Thứ bảy 20/04/2024 18:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bổ sung vốn ngân sách hỗ trợ nhà ở cho người có công

20:31 | 19/10/2016

(Xây dựng) - Giải trình về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa diễn ra sáng 19/10, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, đây là chính sách an sinh xã hội có tính nhất quán, được thực hiện liên lục từ nhiều năm qua. Do đó, nguồn vốn để thực hiện chính sách này cần phải được bổ sung vào kế hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch trung hạn (2016 – 2020).

Xã hội hóa hỗ trợ nhà ở cho người có công

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, việc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng đã được Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành có liên quan xác định là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và luôn quan tâm chỉ đạo cũng như kịp thời có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các địa phương triển khai thực hiện được hiệu quả.

Thực tế cho thấy, các địa phương đã có nhiều cố gắng triển khai nhanh chóng, kịp thời, huy động sự tham gia của các cấp, các ngành có liên quan nên cơ bản đã thực hiện tốt giai đoạn 1. Ngoài nguồn kinh phí do ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cấp, nhiều địa phương đã linh hoạt ứng trước kinh phí để hỗ trợ cho các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ nhưng chưa được cấp kinh phí, một số địa phương còn huy động sự tham gia của cộng đồng và từ các nguồn khác để hỗ trợ thêm cho các hộ gia đình nhằm nâng cao chất lượng nhà ở.

Đối với các hộ gia đình được hỗ trợ thì ngoài kinh phí được Nhà nước cấp cũng đã tự bỏ thêm kinh phí hoặc huy động thêm nguồn hỗ trợ bằng tiền, vật liệu, nhân công... từ người thân, họ hàng, cộng đồng để nâng cao chất lượng nhà ở. Tuy nhiên, để chương trình được thực hiện hiệu quả cần đòi hỏi công tác xã hội hóa cũng như sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương nhiều hơn nữa.

Tính đến hết tháng 9/2016 thì số hộ cần hỗ trợ trong giai đoạn 2 là 291.128 hộ  (trong đó xây dựng mới là 115.989 hộ, cải tạo, sửa chữa là 175.139 hộ); so với số liệu tháng 8/2016 đã tăng thêm 8.280 hộ (trong đó xây dựng mới là 5.113 hộ; cải tạo, sửa chữa là 3.067 hộ).

Để thực hiện hỗ trợ giai đoạn 2, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) để thống nhất về phương án bố trí nguồn vốn cấp từ ngân sách Trung ương như báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ KH&ĐT đã nhất trí với phương án đề xuất của Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, do việc hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng không thuộc diện được bố trí vốn đầu tư công trung hạn theo Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ nên đến nay ngân sách Trung ương chưa bố trí được.

Gần 80 nghìn hộ được hỗ trợ về nhà ở

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 9/2016, trong tổng số 80.000 hộ thì có 75.600 hộ đã hoàn thành việc hỗ trợ, còn 4.400 hộ đang triển khai thực hiện (dự kiến hoàn thành trong năm 2016).

Trên thực tế, một số địa phương đã triển khai thực hiện vượt 15.270 hộ so với dự kiến ban đầu (là 80.000 hộ). Nguyên nhân tăng chủ yếu là do một số tỉnh, thành đã tạm ứng kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương; điều chỉnh giảm số hộ được xây mới để tăng số hộ được sửa chữa, cải tạo hoặc ngược lại; một số hộ gia đình đã tự huy động kinh phí để xây dựng, sửa chữa nhà ở... Tổng kinh phí đã cấp đủ để thực hiện hỗ trợ cho 80.000 hộ là 2.758 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 2.516 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 242 tỷ đồng.


Gần 80.000 hộ gia đình có công với cách mạng đã được hỗ trợ để xây dựng nhà ở.

Về nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết: Tổng số tiền cần cấp từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ cho 72.153 hộ là 2.451 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 2.232 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 219 tỷ đồng).

Theo số liệu đến tháng 8/2016 thì tổng kinh phí cần cấp từ ngân sách trung ương để hỗ trợ cho 282.848 hộ là khoảng 7.300 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 1.716 tỷ đồng.

Nhằm tháo gỡ một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện  Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà đề xuất phương án xử lý một số trường hợp cụ thể. Theo đó, đối với các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ nhưng chưa được cấp kinh phí mà đã tự ứng trước để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở thì tiếp tục cấp kinh phí từ ngân sách để hoàn trả cho các hộ gia đình này. Dự kiến sẽ cấp ngay trong năm 2017 sau khi có nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

Đối với trường hợp người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ đã chết mà vợ (hoặc chồng) còn sống, có hộ khẩu thường trú và đang ở tại nhà ở đó thì được hỗ trợ theo mức quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg để xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở. Không áp dụng hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg  đối với trường hợp người có công với cách mạng mà cả vợ và chồng đều đã mất.

Đề xuất này của Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã nhận được sử ủng hộ của Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, các ủy viên cũng như đại diện đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương và đại diện các bộ, ngành liên quan.

 

Vân Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load