(Xây dựng) – Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi về một số nội dung liên quan đến Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa tang.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trước đó, Bộ Xây dựng đã nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 471/BDN ngày 15/11/2018, nội dung kiến nghị như sau:
“Về chính sách khuyến khích và hỗ trợ thực hiện hình thức hỏa táng: Hiện nay, quy mô dân số ngày càng lớn, tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông lâm nghiệp cho sản xuất công nghiệp rất lớn và các vấn đề yêu cầu về đảm bảo môi trường đang đặt ra.
Cử tri đề nghị liên Bộ: Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng (theo Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ).
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng rộng rãi hình thức hỏa táng; thực hiện quy hoạch hỏa táng, nghĩa trang; chính sách ưu đãi về đất đai; thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng; ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn và đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ nguồn nhân lực… để thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2020: “Đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng trung bình đạt: 30%; Đối với các thành phố, thị xã còn lại, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng trung bình đạt: 15%. Đối với các khu vực nông thôn, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng trung bình đạt: 5%” như Đề án đặt ra và tạo điều kiện thực hiện tốt trong thời gian tới”.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng trả lời như sau: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2282/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 phê duyệt Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng.
Mục tiêu của Đề án là từng bước đưa việc sử dụng hình thức hỏa táng trở thành hình thức táng phổ biến của người dân Việt Nam tại các địa phương trên toàn quốc theo hướng văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất đai và bảo vệ môi trường.
Để thực hiện mục tiêu này, Đề án đã đặt ra 05 nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; đồng thời phân công nhiệm vụ thực hiện cho các Bộ, ngành, địa phương rất cụ thể.
Sau 05 năm triển khai thực hiện Đề án, một số kết quả đã đạt được và những khó khăn, tồn tại như sau: Những kết quả đạt được về công tác hoàn thiện thể chế liên quan đến hỏa táng, ở cấp Trung ương, các quy định pháp luật và cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực hỏa táng được ban hành từ năm 2013 đến nay bao gồm:
Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 23/6/2014; trong đó quy định về Bảo vệ môi trường trong mai táng, hỏa táng (Điều 84), Nhà nước khuyến khích việc hỏa táng, chôn cất trong khu nghĩa trang theo quy hoạch, xóa bỏ hủ tục gây ô nhiễm môi trường.
Bộ Xây dựng đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng (thay thế Nghị định số 35/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang); bổ sung các quy định cụ thể về quản lý, sử dụng cơ sở hỏa táng. Đồng thời tổ chức nghiên cứu, ban hành Quy chuẩn QCVN 07-10:2016/BXD - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình nghĩa trang, trong đó có quy định yêu cầu kỹ thuật trong đầu tư xây dựng và quản lý vận hành cơ sở hỏa táng.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình và được Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; trong đó, xác định dịch vụ hỏa táng, điện táng thuộc Danh mục hoạt động bảo vệ môi trường được ưu đãi, hỗ trợ.
Ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện có khoảng 20 địa phương đã phê duyệt quy hoạch nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; 25 địa phương quy định về phân cấp quản lý; 07 địa phương ban hành cơ chế hỗ trợ, trong đó các chính sách hỗ trợ được quy định với từng mức khác nhau, ví dụ như: UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 03/2017QĐ-UBND ngày 10/02/2017 về quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích sử dụng hỏa táng trên địa bàn TP Hà Nội, cụ thể: Hỏa táng đối với người lớn là 3.000.000 đồng/trường hợp, đối với trẻ em dưới 6 tuổi là 1.500.000 đồng/trường hợp; đối với chi phí vận chuyển khu vực nội thành là 500.000 đồng/trường hợp, ngoại thành là 1.000.000 đồng/trường hợp; UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Quyết định số 29/2015/QĐ-UBND ngày 18/8/2015 về việc quy định hỗ trợ thực hiện hỏa táng, điện táng người chết trên địa bàn tỉnh với mức hỗ trợ 10.000.000 đồng/trường hợp thực hiện hỏa táng, điện táng...
Về nhu cầu sử dụng hình thức hỏa táng: Trong thời gian qua, nhu cầu sử dụng hình thức hỏa táng ngày một tăng, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng trên tổng số người chết khoảng 65%, TP Hồ Chí Minh khoảng 70%, Hải Phòng khoảng 29% (đạt và vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020 tại Quyết định số 2282 là 30% đối với các thành phố trực thuộc Trung ương). Tuy nhiên, tỷ lệ này tại Cần Thơ và Đà Nẵng vẫn còn thấp. Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng chưa cao nhưng qua công tác tuyên truyền phổ biến, nhân dân đã có sự tiếp cận sử dụng hình thức hỏa táng; nhận thức và thói quen tập quán về hình thức táng đang dần được thay đổi.
Về đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng: Nhiều địa phương đã triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng. Cả nước hiện có trên 200 cơ sở hỏa táng với khoảng hơn 230 lò hỏa táng, trong đó khoảng hơn 60% các lò đảm bảo vệ sinh. Các công nghệ hỏa táng đang áp dụng chủ yếu là sử dụng năng lượng điện; nhiên liệu gas, dầu diezen hoặc nhiên liệu củi đốt. Một số lò hỏa táng sử dụng điện hoặc nhiên liệu gas, dầu diezen đang hoạt động ổn định, hiệu quả và đảm bảo môi trường tập trung ở các địa phương như Hà Nội (12 lò), TP Hồ Chí Minh (08 lò), Bình Dương (04 lò), Hải Phòng (02 lò), Quảng Ninh (03 lò), Đà Nẵng (02 lò)… Vùng Nam Bộ, nơi đồng bào Khmer sinh sống có nhiều lò hỏa táng thô sơ sử dụng củi đốt được đặt tại các chùa với số lượng từ vài lò đến vài chục lò (Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng...); các lò này không đảm bảo được tiêu chuẩn về môi trường, đặc biệt là tiêu chuẩn môi trường không khí.
Hiện nay, một số địa phương đang tiến hành các hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng áp dụng công nghệ hỏa táng tiên tiến, thân thiện với môi trường như Thái Nguyên, An Giang, Vĩnh Phúc… Các tỉnh thuộc vùng Nam Bộ cũng đang tìm kiếm nguồn vốn để dần thay thế các lò hỏa táng sử dụng củi đốt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phổ biến và thúc đẩy sử dụng hình thức hỏa táng vẫn còn gặp phải một số khó khăn, tồn tại sau đây: Việc xác định vị trí của các cơ sở hỏa táng trong quá trình lập quy hoạch nghĩa trang và cơ sở hỏa táng hoặc triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng thường gặp nhiều khó khăn để có được sự đồng thuận của cộng đồng dân cư ở địa phương do tâm lý e ngại và những lo lắng về yếu tố môi trường của người dân.
Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng và hỗ trợ các gia đình có người quá cố sử dụng hình thức hỏa táng ở nhiều địa phương còn chưa cụ thể.
Ở nhiều nơi, phong tục tập quán hung táng cho người quá cố đã áp dụng từ lâu đời với những ý niệm in sâu trong nhận thức, trong khi diện tích đất táng còn nhiều nên việc tuyên truyền, phổ biến thay đổi hình thức táng sang hỏa táng gặp nhiều khó khăn.
Hình thức và nội dung tuyên truyền chưa thực sự đa dạng, phong phú, chưa phân tích được sâu sắc những ưu điểm của hình thức hỏa táng hiện nay so với các hình thức táng truyền thống trước đây.
Thời gian tới, để thúc đẩy việc sử dụng hình thức hỏa táng, Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau đây:
Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hỏa táng phù hợp với yêu cầu quản lý và các công nghệ hỏa táng tiên tiến; cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ trong đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng.
Đẩy nhanh việc ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý và chính sách hỗ trợ khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng trên địa bàn ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
UBND cấp tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng theo phân công, phân cấp của UBND cấp tỉnh thực hiện công tác cắm mốc theo quy hoạch và giải phóng mặt bằng đối với các vị trí được lựa chọn xây dựng cơ sở hỏa táng trước khi thúc đẩy triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng. Đồng thời, công khai thông tin của dự án và tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong nhân dân và có cơ chế ưu tiên, hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cho địa bàn có khu vực triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, Đảng viên và nhân dân sử dụng hình thức hỏa táng với hình thức đa dạng và nội dung phù hợp; đưa “Tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng” là một trong những tiêu chí để đánh giá việc thực hiện xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa của mỗi địa phương.
Ưu tiên lựa chọn áp dụng công nghệ hỏa táng hiện đại, thân thiện với môi trường trong triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát và công khai các chỉ tiêu giám sát môi trường theo quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường đối với các cơ sở hỏa táng; có biện pháp xử lý kịp thời đối với cơ sở hỏa táng không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Khánh An
Theo