Sau khi được Bộ Tài chính tham gia ý kiến, tuyến metro số 1 ở TP.HCM chỉ còn chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn thực hiện dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 ở TP.HCM.
Để huy động nguồn vốn nước ngoài cho dự án, Bộ Tài chính đã ký kết 3 hiệp định vay trị giá hơn 155 tỷ yên Nhật dựa trên các công hàm trao đổi giữa chính phủ 2 nước Việt Nam và Nhật Bản.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 đang được các cơ quan Trung ương gỡ vướng. Ảnh: Lê Quân.
Về nguyên tắc xác định cơ chế tài chính, Bộ Tài chính cho hay đối với giá trị thuộc tổng mức đầu tư ban đầu, thành phố sẽ vay lại phần thiết bị, phần xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt được cấp phát. Đối với giá trị đầu tư tăng thêm, thành phố được vay lại 100% phần vốn vay nước ngoài.
Bộ Tài chính đề nghị UBND TP.HCM xác định rõ tổng mức đầu tư được duyệt bằng đồng Việt Nam hay yên Nhật, căn cứ xác định và tỉ giá quy đổi. Trên cơ sở đó, thành phố làm rõ cơ cấu vốn vay, vốn đối ứng phù hợp theo quy định.
Trường hợp cần vay thêm, UBND TP đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng quyết định.
TP.HCM dự kiến đưa tuyến metro số 1 vận hành vào cuối năm 2021. Ảnh: Lê Quân.
Liên quan đến nguyên tắc bố trí vốn, Bộ Tài chính đề nghị UBND TP đánh giá khả năng vay, trả nợ, cân đối với nguồn vốn vay lại trong kế hoạch. Riêng phần vốn đối ứng hơn 5.491 tỷ đồng, UBND TP thu xếp theo quy định.
Riêng dự toán năm 2020, Bộ Tài chính đã tổng hợp và đang trình cấp có thẩm quyền bố trí cho thành phố vay lại hơn 11.254 tỷ đồng.
Theo Sỹ Đông/Zing.vn