Thứ năm 25/04/2024 17:45 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bộ Tài chính: Có thể giảm thêm thuế với xăng dầu

21:34 | 29/09/2022

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết đã chuẩn bị các kịch bản giảm thêm thuế để ổn định giá xăng dầu, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát năm 2022.

bo tai chinh co the giam them thue voi xang dau
Bình ổn giá xăng dầu trong nước là một trong những điều kiện quan trọng để kiểm soát tỷ lệ lạm phát. Ảnh: Duy Hiệu.

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chia sẻ tại họp báo thường kỳ quý III diễn ra chiều ngày 29/9.

Cụ thể, Thứ trưởng Chi cho biết bình ổn giá xăng dầu là một trong những yếu tố quan trọng giúp kiểm soát tỷ lệ lạm phát. Ông cho biết hiện mục tiêu của Chính phủ vẫn nhất quán về việc thực thi các giải pháp tài khóa, tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát dưới 4% như nhiệm vụ Quốc hội giao.

Giảm thuế để ổn định giá xăng dầu

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi trong 9 tháng qua, Việt Nam đã đối mặt với áp lực lạm phát rất lớn, nên việc đưa ra các giải pháp để kiểm soát chỉ tiêu này luôn nằm trong chương trình nghị sự của Bộ Tài chính, các cơ quan và Chính phủ.

“Nói vậy để thấy Chính phủ đang tập trung rất nhiều nguồn lực để đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát lạm phát. Không chỉ chính sách tài khóa mà còn cả chính sách tiền tệ, công thương, sản xuất…”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Để giữ được tỷ lệ lạm phát trong mục tiêu như hiện nay, Thứ trưởng Chi cho biết Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan đã phải sử dụng nhiều giải pháp tài khóa và tiền tệ.

Trong đó, Bộ đã trình cơ quan có thẩm quyền giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp từ đầu năm. Đồng thời, đề xuất phương án giảm thuế với mặt hàng xăng dầu - một trong những nguyên liệu đầu vào quan trọng và hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất - từ đó giữ được giá xăng dầu trong nước ổn định như hiện nay.

bo tai chinh co the giam them thue voi xang dau
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết Bộ Tài chính đã chuẩn bị sẵn các kịch bản giảm thuế để ổn định giá mặt hàng xăng dầu, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát. Ảnh: BTC.

Đáng chú ý, ông Chi cũng cho biết Bộ Tài chính đã chuẩn bị sẵn các kịch bản giảm thêm thuế đối với xăng dầu, không chỉ thuế bảo vệ môi trường (đã áp dụng), thuế nhập khẩu ưu đãi, mà cả thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt (đang lấy ý kiến) tùy thuộc diễn biến của giá xăng dầu thế giới. “Các kịch bản được đưa ra trên tinh thần sẵn sàng ứng phó kịp thời với các biến động của thị trường để giữ được giá mặt hàng chiến lược này”, ông nói.

Trước đó, góp ý trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất thay vì mức giảm 50% (như đề xuất của dự thảo), có thể xem xét miễn giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng.

VCCI cũng đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục xem xét nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách miễn giảm toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này.

Áp lực lạm phát còn lớn

Chia sẻ tại cuộc họp về con số lạm phát, ông Nguyễn Văn Truyền, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (thuộc Bộ Tài chính) dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm nay đã tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 4,01% so với cuối năm 2021. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng CPI là 3,94%.

Trong đó, CPI bình quân quý III tăng 3,32% so với cùng kỳ và bình quân 9 tháng tăng 2,73%. “Đây là những chỉ số cho thấy tỷ lệ lạm phát trong nước từ đầu năm”, ông nói.

Theo ông Truyền, so với mục tiêu của Quốc hội đề ra là kiểm soát lạm phát dưới 4%, tỷ lệ lạm phát thực tế sau 9 tháng vẫn còn cách khá xa. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, thị trường sẽ tồn tại một số yếu tố làm tăng áp lực lên giá cả.

bo tai chinh co the giam them thue voi xang dau

Cụ thể, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết giá nhiên liệu và năng lượng từ nay đến cuối năm chắc chắn còn biến động phức tạp do tình hình căng thẳng giữa Nga - Ukraine kéo dài, tác động tới giá nhiên liệu và năng lượng thế giới.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu tăng lên, tác động đến chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm, hàng nhập khẩu cũng gây áp lực lên giá hàng hóa trong nước.

Ngoài ra, ảnh hưởng của yếu tố thời tiết như cơn bão số 4 Noru và dự báo đến cuối năm còn một số cơn bão nữa cũng gây ảnh hưởng cục bộ tới giá hàng hóa thiết yếu tại một số địa phương.

Ở chiều ngược lại, ông Truyền cho rằng thị trường tồn tại các yếu tố làm giảm áp lực giá dịch vụ hàng hóa như các mặt hàng do Nhà nước định giá (điện, dịch vụ công…) được kiểm soát theo chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá.

Bên cạnh đó, sự kiên định trong chủ trương điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ cùng các chính sách miễn giảm thuế, phí cũng sẽ tác động làm giảm áp lực tăng giá với một số hàng hóa quan trọng.

Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan là các yếu tố đảm bảo cho các cân đối lớn trong nền kinh tế được giữ ổn định. Đây là những yếu tố hỗ trợ giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước từ nay đến cuối năm.

“Nhìn chung còn 3 tháng nữa là hết năm, với dư địa hiện tại, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát dưới 4% có thể thực hiện được nếu không có yếu tố tác động quá bất ngờ”, ông Truyền khẳng định.

Theo Quang Thắng/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load