Thứ bảy 20/04/2024 11:26 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bộ trưởng Nội vụ: Xây bộ máy hành chính nhà nước thật sự trong sạch

11:45 | 13/02/2021

Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, để xây dựng được bộ máy hành chính nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh phải kết hợp với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp.

bo truong noi vu xay bo may hanh chinh nha nuoc that su trong sach
Hoạt động nghiệp vụ kế toán kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Trước thềm Xuân Tân Sửu 2021, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc trò chuyện cởi mở về những điều ông tâm đắc và cả những băn khoăn, trăn trở khi giữ cương vị “Tư lệnh” ngành Nội vụ.

- Là cơ quan “gác cửa” cho Chính phủ về tổ chức bộ máy và biên chế, thời gian qua, sức ép về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế rất lớn, Bộ trưởng có chịu nhiều áp lực từ một bộ, ngành hay địa phương nào đó?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Đây là lĩnh vực rất nhạy cảm. Hàng năm, chúng tôi nhận được đề nghị về biên chế của các bộ, ngành, địa phương nhưng gần như không có bộ, ngành, địa phương nào đề nghị giảm biên chế. Ai cũng đề nghị tăng nhưng phải cương quyết thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Việc thực hiện tinh giản biên chế có lộ trình, có mục đích rất rõ ràng. Không thực hiện được việc sắp xếp tổ chức và tinh giản biên chế cũng có nghĩa là chúng ta không thực hiện được chính sách cải cách tiền lương.

Chúng ta đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thủ tục giấy tờ, sử dụng công nghệ thông tin thì không lý do gì không giảm được người. Giảm ở đây là giảm những người làm việc kém năng suất, không đạt yêu cầu nhiệm vụ, để chọn người tốt hơn.

Tôi nghĩ trong thời gian qua, các địa phương còn xin giữ, xin tăng thêm biên chế cũng vì lý do chúng ta thực hiện khoán kinh phí trên biên chế. Tôi nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, cương quyết thực hiện chính sách lương mới để chấm dứt tình trạng khoán kinh phí trên biên chế.

Nếu chấm dứt tình trạng khoán kinh phí trên biên chế, sẽ không còn xin thêm biên chế nữa. Người ta sẽ biết chọn người, sử dụng người như thế nào để thu nhập cho cán bộ, công chức ngày càng tăng.

Đến giờ này, có thể nói, vấn đề tinh giản biên chế ở các địa phương cũng không phải là áp lực lớn. Thực tiễn đặt ra là những nơi nào thiếu, cần thiết chúng ta vẫn phải bổ sung.

Trong năm 2019-2020, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đã hai lần xử lý, giải quyết bổ sung biên chế cho y tế và giáo dục. Đây là vấn đề cần thiết phải làm. Tôi nghĩ rằng, có những chỗ cần, phải cho tăng số người làm việc để đảm bảo phục vụ cho việc giảng dạy và chữa bệnh. Nơi nào chúng ta thấy cần giảm, phải cương quyết giảm.

Trong lộ trình sắp tới, sau khi tổng kết Nghị quyết 39 vào cuối năm 2021, chúng tôi sẽ đề nghị những giải pháp mới để tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế, kết hợp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo bộ máy hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn.

- Là cán bộ từ địa phương chuyển lên công tác ở Trung ương, ông thấy mình có những thuận lợi và khó khăn gì?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Tôi không so sánh giữa lãnh đạo ở địa phương và lãnh đạo ở bộ, ngành Trung ương, bởi, mỗi vị trí đều có vị trí, chức năng, nhiệm vụ riêng và trách nhiệm nặng nề của nó. Làm Bí thư Tỉnh ủy có trách nhiệm rất nặng, làm Bộ trưởng trách nhiệm cũng không kém. Nhưng ở từng vị trí, sở trường, chúng ta có cách xử lý khác nhau.

Có thể nói, cách xử lý ở địa phương trong một phạm vi hẹp, nhưng chúng ta va chạm những việc thực tiễn, phức tạp. Còn ở Trung ương, phạm vi lớn hơn, xử lý dựa trên các quy định của Đảng, Nhà nước, có những thuận lợi, nhưng cũng có cái khó khăn.

bo truong noi vu xay bo may hanh chinh nha nuoc that su trong sach
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ở địa phương, Bí thư Tỉnh ủy là người có quyền lực cao nhất ở tỉnh, nhưng với Trung ương, mình làm công tác tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền và chịu áp lực của địa phương. Điều này đòi hỏi cần phải xử lý mối quan hệ hài hòa.

Để làm tốt công tác tham mưu, phải lắng nghe ý kiến bên dưới, tham mưu một cách chính xác để cấp trên quyết định hài hòa. Trong điều kiện như vậy, tôi cũng đã cố gắng bám sát thực tiễn, các quy định của Đảng, Nhà nước để làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ trong nhiệm kỳ qua.

- Ông có thể nói gì về vai trò tiên phong, đi đầu của ngành Nội vụ trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế ngay trong nội bộ ngành thời gian qua, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Tôi tâm đắc nhất là câu nói của Khổng Tử: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

Câu nói rất hay, ngụ ý là vấn đề nêu gương. Nếu chúng ta không tu thân, chúng ta không phải là người tốt. Chúng ta không làm tốt, chúng ta nói không ai nghe, nghĩa là chúng ta phải nói được, làm được và phải thực sự gương mẫu.

Thời gian qua, đối với Bộ Nội vụ, chúng tôi cũng là một trong những đơn vị tiên phong đi đầu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, thực hiện tinh giản biên chế, xử lý kỷ luật đối với cán bộ vi phạm cũng như xử lý vi phạm trong việc tuyển dụng theo Kết luận 71 của Bộ Chính trị. Chúng tôi làm một cách nghiêm túc, có như thế mới có thể góp ý cho các địa phương, bộ, ngành để khắc phục, sửa chữa những vấn đề này.

Tôi cũng muốn rằng, trong thời gian tới, chúng ta vẫn tiếp tục phải làm những việc này, không riêng gì lĩnh vực nội vụ mà các lĩnh vực khác chúng ta cũng có thể làm được. Tức là mình phải thực sự là người gương mẫu trước mới có thể nói người khác nghe, còn nếu chúng ta không gương mẫu, nói không ai nghe mình.

- Đã gần kết thúc một nhiệm kỳ công tác, Bộ trưởng có hài lòng với những gì mình đã làm? Điều gì làm ông hài lòng nhất? Còn vấn đề gì khiến ông trăn trở?

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân: Đã bằng lòng chưa, tôi không bao giờ bằng lòng với phần hiện có. Tôi chỉ tiếc rằng mình chưa làm được nhiều. Tất nhiên những việc này, nhiệm kỳ tới, người kế nhiệm sẽ tiếp tục làm.

Tôi tin chắc rằng người tới sẽ làm tốt hơn tôi và cũng có nhiều sáng kiến hơn, sẽ làm mạnh mẽ hơn cái mà tôi trăn trở chưa làm được và đã đưa vào định hướng kế hoạch của 5 năm tới, nhất là triển khai cụ thể trong năm 2021, đó là chúng ta phải kiên quyết thực hiện cho được chế độ tiền lương. Đây là trăn trở, day dứt nhất của tôi.

Trong nhiều năm chúng ta làm tiền lương nhưng không xây dựng được một chính sách mới, không xây dựng được một cơ chế tiền lương để tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Không may, năm vừa qua tình hình khó khăn, dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt xảy ra, cũng thông cảm chung cho hoàn cảnh về kinh tế của đất nước nên chưa thực hiện được chính sách tiền lương mới.

Tôi mong rằng trong năm 2021 và những năm tiếp theo, tình hình kinh tế-xã hội tốt hơn để sớm có thể thực hiện được cơ chế tiền lương này. Đây là một chính sách, có thể nói, rất được mọi người quan tâm.

Mong muốn thứ hai của tôi, đó là làm sao chúng ta xây dựng được một bộ máy hành chính nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh và chỉ thực hiện đúng chức năng quản lý của mình, không làm việc khác và giành phần khác đó để cho xã hội làm. Một bộ máy tinh gọn như thế thì phải kết hợp với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp.

Trong thời gian qua, vấn đề này chúng tôi đã có cố gắng rất lớn. Những lĩnh vực khác thì tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP (về đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực – PV). Riêng lĩnh vực Nội vụ, chúng tôi đã làm hết mức, cái gì còn phân cấp được, chúng tôi đã phân cấp cho các bộ, ngành và địa phương.

Tôi thấy có những việc không thể trong nhiệm kỳ 5 năm làm Bộ trưởng của tôi làm được, tất cả các đồng chí sau sẽ tiếp tục. Ba việc này nhiều nhiệm kỳ nữa chúng ta phải tiếp tục đổi mới, không thể dừng lại ở kết quả nào đó.

Nhân dịp đầu năm mới, thay mặt lãnh đạo Bộ Nội vụ, tôi xin chúc tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ, công chức, viên chức của ngành Nội vụ sang năm mới dồi dào sức khỏe, an khang, thịnh vượng.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load