Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời những kiến nghị của DN về lĩnh vực liên quan.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã báo cáo kết quả thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN theo Nghị quyết 35 của Chính phủ và các giải pháp cải cách hành chính tạo thuận lợi cho DN theo Nghị quyết của Chính phủ và giải đáp các câu hỏi các đại biểu đã đề ra.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời những kiến nghị của DN. Ảnh: VGP
Theo đó, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết, Bộ Tài chính đã ban hành kế hoạch, chương trình hành động để thống nhất thực hiện trong toàn ngành tài chính.
Cụ thể là: Bộ Tài chính đã ban hành Chương trình hành động đến 2020 với 34 giải pháp cụ thể và hiện thực hóa thành 46 sản phẩm đầu ra. Năm 2016, Bộ Tài chính đã hoàn thành 29 sản phẩm đầu ra thuộc nhiệm vụ được giao, đạt 100% kế hoạch. Đây là nội dung nhằm mục tiêu đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN, giảm chi phí kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
Thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính theo Nghị quyết 19/2016 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành chương trình hành động với 83 giải pháp được tiết thành 118 đầu ra và trong năm 2016 đã hoàn thành 83 sản phẩm thuộc nhiệm vụ năm 2016.
Năm 2017, Bộ Tài chính cũng đã ban hành chương trình hành động Nghị quyết 19/2017 của Chính phủ với 87 giải pháp được cụ thể hóa thành 175 nhiệm vụ sản phẩm đầu ra, trong đó tập trung cải cách đồng bộ, toàn diện, hướng tới cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, đẩy mạnh cải cách thể chế trong lĩnh vực tài chính, đổi mới phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với hiện đại hóa quản lý, nhất là lĩnh vực thuế và hải quan.
Các giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra để thực hiện Nghị quyết 35 và Nghị quyết 19 gồm: Giải pháp về cải cách thể chế, chính sách và giải pháp về cải cách hành chính đã góp phần tích cực việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao môi trường cạnh tranh năng lực quốc gia, hỗ trợ và tạo điều kiện cho DN phát triển.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã khái quát một số kết quả trong 2 lĩnh vực được cộng đồng DN quan tâm nhiều nhất, đó là lĩnh vực thuế và hải quan.
Cụ thể, về kết quả cải cách thể chế, từ năm 2016 đến nay, Bộ đã hoàn thành trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành 454 văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, riêng lĩnh vực thuế và hải quan có 257 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.
Các văn bản trên đã góp phần tạo cơ sở pháp lý cho cải cách hành chính, hiện đại hóa, giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí thủ tục cho người nộp thuế, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn lực và mở rộng cơ hội đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho DN như Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, Luật Thuế xuất nhập khẩu, Nghị quyết 28 của Quốc hội sửa đổi Nghị quyết 55 về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2020.
Có thể nói việc thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ trong lĩnh vực tài chính đã hỗ trợ tích cực cho DN, cắt giảm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường khả năng tiếp cận vốn và nguồn lực để đổi mới và phát triển.
Trong năm qua, các kiến nghị của DN được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, các hiệp hội tập hợp đã được Bộ Tài chính nghiên cứu, giải quyết và trả lời kịp thời, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN. Bộ đã chủ động tổ chức phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với DN trên phạm vi cả nước.
Bộ cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, cơ quan hải quan địa phương đối thoại thường xuyên với DN để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN, đồng thời ghi nhận, tổng hợp kiến nghị chính đáng của DN để sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách và cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện công tác quản lý thuế, hải quan năm 2016 trên phạm vi cả nước.
Bộ Tài chính, cơ quan thuế và hải quan đã tiếp nhận, xử lý trên 20.000 văn bản giải quyết, trả lời kiến nghị của DN được tổng hợp từ nhiều thông tin. Trong đó, cơ quan thuế đã giải quyết trả lời 17.500 kiến nghị, cơ quan hải quan đã xử lý trên 2.500 kiến nghị.
Bộ Tài chính đã phối hợp với VCCI tiến hành khảo sát đánh giá thực tế mức độ hài lòng của người nộp thuế với cơ quan thuế. Qua khảo sát, đánh giá, kết quả 75% số DN tham gia khảo sát hài lòng với cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, các giải pháp về hỗ trợ DN trong lĩnh vực tài chính cũng được Bộ Tài chính đẩy mạnh, triển khai như trong các lĩnh vực về tài chính đất đai, cơ cấu thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, quản lý giá cả thị trường, huy động vốn, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính trong toàn quốc và trong toàn ngành, cầu thị và lắng nghe ý kiến của DN và cộng đồng DN để hoàn thiện chính sách về tài chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tiếp đó, Bộ trưởng Đinh Tiến dung đã trả lời các câu hỏi của DN.
Về kiến nghị áp dụng thuế suất, thuế tiêu thu đặc biệt đối với mặt hàng ô tô có dung tích xilanh từ 3.0 trở lên, nhập khẩu trước 1/7/2016, nhưng bán ra sau ngày 1/7/2016, áp dụng theo mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt quy định trước ngày 1/7/2016.
Về giá tính tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô để bảo đảm công bằng về giá tính thuế giữa hàng nhập khẩu với hàng sản xuất trong nước và phù hợp với thông lệ quốc tế, tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 108/2015 của Chính phủ quy định giá tính thuế tiêu đặc biệt như sau:
+ Đối với hàng hóa nhập khẩu, trừ xăng, các loại do cơ sở kinh doanh nhập bán ra, theo quy định trên, từ ngày 1/1/2016, các cơ sở nhập khẩu phải khai thuế tiêu thụ đặc biệt ở 2 khâu: Khâu nhập khẩu và khâu bán ra trong nước, và khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu bán ra trong nước thì cơ sở nhập khẩu được khấu trừ tương ứng với số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu. Từ 1/7/2016, tại Khoản 1 Điều 2 Luật số 106 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế quy định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàng hóa sản xuất trong nước, hàng hóa nhập khẩu là giá do cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu bán ra.
Về thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại Khoản 2 Điều 2 Luật số 106, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016, quy định thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống như sau: Loại xe có dung tích xilanh trên 3.0 đến 4.0 áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 90%, loại xe ô tô có dung tích xilanh trên 4.0 đến 5.0 áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt 110%, loại xe có dung tích xilanh trên 5.0 đến 6.0 áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 130%, xe có dung tích xilanh trên 6.0 áp thuế tiêu thụ đặc biệt 150%.
Theo quy định nêu trên, từ ngày 1/7/2016, cơ sở nhập khẩu ô tô khi nhập khẩu và khi bán ra trong nước phải khai mức thuế tiêu thụ đặc biệt theo mức thuế suất quy định tại Luật số 106. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị DN thực hiện đúng quy định của Luật này.
Về kiến nghị của một số DN về xuất khẩu xi măng, thép, tôn, vật liệu xây dựng đề nghị hướng dẫn rõ những sản phẩm xuất khẩu nào thuộc và không thuộc đối tượng tính tỷ lệ giá trị tài nguồn khoáng sản cộng với chi phí năng lượng, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
+ Tại Khoản 1, Điều 1, Luật 106 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế đã quy định 23 sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa qua chế biến thành sản phẩm khác, sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên khoáng sản có tổng giá trị tài nguyên khoáng sản với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên, thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Tại biểu thuế xuất nhập khẩu ban hành kèm theo Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016 quy định khung thuế suất đối với nhóm hàng có số thứ tự là 211 đã quy định vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm không quy định ở trên có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên là 5-20%.
Do đây là nội dung mới quy định tại Luật số 106/2016 (có hiệu lực từ 1/7/2016) và Luật số 107/2016 (có hiệu lực từ 1/9/2016), Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của một số DN xuất khẩu mặt hàng xi măng, thép, tôn, dây điện thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% khi xuất khẩu và thuộc đối tượng miễn thuế xuất khẩu. Để giải quyết vướng mắc cho DN, Bộ Tài chính đã tổ chức họp với một số Hiệp hội, DN đồng thời Bộ cũng có công văn xin ý kiến của Bộ, ngành, địa phương để trình các cấp có thẩm quyền hướng dẫn theo hướng sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến trực tiếp từ tài nguyên khoáng sản có tổng giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên mới thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung hướng dẫn cho phù hợp.
Về kiến nghị áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, gạo, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
+ Thuế suất thuế giá trị gia tăng là sắc thuế gián thu, thu vào hàng hóa dịch vụ dùng cho phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng tại Việt Nam. Pháp luật về thuế giá trị gia tăng hiện hành quy định đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, phân bón thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành cho nông dân và quy định 3 mức thuế suất 0%, 5% và 10%.
Mức thuế suất 0% áp dụng với hàng hóa dịch vụ xuất khẩu theo thông lệ quốc tế. Mức 5% áp dụng với hàng hóa dịch vụ thiết yếu cho đời sống và một số hàng số là sản phẩm đầu vào sử dụng cho sản xuất nông nghiệp. Mức 10% là mức thuế phổ thông, áp dụng với hàng hóa dịch vụ thông thường khác.
Theo chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quy định đến 2020 sẽ nghiên cứu áp dụng cơ bản một (1) mức thuế suất (không kể mức thuế suất 0%) áp dụng đối với hàng hóa dịch vụ xuất khẩu. Do vậy, kiến nghị việc áp dụng thuế suất giá trị gia tăng 0% đối với máy móc thiết bị chuyên dùng ủng hộ cho sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, gạo, phân bón là chưa phù hợp thông lệ quốc tế và chiến lược cải cách thuế. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu vấn đề này để rà soát, đánh giá tổng thể và trình cấp có thẩm quyền khi sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng.
Về ý kiến của Phòng Thương mại Hoa Kỳ lo ngại về kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu như thực phẩm, thuốc, Bộ Tài chính sẽ cùng các bộ ngành nghiên cứu, tiếp thu trong việc nâng cao hiệu quả kiểm tra hàng hóa nhập khẩu chuyên ngành, nhất là hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU.
Về ý kiến nghiên cứu, điều chỉnh chế độ BHXH cho phù hợp và BHYT, bảo hiểm hưu trí cho người nước ngoài làm việc có thời hạn ở Việt Nam, Bộ Tài chính cũng xin tiếp thu. Việt Nam nhất trí sớm ký hiệp định hải quan với Hoa Kỳ. Hiện hai cơ quan đã đàm phán xong và đang làm thủ tục để ký kết. Dự kiến tháng 11/2017 sẽ ký hiệp định này.
Về kiến nghị của Hiệp hội DN nhỏ và vừa về nội dung chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN tới 39,1% lợi nhuận làm ra, cao hơn 2 lần Singgapo, Bộ Tài chính thấy đây là từ báo cáo của Ngân hàng Thế giới nhận định đúng do chi phí nộp thuế so với lợi nhuận phần của DN theo tiêu chí quốc tế, bao gồm cả thuế thu nhập DN và các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN. Trong 39,1%, có 20% là thuế thu nhập DN, khoảng 19% là các khoản đóng BHXH, BHYT, BHTN. Trong khi bình quân ở ASEAN, tổng mức đóng này là 33, 65%. Riêng thuế thu nhập DN là 21,8%, nhưng bảo hiểm của họ chỉ là 11,67%.
Về ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu, hàng hóa chuyển phát nhanh, ngưỡng tính thuế là 2 triệu đồng, hiện nay đang quy định là 1 triệu đồng, và miễn kiểm tra chuyên ngành chất lượng hàng hóa. Bộ Tài chính có ý kiến như sau: Mức 1 triệu đồng tương đương 50 USD/lần là phù hợp thông lệ quốc tế. Hiện nay, các nước như Thái Lan, Indonesia… cũng đang áp dụng mức này. Việt Nam cũng lấy theo mức này và đề nghị thực hiện theo mức quy định hiện hành này và như vậy là phù hợp với khu vực.
Bộ Tài chính cũng xin tiếp thu miễn kiểm tra chuyên ngành hàng hóa chuyển phát nhanh, trừ những hàng cấm theo danh mục của hải quan quốc tế quy định.
Về ý kiến của Hiệp hội Bất động sản, Bộ Tài chính thấy có 2 ý. Thứ nhất là cho hạch toán bù trừ thu nhập DN của DN kinh doanh đa ngành nhưng có bất động sản. Bộ xin tiếp thu, nghiên cứu để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định vì tới đây sẽ có sửa đổi hệ thống luật thuế, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2018.
Về 60 dự án, Bộ Tài chính đã thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát Nghị định 46, Nghị định 59, Nghị định 189 về chuyển DN Nhà nước thành công ty cổ phần. Bộ đã đánh giá tổng hợp, báo cáo với Thủ tướng và kiến nghị 2 nội dung. Thứ nhất là thực hiện kế hoạch thanh tra 2017, Thanh tra Chính phủ có kế hoạch thanh tra với các dự án có dấu hiệu không thực hiện đúng mục đích, đầu tư, có dấu hiệu sai phạm pháp luật đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất, quyền thuê đất chưa sát với giá thị trường, làm thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước. Do vậy, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ tham khảo danh sách 62 dự án này để thực hiện các dự án đầu tư, để thực hiện thanh tra theo chỉ đạo của Chính phủ. Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tạm thời đình chỉ thi công các dự án xây dựng, nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất, không qua đấu giá và phải tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo thẩm quyền.
Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo giao Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo văn bản của Thủ tướng về việc tạm dừng việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định 09/2007 của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Thủ tướng theo quy định; Chính phủ cũng giao Bộ Y tế chuyển danh sách các cơ sở nhà đất chuyển mục đích thực hiện các dự án đầu tư cho Thanh tra Chính phủ tham khảo phục vụ công tác thanh tra về quản lý đất đai theo kế hoạch thanh tra 2017 của Thanh tra Chính phủ.
Bộ Tài chính cam kết tiếp tục đồng hành cùng DN và mong muốn DN chủ động tận dụng cơ hội để đổi mới, nâng cao cạnh tranh và phát triển ổn định, bền vững, đồng thời Bộ cũng đề nghị các DN tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về thuế và hải quan, đóng góp vào mục tiêu chung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đầy thách thức như hiện nay.
Theo Thúy Hà/Chinhphu.vn