“Ông L.Fernando Requena từ ngày 14-7 đã không còn ở Việt Nam, nhưng Đoàn Tư vấn giám sát hợp đồng đã phát hành hơn 30 văn bản liên quan đến dự án gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đóng dấu chữ ký của ông L.Fernando Requena là không phù hợp với quy định của pháp luật”, Bộ Tư pháp khẳng định.
Như Báo CAND đã thông tin, mãi đến khi việc ông L. Fernando Requena, Trưởng Đoàn tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1” (gọi tắt là Dự án chống ngập do triều - PV) có tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, tự ý rời Việt Nam từ ngày 14-7-2018 bị phát hiện, trong khi sau thời điểm này, hàng chục văn bản của TVGSHĐ gửi UBND TP Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng vẫn có chữ ký của ông này; phía Liên danh TVGSHĐ mới thừa nhận đã sử dụng hình thức chữ ký đóng dấu.
Tuy nhiên, giải thích với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh (Trung tâm chống ngập - PV), Liên danh TVGSHĐ biện minh rằng vị trí Trưởng Đoàn tư vấn chỉ có 7 tháng được tính công trên tổng số 24 tháng thi công và 30 tháng bảo hành (54 tháng) của dự án nên ông L. Fernando Requena không thể có mặt thường xuyên và phải chỉ đạo từ xa qua email, fax…
Và do đó, bộ phận thường trực của Liên danh TVGSHĐ phải sử dụng chữ ký dấu. TVGSHĐ còn nói rằng nếu muốn ông Trưởng Đoàn tư vấn làm việc 100% thời gian, thành phố phải bố trí thêm ngân sách để trả lương, chi phí ăn ở, đi lại… với số tiền thù lao hơn 363 triệu đồng/tháng (gấp hơn 5 lần Phó Trưởng Đoàn tư vấn người Việt Nam), cùng các khoản tiền công tác phí hơn 820 triệu đồng.
Một văn bản được ký khi ông L.Fernando Requena không có mặt tại Việt Nam.
Trước hành vi bất thường của Liên danh TVGSHĐ, ngày 6-11 vừa qua, Trung tâm chống ngập đã đề nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn xác định hiệu lực pháp lý của việc sử dụng dấu chữ ký. Ngày 15-11, Cục Kiểm tra văn bản Quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) có Công văn số 642/KTrVB-KT gửi Trung tâm chống ngập, khẳng định: “Với việc ông L.Fernando Requena từ ngày 14-7-2018 đã không còn ở Việt Nam nhưng Đoàn TVGSHĐ đã phát hành hơn 30 văn bản liên quan đến dự án gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đóng dấu chữ ký của ông L.Fernando Requena, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định nếu văn bản đã phát hành sử dụng dấu chữ ký của người có thẩm quyền ký nhưng người đó vắng mặt và không ký trực tiếp vào bản gốc văn bản lưu tại văn thư cơ quan, tổ chức thì không phù hợp với quy định của pháp luật”.
Cũng xin được nói thêm, trong số hơn 30 văn bản không phù hợp quy định pháp luật được TVGSHĐ ban hành, nhiều văn bản có nội dung rất “nhạy cảm”. Đơn cử như trong một số văn bản, Liên danh TVGSHĐ “tố” nhà đầu tư thay thép G7 bằng thép Trung Quốc. Trước sự việc gây nghi ngờ trong dư luận từ các văn bản này, sau các kết quả thẩm định, ngày 22-8-2018, Sở NN&PTNT (đơn vị được UBND thành phố ủy quyền) có văn bản gửi UBND thành phố tái khẳng định việc thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép chế tạo cửa van các cống giữa giai đoạn thiết kế cơ sở và giai đoạn thiết kế bản vẽ thi công của nhà đầu tư là phù hợp nhằm tối ưu hóa sản phẩm thiết kế, phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Không phải chỉ vậy, phía Liên danh TVGSHĐ còn đóng dấu chữ ký để ban hành hàng loạt văn bản có nội dung không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín cho nhà đầu tư. Đó là Văn bản HFTC-SCFC/LO-18-048 ngày 25-7 của TVGSHĐ báo cáo về “Thiếu sót hồ sơ pháp lý theo quy định của pháp luật về luật bảo vệ môi trường”; Văn bản HFTC-SCFC/LO-18-049 ngày 25-7 của TVGSHĐ “Báo cáo về các sai phạm trong quá trình đổ bùn thải nạo vét”; Văn bản HFTC-SCFC/LO-18-056 ngày 30-8 về “Đề xuất thu hồi giá trị khối lượng bùn nạo vét đã được xác nhận giải ngân”…
Theo báo cáo của cơ quan chức năng thành phố, từ tháng 1-2018 đến ngày 14-7-2018, Liên danh TVGSHĐ đã phát hành 45 văn bản, trong đó có khoảng 35 văn bản đóng dấu chữ ký với nhiều nội dung cảnh báo thiếu cơ sở (như kể trên) khiến lãnh đạo TP Hồ Chí Minh không dám đặt bút ký xác nhận khối lượng thi công hoàn thành, dẫn đến việc ngân hàng cho vay tạm ngưng giải ngân; khiến dự án buộc phải tạm dừng thi công từ ngày 27-4-2018 khi đã hoàn thành 72% khối lượng.
Cũng cần thông tin thêm, ngày 5-10-2018, Liên danh TVGSHĐ sử dụng chữ ký đóng dấu phát hành Văn bản số HTFC-SCFC/LO-18-068 gửi Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh tố cáo một số nhân viên tư vấn bị đe dọa, phải sống trong trạng thái bất an vì đang làm việc cho Liên danh TVGSHĐ. Cũng nại cớ này, trước đó, Liên danh TVGSHĐ từ chối dự cuộc họp do Trung tâm chống ngập tổ chức nhằm tháo gỡ vướng mắc, tránh nguy cơ nguồn vốn giá rẻ bị “cắt” do dự án tạm dừng quá lâu.
Đến ngày 15-10, Liên danh TVGSHĐ đã cử ông Phạm Văn Hoàng đến Phòng Cảnh sát hình sự làm việc. Ông Hoàng khai không biết nội dung tố cáo và người nắm rõ sự việc trên là bà Phạm Xuân Lộc Thảo, thư ký phiên dịch Văn phòng dự án. Bà Thảo là người trực tiếp soạn thảo văn bản, gửi mail trực tiếp cho ông L.Fernando Requena với sự đồng ý có phúc đáp mail trả lời của ông L.Fernando Requena nên đơn tố cáo số HTFC-SCFC/LO-18-068 mới được phát hành gửi cho Phòng Cảnh sát hình sự.
Tuy nhiên, khi Phòng Cảnh sát hình sự gửi giấy mời đến 3 lần, bà Thảo vẫn không đến để hợp tác làm rõ nội dung tố cáo. Trong lần nhận thư mời lần thứ 3, Liên danh TVGSHĐ có văn bản (cũng sử dụng chữ ký đóng dấu) từ chối yêu cầu của Phòng Cảnh sát hình sự. TVGSHĐ cho rằng việc mời bà Thảo là “không cần thiết”; đồng thời bày tỏ quan điểm rằng cơ quan điều tra muốn làm rõ thông tin phải có văn bản chính thức, TVGSHĐ sẽ xem xét trả lời sau khi có ý kiến chấp thuận của UBND thành phố (?!).
Trước sự bất hợp tác từ phía “nạn nhân”, ngày 14-11 vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự tiếp tục có văn bản yêu cầu TVGSHĐ cử bà Thảo đến Phòng Cảnh sát hình sự làm rõ một số nội dung tố cáo. Hiện việc sử dụng chữ ký đóng dấu trái pháp luật của Liên danh TVGSHĐ và những hành vi mờ ám của ông Nguyễn Viết Thanh nhằm phá hoại Dự án chống ngập quan trọng này đang được cơ quan điều tra của Bộ Công an làm rõ.
Theo Công văn số 642/KTrVB-KT của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), Nghị định số 110/2004/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư (sửa đổi bởi Nghị định số 09/2010/NĐ-CP ngày 8-2-2010) quy định việc ký văn bản phải do người có thẩm quyền trực tiếp ký hoặc những người được giao ký thay, ký thừa ủy quyền, ký thừa lệnh trực tiếp. Mỗi văn bản phát đi phải lưu hai bản, gồm bản gốc lưu tại văn thư cơ quan, tổ chức và bản chính lưu trong hồ sơ. Bản gốc văn bản là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản được cơ quan, tổ chức ban hành và có chữ ký trực tiếp của người có thẩm quyền. Bản chính là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản và được cơ quan, tổ chức ban hành. Khi phát hành văn bản thì phải lưu bản gốc văn bản có chữ ký trực tiếp của người có thẩm quyền. Các văn bản đã phát hành sử dụng dấu chữ ký chỉ hợp pháp khi có nội dung giống với bản gốc văn bản lưu tại văn thư cơ quan, tổ chức đã được người có thẩm quyền duyệt và ký trực tiếp trước khi phát hành. |
Theo Bảo Sơn/Cand.com.vn