Là ngành nghề kinh doanh mới tại Việt Nam, dịch vụ kết nối vận tải của Uber đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều từ các cơ quan chức năng: đây là loại hình kinh doanh nào, làm sao thu được thuế?
Kinh doanh vận tải hay cung cấp công nghệ?
Đang có hai luồng ý kiến xoay quanh lĩnh vực kinh doanh của Uber tại Việt Nam.
Ý kiến thứ nhất coi Uber là nhà cung cấp dịch vụ vận tải, dựa trên nhận định sau: Uber tự quyết định giá cước và trực tiếp thanh toán, xuất biên lai thu tiền cho khách hàng. Đơn vị này chỉ thuê lại các tổ chức các nhân có đăng ký kinh doanh, hoặc không có đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách để cung cấp dịch vụ vận tải. Sau khi thu 100% tiền cước, theo định kỳ, Uber mới chuyển trả cho các đối tác vận tải của mình. Như vậy, đây chính là DN cung cấp dịch vụ vận tải.
Ý kiến thứ hai coi Uber là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin để hỗ trợ hoạt động vận tải. Những người theo ý kiến này đưa ra lý luận: Uber không trực tiếp có hợp đồng với các lái xe và vận hành mạng lưới xe, mà chỉ cung cấp giải pháp công nghệ, dựa trên nền tảng thiết bị di động, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động.
Uber là nhà cung cấp dịch vụ vận tải hay là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin để hỗ trợ hoạt động vận tải?
Xác định Uber là DN cung cấp dịch vụ vận tải, không phù hợp, vì Uber không đủ điều kiện để được cấp phép theo quy định của Luật Giao thông vận tải.
Trong khi các cơ quan như UBND TP.HCM, Cục Thuế TP.HCM và một vài cơ quan khác nghiêng về ý kiến thứ nhất, coi Uber là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vận tải, thì các bộ: KH-ĐT, Công Thương, GTVT, Thông tin Truyền thông, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... lại nghiêng về ý kiến thứ hai.
Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó trưởng ban thường trực Ban cải cách Thuế, cho biết, qua tìm hiểu, phía cơ quan thuế nhận thấy, Uber có thỏa thuận hợp tác với các tổ chức cá nhân tại Việt Nam, cung cấp giải pháp công nghệ tự động tính cước và thu tiền hộ thông qua thẻ tín dụng.
Các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ vận tải, hai bên thỏa thuận chia sẻ doanh thu theo tỷ lệ Uber hưởng 20% và đơn vị vận tải hưởng 80%. Doanh thu của phía Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn, nên xét về bản chất kinh doanh, việc nhận định Uber là nhà cung cấp dịch vụ vận tải là không phù hợp.
Tổng cục Thuế đã đề nghị Cục thuế TP.HCM, hướng dẫn đại lý thuế của Uber kê khai thuế GTGT, thu nhập doanh nghiệp (ảnh minh họa - Zing).
Thu thuế ra sao hay chịu mất trắng?
Các ý kiến cho Uber là nhà cung cấp dịch vụ vận tải, cho rằng, Uber tại Hà Lan nhận 100% tiền cước, sau đó theo định kỳ họ mới chuyển trả cho các đối tác ở Việt Nam. Theo quy định của luật hiện hành, bên nào nhận tiền và chi trả thu nhập, bên đó có trách nhiệm phải kê khai và nộp thuế.
Hiện Uber Việt Nam mới kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp về phần chi phí quản lý mà bên Uber Hà Lan trả cho họ và thuế thu nhập cá nhân phát sinh. Đến nay, Uber Hà Lan chưa kê khai thuế theo quy định dù phía cơ quan thuế đã có văn bản gửi yêu cầu họ phải thực hiện nghĩa vụ thuế, tuy nhiên đến nay họ chưa có hồi đáp. Chính vì vậy, nhóm ý kiến này cho rằng, cơ quan thuế đang thất thu thuế với hoạt động kinh doanh của Uber.
Với phương án hai cho rằng, Uber đã được các đối tác vận tải tại Việt Nam kê khai và nộp thuế thay theo thỏa thuận giữa các bên. Do xác định chỉ hoạt động cung cấp giải pháp công nghệ và được tạm xếp vào loại hình kinh doanh khác, nên Uber chỉ phải kê khai nộp thuế trên 20% doanh thu được chia sẻ theo quy định của pháp luật.
Theo ông Nguyễn Quang Tiến, hiện Uber Hà Lan đã có thư ủy quyền cho Công ty PWC là đại lý thực hiện kê khai nộp thuế cho Uber tại Việt Nam. Phía Uber xác nhận nghĩa vụ kê khai thuế của Uber tại Việt Nam là phần doanh thu nhận được theo tỷ lệ thỏa thuận chia sẻ và Tổng cục Thuế đã đề nghị Cục thuế TP.HCM, hướng dẫn đại lý thuế của Uber kê khai thuế GTGT, thu nhập doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những người theo ý kiến thứ nhất cho rằng, ngành thuế hiện chỉ mới nắm được “kẻ có tóc”, là các doanh nghiệp và HTX vận tải, có kê khai nộp thuế mà thôi. Trong khi đó, Uber có nhiều đối tác là xe cá nhân nhàn rỗi, không đăng ký kinh doanh dịch vụ vận tải, tham gia hoạt động, nên ngành thuế thất thu lớn, bởi không thu được từ đối tượng này.
Về vấn đề này, ông Tiến cho biết, nếu cá nhân kinh doanh không đảm bảo điều kiện thì đó là kinh doanh trái phép. Phát hiện ra xe cá nhân tham gia mô hình này, không có giấy phép kinh doanh thì các nhân đó sẽ bị xử lý trách nhiệm và toàn bộ khoản thu nhập bất hợp pháp nêu trên sẽ phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
“Do đi xe phải sử dụng thẻ tín dụng, nên chúng tôi đang đề nghị các ngân hàng vào cuộc, để kiểm tra những cá nhân này. Ngoài ra, ngành thuế cũng mong muốn các cơ quan chức năng đẩy mạnh kiểm tra và xử lý với những đối tượng này như TP.HCM trước đây đã làm”, ông Tiến nói.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, dịch vụ kết nối vận tải của Uber là ngành nghề kinh doanh mới tại Việt Nam, chưa được quy định trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được điều chỉnh bởi luật chuyên ngành. Ngành này cũng không thuộc danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, hay kinh doanh có điều kiện.
Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ trong vận tải được khuyến khích phát triển, cũng như các mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo, đem lại lợi ích cho nền kinh tế quốc dân. Mô hình này sẽ trở thành xu hướng phát triển mạnh trên thế giới và Việt Nam, có thể lan tỏa sang các lĩnh vực khác như du lịch, khách sạn,...
Vì vậy, việc hoàn thiện khung pháp lý là cần thiết, tuy nhiên để quản lý, đòi hỏi phải có tư duy mới và sự phối hợp đồng bộ của các ngành nhằm góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Theo Trần Thủy/Vietnamnet.vn
Theo