động nguồn lực xây dựng nhà ở cho công nhân, doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo. Bởi lợi nhuận ít nên ít có doanh nghiệp tham gia. Nhà nước phải có chính sách để hỗ trợ: lãi xuất, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về thuế, hạ tầng
Nhà nước sẽ quản lý về quy hoạch, chất lượng sống, khống chế khung giá cho thuê. Bên cạnh đó can thiệp để người dân nâng cấp nhà hiện có, có thêm dịch vụ bảo đảm. Đây là một chương trình lớn nhưng để thực hiện cần có sự chung tay của các địa phương, các cơ quan vào cuộc.
Theo ông Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch TLĐLĐVN thay mặt công nhân lao động trong cả nước cảm ơn Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành chiến lược phát triển nhà ở, mong muốn chương trình được triển khai nhanh. Hai bên sẽ cụ thể hóa để chương trình đi vào thực chất, triển khai hiệu quả, đảm bảo tốt an sinh xã hội.
Trao đổi với báo giới sau lễ ký chương trình phối hợp hành động triển khai thực hiện chiến lược nhà ở, trong đó trọng tâm là nhà ở cho CN giữa Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Xây dựng. Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc xây dựng nhà ở cho CNLĐ các KCN chưa đáp ứng được nhu cầu và mục tiêu đề ra là do các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển lĩnh vực này chưa đủ mạnh, việc cho vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc bù lãi suất gần như không đáng kể; các địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề nhà ở cho CNLĐ, các DN thì thiếu mặn mà...
“Vướng vì nhiều cơ chế chính sách cần phải tháo gỡ, mình Tổng LĐLĐVN thì không làm được mà cần sự phối hợp của Bộ Tài chính, Nông nghiệp phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên -MT về đất, chính sách thuế, vốn, tín dụng...
Ngoài ra, 90% CN thuê nhà của tư nhân nhưng hiện chưa có chính sách khuyến khích nào hỗ trợ về vốn để người dân vay vốn ưu đãi cho cải tạo nhà ở theo tiêu chuẩn cho thuê; cũng chưa có quy định bắt buộc các DN sử dụng lao động tham gia xây dựng nhà ở cho CN... Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng đó chỉ là một phần thôi. Với thu nhập của hiện tại thì CN không thể đủ tiền mua nhà dù giá thấp mà đòi hỏi chúng ta phải từng bước thực hiện chủ trương của Chính phủ theo Luật Lao động vừa được Quốc hội thông qua là cần tăng tiền lương tối thiểu lên, đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ. Cùng với đó là xã hội hóa nhà ở cho CN, hạ giá thành nhà xuống, đặc biệt là các DN sử dụng lao động trong KCX, KCN phải có trách nhiệm lo nhà ở cho CN... Có vậy mới tạo ra được sự thay đổi thiết thực trong đời sống CNLĐ các KCN hiện nay” |
Lê Mỹ
Theo baoxaydung.com.vn