Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, khẩn trương xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. - Ảnh: VGP
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 22/8, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ những kết quả trong triển khai Luật Đầu tư công. Như việc lập, phân bổ và giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ được quản lý ngày càng chặt chẽ, công khai và minh bạch, đã giảm phiền hà, nhũng nhiễu và tiêu cực trong các cấp, các ngành. Tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản được kiểm soát chặt chẽ hơn...
Tuy nhiên, vẫn phát sinh tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, có nguyên nhân như Luật Đầu tư công quy định nhiều nội dung đổi mới, một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa nắm vững và nhận thức đầy đủ nên trong việc triển khai vẫn còn lúng túng; chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt…
Tuy nhiên, điều quan trọng là bản thân nhiều quy định của Luật cũng gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai. Theo Bộ trưởng, có 8 điểm khó khăn, vướng mắc chính.
Thứ nhất, dự án đầu tư tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt có quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản vẫn phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Thứ hai, một số dự án mua tài sản, ứng dụng công nghệ thông tin có cấu phần xây dựng nhưng tỷ lệ rất nhỏ (chỉ chiếm 1-5% tổng mức đầu tư dự án). Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công, dự án này vẫn được phân loại dự án có cấu phần xây dựng (phải lấy ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng).
Thứ ba, về việc tăng, giảm quy mô, tổng mức đầu tư chương trình dự án, Điều 46 Luật Đầu tư công quy định các trường hợp được điều chỉnh chương trình, dự án. Tuy nhiên, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công chưa quy định trình tự, thủ tục đối với trường hợp chủ đầu tư đề xuất tăng hoặc giảm quy mô dự án, tăng, giảm tổng mức đầu tư của chương trình, dự án (tăng tổng mức đầu tư từ phân loại dự án nhóm C lên nhóm B, nhóm B lên nhóm A hoặc ngược lại); giữ nguyên tổng mức đầu tư nhưng lại giảm quy mô dự án, làm thay đổi mục tiêu đầu tư ban đầu so với quyết định chủ trương đầu tư ban đầu đã được phê duyệt.
Thứ tư, về điều kiện được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, Điều 55 Luật Đầu tư công quy định điều kiện để chương trình, dự án được bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn là đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, chương trình, dự án được bố trí vốn chuẩn bị đầu tư trong kế hoạch đầu tư trung hạn thì chưa thể được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư.
Thứ năm, về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công. Trong thực tế triển khai kế hoạch hằng năm, các bộ, ngành và địa phương có nhu cầu điều chuyển kế hoạch giữa các dự án, đặc biệt là dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong nội bộ của các cơ quan chủ quản khá lớn, đặc biệt là vào cuối năm ngân sách. Khi muốn điều chỉnh vốn từ dự án chậm tiến độ sang dự án giải ngân tốt đặc biệt là dự án ODA phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Việc này giảm tính chủ động của các bộ, ngành và địa phương, tăng thủ tục hành chính.
Thứ sáu, theo Nghị định số 77/2015/NĐ-CP, tất cả các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công (bao gồm cả dự phòng ngân sách và vượt thu, kết dư ngân sách) đều phải có quyết định đầu tư trước ngày 31/10 năm trước năm kế hoạch.
Thế nhưng nguồn vốn dự phòng ngân sách nhà nước, vượt thu, kết dư ngân sách nhà nước nếu được sử dụng đầu tư cho các dự án khởi công mới cấp bách lại phát sinh ngoài kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm. Do các nguồn vốn này chưa xác định được vào thời điểm lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm nên các dự án này không thể có quyết định đầu tư trước ngày 31/10.
Thứ bảy, về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc cho phép kéo dài vốn đầu tư sang năm sau tạo ra tâm lý các chủ đầu tư không tập trung triển khai thực hiện kế hoạch ngay trong năm kế hoạch ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư.
Về mặt nguyên tắc, các bộ, ngành và địa phương có thể gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính danh mục dự án đề nghị kéo dài sang năm sau ngay từ 1/2 hằng năm. Tuy nhiên, việc thống nhất số liệu giải ngân thực tế hiện nay còn mất nhiều thời gian đối chiếu giữa số liệu giải ngân của bộ, ngành, địa phương và Bộ Tài chính. Thông thường phải đến cuối tháng 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới thông báo được số vốn kéo dài cho các bộ, ngành và địa phương.
Thứ tám, về quy trình, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án PPP. Trong thực tế có nhiều dự án PPP có tổng mức đầu tư thuộc phân loại dự án nhóm A theo Luật Đầu tư công nhưng phần vốn đầu tư của Nhà nước tham gia chiếm tỷ lệ rất thấp. Trong trường hợp này, thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư theo Điều 17 Luật Đầu tư công là Thủ tướng Chính phủ và phải thực hiện quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư như một dự án sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước, không khuyến khích tham gia của các nhà đầu tư.
Phát biểu kết luận về nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Luật Đầu tư công được ban hành nhằm quản lý vốn đầu tư Nhà nước được tốt nhất, hiệu quả nhất và trong thực thi đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Luật cũng phát sinh các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, giải ngân vốn đầu tư; một số quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất với một số đạo luật hữu quan khác.
Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện báo cáo về các vướng mắc này, báo cáo Chính phủ để Chính phủ sớm có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi những vướng mắc. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, khẩn trương xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, cũng như một số văn bản dưới luật liên quan.
Theo Hà Chính/Chinhphu.vn