Tiến độ thực hiện tại Nghị quyết 01/NQ-CP trong quý 2 đã hoàn thành gần 73% số nhiệm vụ được giao. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng sáu tháng đầu năm ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế dự kiến 7%, quý 3 sẽ phải đạt mức tăng trưởng là 9% và quý 4 tăng 6,3%. (Ảnh: TTXVN) |
Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, dự báo tình hình 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra kiến nghị phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 7%, cao hơn 0,5% so với mục tiêu Quốc hội giao và Chính phủ đề ra (từ 6%-6,5%) nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Hoàn thành gần 73% nhiệm vụ được giao
Trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế trong nước đã có bước phục hồi trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như giá cả xăng dầu, chi phí sản xuất, sinh hoạt, vận tải… đồng loạt tăng cao, tiềm ẩn rủi ro, thách thức.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tiến độ thực hiện tại Nghị quyết 01/NQ-CP trong quý 2 cơ bản đáp ứng yêu cầu, hoàn thành gần 73% số nhiệm vụ được giao. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng sáu tháng đầu năm ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư cho rằng Việt Nam vẫn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức và nguyên nhân chủ yếu do tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tăng trưởng, lạm phát, giá dầu, ổn định tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực.
Bên cạnh đó, kinh tế trong nước vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và cần thời gian để phục hồi, trong khi nền kinh tế có độ mở lớn, chịu nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài. Thêm vào đó, việc đánh giá, dự báo tình hình, nghiên cứu, đề xuất chính sách trong một số trường hợp còn bị động, chưa theo kịp thực tiễn.
Ngoài ra, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh công tác phối hợp, tổ chức triển khai một số chính sách hỗ trợ vẫn còn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19.
Trên cở sở những phân tích đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hai kịch bản tăng trưởng. Kịch bản 1, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, theo đó quý 3 cần đạt mức tăng trưởng là 7,9% (trong khoảng 7,5%-8% tại Nghị quyết 01/NQ-CP) và quý 4 tăng 5,5% (thấp hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,7 điểm phần trăm).
Kịch bản 2, mục tiêu tăng trưởng kinh tế dự kiến 7%, vì vậy quý 3 phải đạt mức tăng trưởng là 9% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 1 điểm phần trăm) và Quý 4 tăng 6,3% (trong khoảng 6,7%-6,7% tại Nghị quyết 01/NQ-CP).
Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, cơ quan và địa phương cần triển khai thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (năm 2022-2023).
Thêm vào đó, các cấp quản lý cần chủ động phương án ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn cũng như chủ động nghiên cứu, đề xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, người dân, nhất là người nghèo, thu nhập thấp trước áp lực về giá, chi phí sản xuất, sinh hoạt tăng cao.
Luân chuyển cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ
Về hoạt động đầu tư, ông Dũng cho biết ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong bối cảnh yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình giải ngân đến 30/6 ước đạt xấp xỉ 28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 29%), trong đó có 39/51 bộ, cơ quan trung ương và 6/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm. Tuy nhiên, có 25 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch và đặc biệt có 4 cơ quan trung ương đến nay vẫn chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Để nhanh chóng khắc phục những bất cập trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 6 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm, trong đó phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án.
Thứ hai, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư.
Thứ ba, nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án, nhất là Ban Quản lý dự án các cấp đồng thời luân chuyển, điều động, kỷ luật đối với cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.
Thứ tư, nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư dự án, từ sớm, từ xa, hạn chế tối đa việc thay đổi, điều chỉnh dự án.
Thứ năm, chính quyền các cấp phải tăng cường quản lý hiệu lực, hiệu quả đất đai, nhất là nguồn gốc đất, quy hoạch sử dụng các loại đất… hạn chế tối đa việc điều chỉnh phương án đền bù, bảo đảm tiến độ thực hiện.
Thứ sáu, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (hoặc sở xây dựng) công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo tháng phù hợp với diễn biến thị trường./.
Theo Hạnh Nguyễn (Vietnam+)