Thứ bảy 25/01/2025 20:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Bộ Xây dựng thận trọng trong việc cấp phép xuất khẩu cát nhiễm mặn

21:40 | 30/07/2013

Ngày 30/7, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các Bộ liên ngành có buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Phát triển Nhà ở Singapore về việc xuất khẩu cát nhiễm mặn và đánh giá tác động môi trường đối với việc khai thác, nạo vét nguồn vật liệu của dự án này.

Đây là cuộc họp triển khai thỏa thuận của Thủ tướng Chính phủ hai nước đã được ký kết giữa hai quốc gia trước đây. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam giới thiệu khái quát điều kiện tự nhiên về các con sông của Việt Nam, tình hình bồi lắng cát, khai thác, nạo vét tại các cửa sông trong thời gian qua và thách thức trong việc giải quyết tác động của các hoạt động này đến môi trường. Theo thứ trưởng, nước ta có bờ biển dài hơn 3.000km và hơn 200 con sông lớn nhỏ chảy theo hướng Tây Bắc ra biển Đông. Lượng cát bồi lắng hàng năm lên đến hàng chục triệu m3 gây ra các vấn đề về thoát lũ, lưu thông tàu bè, nhiễm mặn vùng đất nông nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân trong khu vực. Tuy nhiên, nguồn tài chính để thực hiện nạo vét khai thác ở Việt Nam bị hạn chế. Các nhà thầu, doanh nghiệp phải trang trải chi phí nạo vét bằng tiền bán cát và xuất khẩu. Nhu cầu tiêu thụ cát nhiễm mặn trong nước là không lớn trong khi nước bạn Singapore lại có nhu cầu nhập khẩu cát nhiễm mặn phục vụ cho công tác lấn biển và tăng diện tích. Lợi ích của việc nạo vét khai thác và xuất khẩu cát trùng với lợi ích của cả hai nước Việt - Singapore.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất các nội dung chính liên quan đến vấn đề Singapore hợp tác, giúp đỡ Việt Nam trong việc đánh giá tổng thể quá trình lập dự án, khảo sát thiết kế lập quy hoạch, phương án thi công nạo vét, khai thác cát xuất khẩu... Yêu cầu đặt ra đối với các giải pháp phải đảm bảo giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái, đến sụt lở bờ sông và giảm tác động đến đời sống con người. Quan điểm của Bộ Xây dựng là Bộ rất thận trọng trong việc cấp phép xuất khẩu cát và chỉ cho phép xuất khẩu trong từng dự án, từng khu vực, có giới hạn về khối lượng, thời gian, cấp phép thành nhiều lần và phải có ý kiến của các địa phương cũng như các bộ, ngành liên quan.

Liên quan đến các câu hỏi của phía đối tác, Bộ Xây dựng đã trả lời về quá trình cấp phép, các bước phân tích khảo sát, lập thiết kế, phương án thi công và báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cuối buổi làm việc, hai bên đi đến thống nhất cao về đề xuất sẽ lập ra tổ công tác đại diện của mỗi Bộ để làm đầu mối liên hệ công việc. Hai Bộ phối hợp chặt chẽ nhằm xây dựng lộ trình, khối lượng, thời gian, phương thức, giá cả và lựa chọn một số điểm khảo sát  thử nghiệm. Các nghiên cứu đánh giá hoạt động của dự án cần được báo cáo định kỳ hàng năm để kiểm soát tác động đến môi trường. Kết quả hợp tác sau khi triển khai dự án sẽ được tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ hai nước và đưa vào một phần nội dung trong Biên bản Ghi nhớ mà hai nước ký kết vào tháng 9/2014 theo kế hoạch dự kiến.

Ninh Toàn

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load