Về bản chất, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là một loại thuế trực thu đánh vào thu nhập chịu thuế của cơ sở sản xuất kinh doanh trong kỳ, chỉ những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi mới phải nộp thuế TNDN.
Ảnh minh họa
Theo phản ánh của ông Văn Nhân Linh, hiện nay Luật Thuế TNDN tính theo tỷ lệ phần trăm đối với thu nhập thực tế của doanh nghiệp đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gian dối lách luật. Ngoài ra, cũng có thể dẫn đến trường hợp các cơ quan kiểm tra thuế hay kiểm toán "ăn chia" với doanh nghiệp. Hơn nữa, việc năm nào cũng phải kiểm tra đã mất rất nhiều thời gian cho doanh nghiệp và cơ quan kiểm tra thuế.
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, ông Văn Nhân Linh kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Luật Thuế TNDN theo hướng tính tỷ lệ trên doanh thu hay số giá trị gia tăng (GTGT). Theo đó dù tính trên doanh số hay GTGT cũng đều tùy theo ngành nghề và khu vực mà có những tỷ lệ tương ứng thích hợp. Việc này bảo đảm ngân sách không giảm nguồn thu mà hạn chế các doanh nghiệp gian lận và cơ quan kiểm tra thuế không quá tải.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:
Xét bản chất, thuế TNDN là một loại thuế trực thu đánh vào thu nhập chịu thuế của cơ sở sản xuất kinh doanh trong kỳ. Do đó, việc Luật thuế TNDN hiện hành quy định áp dụng mức thuế suất 20% trên thu nhập chịu thuế (trường hợp dự án đầu tư thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế thì được áp dụng mức thuế suất thấp hơn hoặc miễn, giảm thuế trong thời gian hưởng ưu đãi thuế) là hoàn toàn phù hợp với bản chất của sắc thuế TNDN.
Theo đó, chỉ những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi mới phải nộp thuế TNDN. Đồng thời, việc đánh thuế TNDN trên thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trước ngày 1/1/1999 khi chưa áp dụng Luật GTGT thì nước ta cũng thu thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu, gọi là thuế doanh thu. Từ ngày 1/1/1999 đến nay áp dụng thuế GTGT thay thuế doanh thu. Bản chất của thuế GTGT là đánh trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ. Sắc thuế này (thuế GTGT) là thuế gián thu, đối tượng chịu thuế là người tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ là người “thu hộ” thuế cho Nhà nước.
Vì vậy, nếu Luật Thuế TNDN cũng đánh thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu hoặc trên phần GTGT (mà không quan tâm đến các chi phí doanh nghiệp bỏ ra) thì sẽ phản ánh không đúng bản chất của thuế TNDN, với những lý do như sau:
- Trường hợp kết quả sản xuất kinh doanh bị lỗ doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế TNDN. Điều này không phản ánh đúng bản chất của sắc thuế và sẽ gặp phải phản ứng của các doanh nghiệp.
- Thuế trực thu nói chung và thuế TNDN nói riêng điều tiết trực tiếp vào thu nhập của người nộp thuế, có xem xét đến hoàn cảnh, điều kiện và khả năng đóng góp của người nộp thuế. Do đó, thuế trực thu có vai trò phân phối lại thu nhập, góp phần giảm bớt sự chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư. Đây chính là ưu điểm của thuế trực thu.
Tuy nhiên, đối với một số trường hợp như đơn vị sự nghiệp, tổ chức khác không phải là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, doanh nghiệp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp có hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có thu nhập chịu thuế TNDN mà các đơn vị này xác định được doanh thu nhưng không xác định được chi phí, thu nhập của hoạt động kinh doanh thì pháp luật thuế TNDN cũng quy định đơn vị kê khai nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu để đơn giản, dễ thực hiện do các đối tượng nộp thuế này chưa tổ chức hạch toán kế toán đầy đủ.
Hiện nay, để đơn giản thủ tục hành chính, tạo sự minh bạch rõ ràng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, khuyến khích doanh nghiệp phát triển, Luật Thuế TNDN đã sửa đổi nhiều quy định để sát với thực tế hơn, đơn giản trong thủ tục kê khai, nộp thuế. Doanh nghiệp tự khai, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai đó.
Trường hợp cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện doanh nghiệp khai sai hoặc có hành vi gian lận, trốn thuế thì bị xử phạt theo quy định (nếu xác định có hành vi trốn thuế thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự).
Theo Chinhphu.vn