Thứ sáu 11/10/2024 06:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Bộ TT&TT phổ biến Luật Báo chí 2016

20:18 | 07/11/2016

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, Luật Báo chí sửa đổi lần này là hành lang pháp lý quan trọng với nhiều quy định mới, tiến bộ, phù hợp thực tiễn đời sống của báo chí trong giai đoạn mới.


Ảnh: VGP/Thúy Hà

Tại hội nghị phổ biến Luật Báo chí năm 2016 tổ chức vào chiều 7/11, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết Luật Báo chí được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 5/4/2016, với số phiếu tán thành cao. Luật Báo chí năm 2016 gồm 6 chương, 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành; Luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2017.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cũng nhấn mạnh một số điểm mới của bộ luật này.

Cụ thể, Luật Báo chí 2016 khẳng định quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân (được quy định tại Chương II, các điều 10, 11, 12, 13), trong đó nêu rõ công dân có quyền sáng tạo tác phẩm báo chí; cung cấp thông tin cho báo chí; phản hồi, tiếp cận thông tin báo chí; liên kết với cơ quan báo chí thực hiện tác phẩm báo chí; in và phát hành báo in…

Công dân có quyền góp ý, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác…

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí cho biết  quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân là quan điểm xuyên suốt Luật Báo chí năm 2016, phù hợp với Hiến pháp 2013.

“Tự do ngôn luận được thể hiện dưới nhiều góc nhìn khác nhau, các thể chế chính trị khác nhau và điều kiện chính trị cụ thể của mỗi quốc gia. Tuy nhiên dù ở thể chế nào, điều kiện lịch sử, chính trị nào thì tự do ngôn luận cũng đều bị chi phối bởi các yếu tố như: Quyền tự do ngôn luận, sự thật của vụ việc và lợi ích của cộng đồng. Luật Báo chí 2016 cũng quy định rõ”, ông Phúc cho biết.

Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, Luật Báo chí đã bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí, trong đó quy định cụ thể lĩnh vực, nội dung các cơ quan báo chí được phép liên kết với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết; thời lượng tối đa được phép liên kết trong kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định và kênh thời sự chính trị tổng hợp...

Về quyền tác nghiệp báo chí, Luật Báo chí 2016 quy định trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí; những cơ quan, tổ chức cá nhân có thẩm quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

Đặc biệt, với quy định bảo vệ nguồn tin báo chí, Luật Báo chí quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên, cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo cũng được quy định trong Luật, trong đó nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo nếu vi phạm đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng…

Theo Thúy Hà/Chinhphu.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load