Thứ tư 24/04/2024 00:57 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: Xác định cao nền để thống nhất quản lý toàn đô thị

21:07 | 07/11/2022

(Xây dựng) - Quản lý phát triển đô thị là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV mới đây.

Tăng cường công tác quản lý đô thị

Phản ánh về thực trạng ngập úng và tắc nghẽn giao thông đô thị, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng với trách nhiệm quản lý Nhà nước về quy hoạch, phát triển đô thị, cho biết giải pháp giải quyết tình trạng trên, nhằm phục vụ quản lý, phát triển đô thị tốt hơn trong thời gian tới?

bo truong nguyen thanh nghi xac dinh cao nen de thong nhat quan ly toan do thi
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Trong thời gian qua, tình trạng ngập úng ở các đô thị, nhất là đô thị lớn, mặc dù được quan tâm nhưng vẫn chưa giải quyết được căn bản, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.

Theo Bộ trưởng, có 5 nguyên nhân chính. Thứ nhất là do tác động của điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu. Thứ hai là do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, tình trạng lấp các hồ ao, kênh rạch, diện tích bề mặt bê tông hóa ngày càng tăng, dẫn đến khả năng chứa nước cũng như tiêu thoát nước tự nhiên giảm xuống.

Thứ ba là do công tác quy hoạch chưa đảm bảo mục tiêu, yêu cầu, chưa đáp ứng tầm nhìn, chưa đáp ứng điều kiện phát triển của đô thị ngày càng nhanh chóng. Thứ tư là các dự án triển khai theo quy hoạch thoát nước được phê duyệt còn hạn chế. Thứ năm là nguồn lực đầu tư đầu tư hạ tầng đô thị, trong đó có giao thông, thoát nước…, chưa đảm bảo theo yêu cầu.

Trong thời gian tới, với trách nhiệm quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng tập trung thực hiện một số giải pháp. Thứ nhất, nâng cao chất lượng các công tác quy hoạch bằng cách rà soát, điều chỉnh quy hoạch cũng như hướng dẫn các địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch không còn phù hợp, không còn khả thi. Các đồ án quy hoạch phải có tính tới yếu tố ứng phó, thích ứng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và kết hợp với quy hoạch thủy lợi vùng lân cận. Cùng với đó là chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng cho đô thị.

Thứ hai, xác định cao nền để khống chế quản lý toàn đô thị, từ công tác quy hoạch, cấp phép đến thanh tra, kiểm tra việc quy hoach, quản lý cao nền đô thị.

Thứ ba, tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình thoát nước theo quy hoạch, cũng như tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để thực hiện đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch.

Đại biểu Phan Đức Hiếu (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) phản ánh: Nhiều dự án nhà ở, dự án khu đô thị tại Hà Nội sau một thời gian sử dụng hạ tầng xuống cấp nhưng lại không thể nâng cấp vì hạ tầng dự án chưa bàn giao cho chính quyền nên chính quyền không nâng cấp được, trong khi chủ đầu tư cũng không nâng cấp, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và cảnh quan đô thị.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Những năm gần đây, nhiều địa phương trên cả nước phát triển đô thị thông qua các dự án đô thị, dự án nhà ở được được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đô thị. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, có nhiều dự án chưa bàn giao hạ tầng kỹ thuật cho địa phương quản lý nhưng đã xuống cấp, như tình trạng đại biểu nêu.

Theo Bộ trưởng, nguyên nhân của tình hình này, thứ nhất quy định pháp luật về xây dựng đô thị trước năm 2021 mới chỉ có quy định mang tính nguyên tắc, chưa có quy định cụ thể, dẫn đến việc thực hiện bàn giao quản lý trong khu đô thị lúng túng.

Thứ hai, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị thường phân kỳ, kéo dài. Chủ đầu tư chậm bàn giao hạ tầng kỹ thuật để chờ hoàn thành toàn bộ dự án. Trong khi đó, các công trình hạ tầng của dự án làm từ thời kỳ đầu, sau một thời gian khai thác, sử dụng đã xuống cấp.

Thứ ba, đối với một số dự án, chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ về đầu tư duy tu, bảo dưỡng hạ tầng trước khi bàn giao.

Thứ tư, nguồn lực của các chính quyền đô thị hạn chế, cả về nhân lực và vật lực, không đủ người để quản lý cũng như không đủ kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, dẫn đến phải để các chủ đầu tư dự án quản lý, chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật.

Để tăng cường công tác quản lý đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung một số giải pháp.

Thứ nhất, về xây dựng pháp luật, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật để quy định rõ hơn trách nhiệm chủ đầu tư. Nhà đầu tư có trách nhiệm đề xuất phương án bàn giao hạ tầng đô thị ngay từ khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc ngay từ khi lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thứ hai, quy định rõ hơn về việc cơ quan Nhà nước có trách nhiệm thẩm định phương án quản lý hạ tầng đô thị và việc phân giao trách nhiệm quản lý các công trình hạ tầng đô thị khi thẩm định hồ sơ.

Thứ ba, Bộ Xây dựng đang đề xuất một nghị định sửa đổi các nghị định thuộc chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó bổ sung quy định cụ thể việc bàn giao hạ tầng kỹ thuật khu đô thị…

Thứ tư, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt hành chính tương ứng trong trường hợp không tuân thủ về bàn giao quản lý hạ tầng khu đô thị…

Đảm bảo kết nối giữa hạ tầng các khu đô thị với hạ tầng giao thông

Cùng trả lời chất vấn về vấn đề ngập úng đô thị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết: Theo quy định hiện hành, Bộ Giao thông có trách nhiệm quản lý đường quốc lộ và đường ngoài đô thị, đường trong đô thị thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng.

bo truong nguyen thanh nghi xac dinh cao nen de thong nhat quan ly toan do thi
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn.

Thời gian vừa qua, Bộ Giao thông vận tải phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong việc tăng cường quản lý, đảm bảo kết nối giữa hạ tầng các khu đô thị với hạ tầng giao thông.

Bộ trưởng cho rằng tình trạng ngập úng đô thị thường xảy ra ở 2 khu vực. Một là đối với những khu đô thị cũ thường là cốt thấp. Khi cải tạo sửa chữa các khu đô thị và đặc biệt là sửa chữa đường thì thường sử dụng các phương pháp thi công cũ, đó là tiếp tục trải thảm lên để đảm bảo cho chất lượng của đường. Chính vì thế, cốt của đường trong các khu đô thị cao hơn các cốt nhà, dẫn đến việc ngập úng.

Hai là hệ thống cống rãnh của các khu đô thị cũ trước đây không được đầu tư đồng bộ, thường nhỏ cho nên không đáp ứng được yêu cầu phát tiển thực tế.

Bộ trưởng cho biết: Vừa qua, Bộ Xây dựng chỉ đạo để áp dụng các phương thức mới trong cải tạo đường đô thị. Phương pháp này cào bóc và tái sinh, tức là đường cũ hỏng thì bóc ra, sau đó mới tái chế và trải xuống để không làm tăng cốt đường ở những khu vực đô thị cũ.

Còn những khu vực đô thị mới ngập úng chủ yếu là do kết nối giữa hạ tầng khu đô thị với hạ tầng giao thông và các hạ tầng kỹ thuật khác không được đồng bộ. Ví dụ như khu đô thị xây dựng ở những khu vực mà hệ thống đường sá chưa có cầu cống. Ngoài ra, trong quá trình quản lý vận hành cũng không quan tâm nhiều đến việc xử lý những vấn đề vướng mắc về hệ thống giao thông, cống rãnh thoát nước ở các khu đô thị.

Đề cập giải pháp cho các tồn tại nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết: Cần phải quản lý thật chặt quy hoạch, giữa quy hoạch đô thị và quy hoạch giao thông để đảm bảo sự đồng bộ. Cốt xây dựng ở các khu đô thị mới phải được kiểm soát rất chặt chẽ.

Liên quan đến tắc nghẽn giao thông ở các khu đô thị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng: Tắc nghẽn ở các khu đô thị chủ yếu là do áp lực các phương tiện giao thông lớn, trong khi hạ tầng giao thông chưa phát triển kịp. Nguyên nhân lớn nhất chính là do áp lực của các phương tiện giao thông lớn hơn hạ tầng giao thông.

Đối với vấn đề ngày, theo Bộ trưởng, có một số giải pháp. Thứ nhất, quản lý quy hoạch đô thị một cách đồng bộ, ổn định và quản lý chặt chẽ quy hoạch nhà cao tầng, không chạy theo lợi nhuận thương mại để phá vỡ các quy hoạch này.

Thứ hai, phải có các giải pháp để phát triển các phương tiện giao thông công cộng. Đây là vấn đề rất lớn, Bộ Giao thông chịu trách nhiệm triển khai.

Thứ ba, thực hiện một cách đồng bộ và nhanh chóng việc di dời các công trình, trụ sở các bộ, ngành ra khỏi nội đô Hà Nôi, như giải pháp Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu.

Cuối cùng, cần phải nâng cao chất lượng trong quản lý, điều hành giao thông ở đô thị, đảm bảo làm sao ý thức giao thông được tăng cường hơn.

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load