(Xây dựng) - Sáng 03/4 tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo quý I/2019 thông tin về các hoạt động tổng kết “50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh 1969 - 2019”; kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019) và thông báo kết quả triển khai chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam nhân ngày bom mìn thế giới (4/4)…
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức - Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức - Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì họp báo. Tham dự có Thiếu tướng Cao Đình Kiếm - Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Đại tá Vũ Phúc Hậu - Phó Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 12; Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam.
Hướng đến lễ kỷ niệm “50 năm giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh 1969 – 2019”, Thiếu tướng Cao Đình Kiếm - Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết: Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, thể theo nguyện vọng thiết tha của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, ngày 29/11/1969, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng Quyết nghị: “Với tấm lòng kính yêu vô hạn và đời đời nhớ ơn Hồ Chủ tịch, chúng ta phải thực hiện đến mức tốt nhất nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Hồ Chủ tịch và xây dựng Lăng của Người”.
Nhiệm vụ thiêng liêng và trọng trách lớn lao này được Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao cho Quân đội, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năm qua, lớp lớp cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của đơn vị đã nối tiếp nhau vượt qua mọi giai đoạn khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ về công tác y tế; công tác kỹ thuật, quản lý kiến trúc công trình; công tác bảo đảm an ninh, nghi lễ tại Lăng và Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; công tác tổ chức đón tiếp, tuyên truyền… với ý thức trách nhiệm cao.
Hướng đến kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 – 19/5/2019), đại tá Vũ Phúc Hậu - Phó Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 12 thông tin: Hội thảo khoa học cấp quốc gia do Viện Lịch sử quân sự Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Đắk Nông tổ chức với chủ đề “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc”, dự kiến diễn ra ngày 13/5/2019 sẽ là một trong những hoạt động trọng tâm trong dịp này.
Ngoài ra, các đơn vị trong và ngoài Quân đội tích cực triển khai các chương trình khác như triển lãm “Huyền thoại Trường Sơn” tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh; Giao lưu nghệ thuật “Huyền thoại một con đường” tại tỉnh Nghệ An; giao lưu văn nghệ, thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn; gặp mặt, tri ân các đồng chí cán bộ nguyên là lãnh đạo, chỉ huy Bộ đội Trường Sơn, Binh đoàn 12; Lễ kỷ niệm cấp Bộ Quốc phòng; gặp mặt đại biểu cựu chiến binh các thế hệ Bộ đội Trường Sơn trong cả nước; phát động Cuộc thi tìm hiểu “60 năm truyền thống Bộ đội Trường Sơn”, Cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn” và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa như xây tặng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng…
Thông báo kết quả triển khai chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam nhân ngày bom mìn thế giới (4/4), Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc - Phó Tổng giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam cho biết: Bên cạnh việc tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn 4/4 hàng năm tại Hà Nội, Huế, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Cần Thơ, Kon Tum… Việt Nam tập trung ưu tiên, điều phối, thực hiện các dự án khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn, trong đó có dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Bình và Bình Định bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), với tổng kinh phí 20 triệu USD và chương trình khoa học công nghệ “Xây dựng hệ thống thông tin quản lý ô nhiễm bom mìn và phát triển hệ thống trang thiết bị, phương tiện phục vụ dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam” cấp Bộ Quốc phòng.
Việt Nam cũng sẽ tiếp tục xây dựng dự án, trình thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn khắc phục hậu quả chiến tranh tại 5 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Trị bằng nguồn vốn ODA tài trợ của các nước, tổ chức trong nước và quốc tế.
Hạ Ly
Theo