Thứ sáu 19/04/2024 15:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bộ trưởng Trần Hồng Hà giữ chức Chủ tịch MRC nhiệm kỳ 2022

23:36 | 25/11/2021

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà giữ chức Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế nhiệm kỳ 2022.

Ngày 25/11/2021, phiên họp lần thứ 28 Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) kết hợp với Phiên họp lần thứ 26 với các Đối tác Phát triển của Ủy hội sông Mekong quốc tế đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

Phiên họp do Phó Thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan, Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế năm 2021 chủ trì. Tham dự phiên họp có Ủy viên của 4 quốc gia thành viên (Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia) và đại diện các Đối tác Phát triển của Ủy hội.

Tại Phiên họp lần này, chức Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế nhiệm kỳ 2022 đã được bàn giao cho Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế của Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ phiên họp, Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng đồng thời thảo luận với các Đối tác Phát triển về tình hình hợp tác, diễn biến tài nguyên nước trong lưu vực và giải pháp ứng phó trong điều kiện thời tiết cực đoan năm nay và còn có thể tiếp tục xảy ra trong năm tới…

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Lê Công Thành - Ủy viên thay thế Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế của Việt Nam, cho biết cũng như nhiều nơi trên thế giới, tài nguyên nước sông Mekong là hữu hạn và hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi dân số tăng nhanh, nhu cầu sử dụng ngày càng lớn cho phát triển kinh tế và tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.

bo truong tran hong ha giu chuc chu tich mrc nhiem ky 2022
Bộ trưởng Trần Hồng Hà giữ chức Chủ tịch Hội đồng Ủy hội sông Mekong quốc tế nhiệm kỳ 2022. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong số đó, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam - do nằm ở cuối nguồn sông Mekong nên bên cạnh việc phải đối mặt thường xuyên với tình trạng thiếu nước vào mùa khô, xâm nhập mặn tại đây có xu hướng xuất hiện sớm hơn và với phạm vi sâu hơn, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và sụt lún có diễn biến ngày càng phức tạp cả về phạm vi và mức độ, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân vùng đồng bằng.

Để đối phó với những khó khăn thách thức đó, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch để khai thác, sử dụng hiệu quả và bảo vệ nguồn tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, Việt Nam đã lựa chọn cách tiếp cận phát triển bền vững theo hướng chuyển đổi mô hình kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, qua đó cũng góp phần vào nỗ lực bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên liên quan của Đồng bằng sông Cửu Long.

Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh triển khai thực hiện chiến lược phát triển lưu vực và các chiến lược ngành nhằm sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên nước đồng thời tập trung vào các hoạt động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, các tác động xuyên biên giới; tăng cường tự chủ, năng lực của các quốc gia trong toàn bộ các hoạt động của Ủy hội sông Mekong quốc tế.

Trên cơ sở các kết quả của năm 2021, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị trong năm 2022, Ủy hội sông Mekong quốc tế cần tập trung các nguồn lực cần thiết để triển khai các hoạt động ưu tiên; tăng cường tham vấn vùng đối với các đề xuất sử dụng nước trên sông Mekong; đẩy mạnh thực hiện cam kết về kết quả tham vấn đối với các dự án thủy điện dòng chính và đúc rút các bài học kinh nghiệm../.

Theo Hùng Võ (Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load