Ngày 28/8, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi làm việc giữa Bộ Xây dựng với các Hội, Hiệp hội, các doanh nghiệp sản xuất VLXD về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành VLXD.
Tại buổi làm việc, đại diện các Hội, Hiệp hội, các doanh nghiệp đã báo cáo với Bộ trưởng về tình hình đầu tư, sản xuất, tiêu thụ VLXD, đồng thời kiến nghị và đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VLXD tồn kho trong 8 tháng đầu năm 2012.
Theo ông Trần Văn Huynh – Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, xây dựng mới có vật liệu xây dựng , xây dựng phát triển thì VLXD mới phát triển và ngược lại. Tình hình sản xuất tiêu thụ VLXD hiện rất khó khăn, nhiều đơn vị đã phải dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, một số đơn vị đang bên bờ vực phá sản. Đơn cử, đầu tư xi măng, hiện chỉ đạt 30% so với mục tiêu đề ra bởi nhiều đơn vị dừng không đầu tư hoặc đầu tư chậm lại. Ngành sản xuất đá ốp lát có 8 vùng trung tâm khai thác, chế biến với gần 2000 cơ sở lớn và hơn 60.000 lao động, năng lực sản xuất 10 triệu m3 sản phẩm/năm nhưng hiện 50% số lao động của ngành này không có việc làm. Tồn kho đầu năm 2012 của ngành Gốm sứ xây dựng đã tăng lên 20% (tính cả lượng tồn kho lũy kế tại các đơn vị sản xuất và cả tồn kho từ các đại lý chưa bán hàng tới người tiêu dùng) với con số cụ thể là tồn kho khoảng trên 40 triệu m2 gạch ốp lát và trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, tương đương khoảng trên 3.000 tỷ đồng.
Ông Đinh Quang Huy – Hiệp hội Gốm sứ xây dựng nhấn mạnh thêm: ngành Gốm sứ xây dựng hiện chỉ khai thác 70% công suất thiết kế, sức mua thị trường sụt giảm từ cuối năm 2011. Thị trường tiêu thụ từ thành thị đến nông thôn đều giảm, triển vọng sinh lời bị thu hẹp, các doanh nghiệp ngành này đã chủ động giảm sản xuất.
Đại diện các doanh nghiệp sản xuất VLXD, đặc biệt sản xuất VLXD không nung, ông Kiều Văn Mác – Chủ tịch Hội đồng quản trị Sông Đà – Cao Cường cho rằng: hiện sản xuất bê tông khí chưng áp đang gặp nhiều khó khăn. Cả nước có 12 nhà máy sản xuất bê tông khí chưng áp với công suất thiết kế 1500 m2 nhưng chỉ sử dụng 15% công suất thiết kế và tiêu thụ được 15% sản phẩm và cả 12 nhà máy đều lỗ.
Không chỉ phản ánh bức tranh đầu tư, sản xuất và tiêu thụ VLXD mà vấn đề xuất nhập khẩu VLXD cũng được các Hội, Hiệp hội và doanh nghiệp bàn thảo sôi nổi. Theo đó, vấn đề cạnh tranh bằng cách bán phá giá trong xuất khẩu, nhập lậu các sản phẩm VLXD cần có giải pháp tháo gỡ quyết liệt, đẩy mạnh hơn nữa phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”....
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Năm 2012 cực kỳ khó khăn về kinh tế, mặc dù lạm phát giảm nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có sản xuất tiêu thụ VLXD.
Về tổng thể, Chính phủ đang thực hiện quyết liệt tổng thể các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế như tăng cầu, tháo gỡ rào cản thực hiện các dự án đầu tư, tăng đầu tư công, thực hiện giải ngân các nguồn vốn, giảm lãi suất, giảm thuế, hỗ trợ bằng các biện pháp hành chính khác…
Về lĩnh vực VLXD, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu cụ thể, đề xuất tham mưu để Thủ tướng Chính phủ có chính sách tháo gỡ khó khăn với những giải pháp và đề suất cụ thể. Nhà nước sẽ rà soát các quy hoạch vật liệu xây dựng, trong đó kiểm tra cụ thể việc thực hiện các quy hoạch, dự án… Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh VLXD cần tiếp tục chủ động để cấu trúc lại doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị mình.
Huyền Hà
Theo baoxaydung.com.vn